Chú ý đến tính chất đặc thù khi quy định về đấu thầu thuốc

Trao đổi xung quanh các quy định về đấu thầu thuốc trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐBQH, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ TP HỒ CHÍ MINH PHẠM KHÁNH PHONG LAN cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, quy định thêm một chương riêng về đấu thầu thuốc với nhiều điểm mới. Đại biểu cho rằng, nội dung các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành cần đúng với tinh thần của Luật, dựa trên tính đặc thù của mặt hàng thuốc. Đồng thời, cần thành lập một cơ quan giám sát độc lập về đấu thầu thuốc làm trọng tài để đánh giá thuốc trong quá trình đấu thầu có bảo đảm về chất lượng và giá cả hay không.

- Thưa đại biểu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình QH tại Kỳ họp thứ Sáu đã bổ sung một chương quy định về Đấu thầu thuốc. Đại biểu đánh giá thế nào về những sửa đổi, bổ sung này?

Chú ý đến tính chất đặc thù khi quy định về đấu thầu thuốc ảnh 1ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) trình QH tại kỳ họp này đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu, từ nghị trường và các hội thảo lấy ý kiến giới chuyên môn. Trong đó, dự thảo Luật đã có chương riêng về đấu thầu thuốc với nhiều điểm mới. Cụ thể, về hình thức lựa chọn nhà thầu, dự thảo Luật đã đưa thêm hình thức đàm phán giá với đối tượng mở rộng hơn, có ưu điểm linh động kịp thời, công khai minh bạch hơn so với chỉ một hình thức đấu thầu rộng rãi. Dự thảo cũng quy định hình thức chỉ định thầu rút gọn thoáng hơn cho một số trường hợp đặc thù, hướng đến đáp ứng kịp thời nhu cầu thuốc cho các cơ sở y tế trong những trường hợp khẩn cấp cũng như trong việc phòng chống dịch bệnh. 

Cùng với đó, dự thảo Luật đã quy định rõ về giá trúng thầu không được vượt giá kế hoạch tính cho cả gói thầu. Quy định này có ý nghĩa rất lớn đối với các gói thầu mua thuốc thường có rất nhiều mặt hàng. Tránh tình trạng xây dựng giá kế hoạch bị thấp quá nguy cơ sẽ rớt và phải làm lại hoặc cao quá dẫn đến tình trạng giá ảo. Một ưu điểm nữa, dự thảo Luật đã thể hiện cụ thể quan điểm ủng hộ thuốc sản xuất trong nước. Bên cạnh Điều 14 về ưu đãi khi hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước từ 25% trở lên, riêng đối với thuốc còn có thêm Điều 49 quy định các nhà thầu không chào thuốc nhập khẩu đối với các thuốc sản xuất trong nước. Qua đó cũng ràng buộc trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc ban hành danh mục các thuốc sản xuất trong nước được ưu đãi, trên cơ sở dần dần lành mạnh hóa thị trường, hạn chế nhập khẩu những thuốc mà sản xuất trong nước đã đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. 
- Theo đại biểu, quy định tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu tại dự thảo Luật đã thực sự phù hợp đối với mặt hàng thuốc hay chưa? Cần phải chú ý những điểm gì khi quy định về nội dung này?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu (sửa đổi) về lựa chọn nhà thầu, tại Điều 16 về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu có quy định tỷ lệ các nội dung thang điểm cho hàng hóa nói chung như kinh nghiệm năng lực nhà thầu, giải pháp và phương pháp luận với yêu cầu gói thầu, nhân sự nhà thầu... Với mức yêu cầu tối thiểu 70% tổng số điểm. Việc quy định tỷ lệ điểm như vậy là rất hay, tránh được sự tùy tiện trong xây dựng thang điểm dẫn đến mất cân đối và tình trạng hàng hóa nào cũng đạt chuẩn để chỉ chọn giá sau đó. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với mặt hàng đặc thù là thuốc. 

Mặt hàng thuốc có những điểm đặc thù và cần được quy định rõ ràng hơn trong nghị định nhằm tránh tình trạng xây dựng thang điểm tùy tiện giữa các đơn vị gây mất cân đối. Thực tế triển khai thực hiện Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC về việc hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, bước đầu các bệnh viện cũng nhận thấy thang điểm theo quy định Thông tư có một sự chưa hợp lý về tỷ lệ, nội dung thang điểm dành cho kinh nghiệm, năng lực nhà thầu và với chất lượng của thuốc. Ví dụ như thang điểm 100 có 63 điểm là dành cho phần năng lực, kinh nghiệp của nhà thầu, chỉ có 37 điểm về chất lượng thuốc. Trong 37 điểm về chất lượng thuốc mới chỉ tập trung vào hai yếu tố là kết quả kiểm nghiệm của thuốc, tức là những chất lượng chỉ tiêu lý hóa và hạn dùng của thuốc, còn thiếu rất nhiều yếu tố khác. Bởi vậy, gần như tuyệt đại đa số các thuốc đều vượt qua vòng kỹ thuật và sau cùng chỉ có đấu giá với nhau và thuốc nào rẻ nhất thì sẽ trúng.

