Với ý nghĩa là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo quốc tế đến Nga kể từ khi Moscow đưa quân vào Ukraine, đồng thời được tiến hành ngay sau khi Bắc Kinh làm trung gian hòa giải thành công cho thỏa thuận hòa bình giữa Iran và Ảrập Xêút, chuyến thăm được thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Tăng cường quan hệ đối tác về mọi mặt
Trong một bài báo đăng trên tờ Rossiyskaya Gazeta của chính phủ Nga một ngày trước chuyến thăm, ông Tập Cận Bình ca ngợi mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Nga về chính trị, ngoại giao và thương mại, mà theo ông là “không liên kết, không đối đầu và không nhắm vào bên thứ ba”.
Ông khẳng định, chuyến thăm sẽ là dịp để hai nước láng giềng tiếp tục hợp tác để cải thiện lòng tin, thúc đẩy giao lưu nhân dân và mở rộng thương mại song phương, vốn đã vượt mức 190 USD tỷ năm ngoái, tăng 116% so với 10 năm trước.
Đây là chuyến thăm Nga thứ 9 của ông Tập Cận Bình với tư cách là nhà lãnh đạo Trung Quốc và là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba đầy đột phá vào đầu tháng này. Ông cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên của một cường quốc đến thăm Moscow kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn một năm trước.
Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu gay gắt về mọi thứ, từ ý thức hệ đến ưu thế công nghệ, các nước phương Tây đang đặc biệt cảnh giác với những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể tăng cường hỗ trợ - về chính trị, tài chính hoặc thậm chí cả quân sự - cho Moscow để chống lại phương Tây.
Về phần mình, trong bài báo đăng tải ngay trước chuyến thăm, ông Putin hoan nghênh “vai trò mang tính xây dựng” của Bắc Kinh trong việc giải quyết xung đột Ukraine. Ông Putin gọi ông Tập Cận Bình là "người bạn cũ tốt của tôi, người mà chúng ta có tình bạn nồng ấm nhất", và nói rằng các cuộc đàm phán sẽ "tạo động lực mạnh mẽ mới cho toàn bộ hợp tác song phương của chúng ta".
Ông Putin cho biết, hợp tác thương mại sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự khi ông tiếp đón ông Tập tại Điện Kremlin. Mục tiêu năm 2019 là tăng gấp đôi trao đổi kinh tế của họ lên 200 tỷ USD vào năm 2024 sẽ đạt được trong năm nay, ông nói thêm. Ông nói: “Đáng chú ý là tỷ lệ thanh toán bằng tiền tệ quốc gia trong thương mại lẫn nhau của chúng ta đang tăng lên, củng cố hơn nữa chủ quyền trong quan hệ của chúng ta”.
Thông tin chi tiết về chuyến đi của ông Tập tại Moscow vẫn chưa rõ ràng, nhưng theo phụ tá của Putin, Yuri Ushakov, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký một tuyên bố chung về kế hoạch phát triển hợp tác kinh tế song phương đến năm 2030, cũng như một văn kiện chung về tăng cường quan hệ đối tác về mọi mặt và tương tác chiến lược giữa hai nước.
Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc gặp thân mật không chính thức sau đó là bữa tối, trong khi vào ngày thứ hai của chuyến thăm, 21.3, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có cuộc gặp riêng với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin.
Một loạt các cuộc họp cấp bộ trưởng cũng sẽ diễn ra với sự tham gia của các quan chức cấp cao từ đối ngoại, quốc phòng, ngân hàng trung ương, năng lượng, tài chính, giao thông và an ninh quốc gia.
Những người đứng đầu Rosatom – công ty năng lượng nguyên tử nhà nước Nga – và Bộ Hợp tác kỹ thuật quân sự Nga, sẽ gặp gỡ những người đồng cấp Trung Quốc.
Ông Ushakov cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi những món quà "không quá đắt tiền nhưng mang tính biểu tượng" và các cuộc đàm phán sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về "các vấn đề nhạy cảm nhất".
Theo hãng tin Sputnik, gần một chục thỏa thuận “quan trọng” dự kiến sẽ được ký kết sau các cuộc họp.
Sứ mệnh hòa giải
Ông Tập Cận Bình cho biết chuyến đi của ông tới Moscow sẽ là “hành trình hữu nghị, hợp tác và hòa bình”, hàm ý rằng bên cạnh mục tiêu thúc mối quan hệ sâu sắc hơn nữa với Moscow, Bắc Kinh còn đến với sứ mệnh hòa giải, sứ mệnh hòa bình cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Trong bài báo trước chuyến thăm của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi đối thoại “bình đẳng, hợp lý và thực dụng” như một cách để chấm dứt cuộc chiến kéo dài ở Ukraine. “Không