Để khắc phục tình trạng này, cần bổ sung quy định về tỷ lệ hợp lý của thang điểm đối với thuốc bao gồm kinh nghiệm năng lực nhà thầu, chất lượng kỹ thuật của thuốc (chất lượng nhà máy sản xuất, chất lượng nguyên liệu, chất lượng thành phẩm bao gồm cả kết quả kiểm nghiệm và thời hạn sử dụng) và chất lượng điều trị của thuốc (kinh nghiệm sử dụng, hiệu quả đánh giá của giới điều trị).

- Vai trò của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong quá trình thực hiện đấu thầu thuốc đã được đề cập đầy đủ và rõ ràng trong dự thảo Luật hay chưa, thưa Đại biểu?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Theo tôi, dự thảo Luật đã thể hiện rõ hơn vai trò của cơ quan bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội Việt Nam trong chủ trì, phối hợp và giám sát trong suốt quá trình đấu thầu thuốc. Ngoài ra, quy định cụ thể trách nhiệm của bảo hiểm xã hội Việt Nam trong Hội đồng tư vấn quốc gia về quản lý thuốc ở Điều 87 của dự thảo nghị định rất thiết thực. Về lâu về dài, cần phải tăng cường hơn nữa vai trò này của Bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn, bảo hiểm xã hội có thể xem xét đứng ra cung ứng các loại thuốc trong hoạt động đấu thầu thuốc. 

Một điểm đáng chú ý là quy định về vai trò của Bảo hiểm xã hội trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này cần đặt trong sự tương thích và thống nhất với Luật Bảo hiểm y tế đang được sửa đổi. Một trong những vấn đề của Bảo hiểm y tế hiện nay là không cân đối được quỹ, luôn có nguy cơ đổ vỡ quỹ. Thực chất của bảo hiểm y tế là đóng tiền trước cho một số đông để lo cho một số người bị rủi ro về sức khỏe. Các quy định cần tính toán làm sao để có mức đóng phù hợp. Thứ nữa, dần dần cần tính đến việc chuẩn hóa mức chi trả làm sao để thống nhất, phù hợp. Ví dụ, đưa ra gói bảo hiểm y tế cơ bản với mức chi trả cơ bản; gói bảo hiểm y tế bổ sung thì mức đóng cao hơn. Hoạt động của bảo hiểm xã hội trong đấu thầu thuốc chính là một trong những động thái để xây dựng gói bảo hiểm y tế cơ bản bởi không phải loại thuốc nào cũng được bảo hiểm chi trả. Bảo hiểm xã hội sẽ kết hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để quy định về vấn đề này.

Vai trò của Bảo hiểm xã hội là giám sát việc chi tiêu, tránh việc chi tiêu quá mức cần thiết, cũng như các hành vi lợi dụng bảo hiểm y tế để trục lợi. Đồng thời, xây dựng một cơ chế tài chính, kiểm soát, bảo đảm sự cân đối tài chính giữa mức đóng góp và chi trả của người dân. Mặt khác, việc tham gia của bảo hiểm xã hội trong quá trình đấu thầu thuốc cũng tránh được tình trạng Bộ Y tế phải vừa đá bóng, vừa thổi còi. Bác sĩ khi kê đơn thuốc luôn nghĩ đến tác dụng cho bệnh nhân trong khi cơ quan bảo hiểm xã hội luôn phải chú ý đến cân bằng quỹ. Cả Bảo hiểm xã hội và ngành y tế đều có những nhiệm vụ của mình, một bên xiết giá, một bên xiết chất lượng. Về lâu dài, nên thành lập một cơ quan giám sát độc lập, thành phần có đại diện của các cơ quan tài chính, đại diện các hội nghề nghiệp làm trọng tài để đánh giá xem thuốc sử dụng trong đấu thầu cho bảo hiểm có bảo đảm về chất lượng và giá cả hay không. 
- Theo Đại biểu, các quy định của dự thảo luật có khắc phục được những bất cập trong đấu thầu thuốc thời gian qua như giá thuốc đấu thầu cao hơn nhiều giá thị trường, giá thuốc chênh lệch lớn giữa các bệnh viện, địa phương khác nhau… hay không?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Trước hết, có thể thấy rằng, việc áp dụng, thực thi các quy định trong luật đấu thầu hiện hành cũng chưa được tốt. Luật đấu thầu (sửa đổi) lần này xây dựng nguyên tắc, khung pháp lý cho hoạt động đấu thầu thuốc. Thực tế, hoạt động đấu thầu thuốc tại các bệnh viện phụ thuộc nhiều vào các Nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện. Mặt khác, đấu thầu thuốc chỉ là một trong các mảng nhỏ của quản lý giá thuốc nói chung. Khi nào mà thị trường còn quá nhiều mặt hàng, không minh bạch về giá cả, khi nào việc quản lý giá còn lỏng lẻo để giá kê khai các mặt hàng thuốc vượt quá xa giá thực tế thì sẽ còn kẽ hở cho tiêu cực. 

Trên cơ sở các quy định của Luật Đấu thầu (sửa đổi), các nghị định, thông tư hướng dẫn, đặc biệt là các thông tư hướng dẫn về bảo hiểm y tế cần quy định đúng với tinh thần của Luật, tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”. Nếu các văn bản hướng dẫn dưới luật cụ thể hóa được các nội dung đúng theo tinh thần của luật, cùng với việc triển khai thực thi luật tốt, thì tình hình giá thuốc có thể từng bước được cải thiện. Hơn nữa, ngành y tế cũng cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý giá thuốc về mặt quốc gia, tiến tới thực hiện đấu thầu thuốc tập trung thì lúc đó mới có thuốc 1 giá được. Trên thực tế, nếu giá thuốc giữa các bệnh viện, các địa phương có mức chênh lệch trong một chừng mực nào đó chấp nhận được. Do khoảng cách địa lý khác nhau, hội đồng thầu khác nhau, giá thị trường tại mỗi thời điểm khác nhau… 

Trong dự thảo Luật cũng đưa ra điều khoản quy định Bảo hiểm y tế có quyền từ chối thanh toán với những trường hợp thuốc có giá quá chênh lệch sau khi đấu thầu. Muốn hoạt động đấu thầu thuốc chuẩn thì trước hết phải chuẩn ở khâu xây kế hoạch, đưa ra giá kế hoạch phải chuẩn. Từ xưa đến nay chưa có văn bản nào quy định phương pháp, căn cứ để xây dựng giá kế hoạch. Trong dự thảo Luật cũng đã đưa điều khoản là bên Bảo hiểm y tế công khai giá trúng thầu của các địa phương, đồng thời xây dựng giá trung bình cho các mặt hàng. Các địa phương sẽ căn cứ vào giá trung bình do Bảo hiểm y tế đưa ra để xây dựng giá kế hoạch. 
- Xin cảm ơn đại biểu!

Giáo dục

UBND TP. Buôn Ma Thuột: Sẽ hoàn thành chuyển đổi loại hình với Trường THDL Nguyễn Bỉnh Khiêm trước 30.6.2025
Giáo dục

UBND TP. Buôn Ma Thuột: Sẽ hoàn thành chuyển đổi loại hình với Trường THDL Nguyễn Bỉnh Khiêm trước 30.6.2025

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn gửi UBND TP. Buôn Ma Thuột yêu cầu khẩn trương tháo gỡ khó khăn, hoàn tất kế hoạch để chuyển đổi chuyển đổi loại hình với Trường Tiểu học dân lập (THDL) Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hiện UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng đã có báo cáo gửi UBND tỉnh.

Tỷ phú Peter Vesterbacka chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với sinh viên Trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội
Giáo dục

Tỷ phú Peter Vesterbacka chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với sinh viên Trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội

Ai có thể quên được chú chim đỏ "cáu kỉnh" Angry Birds – một hiện tượng toàn cầu, từng "làm mưa làm gió" khắp các bảng xếp hạng game di động? Đằng sau thành công rực rỡ ấy là câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng của tỷ phú Phần Lan Peter Vesterbacka – nhà sáng lập Angry Birds và đồng sáng lập Slush.

Sửa đổi quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa
Giáo dục

Sửa đổi quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 26/2024/TT-BGDĐT, sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

10 dấu ấn giáo dục Việt Nam năm 2024
Giáo dục

10 dấu ấn giáo dục Việt Nam năm 2024

Năm 2024, một năm biến động với rất nhiều những sự kiện được xem là bước chuyển mình của Giáo dục Việt Nam. Báo Đại biểu Nhân dân đã điểm lại những sự kiện quan trọng của ngành Giáo dục trong năm vừa qua.

Nghiên cứu sửa Luật Giáo dục đại học để nắm bắt cơ hội mới
Giáo dục

Nghiên cứu sửa Luật Giáo dục đại học để nắm bắt cơ hội mới

Luật Giáo dục đại học 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018, đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, trước thay đổi mạnh mẽ kinh tế - xã hội, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật đã bộc lộ bất cập, đòi hỏi cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên mới.

Đánh giá tổng thể, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Giáo dục

Đánh giá tổng thể, hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Sau 5 năm và trọn chu trình triển khai ở tất cả lớp học, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá đã tạo chuyển biến tích cực đối với giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, đây cũng là lúc cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, cả ưu điểm và tồn tại, hạn chế, để phát triển, hoàn thiện chương trình, thực hiện tốt nhất mục tiêu đổi mới giáo dục.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh mở ngành mới phục vụ vận hành metro
Giáo dục

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh mở ngành mới phục vụ vận hành metro

Năm 2025, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tiếp tục mở mới một số chương trình đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước. Trong đó có ngành đào tạo nhân lực tham gia vận hành hệ thống metro, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc….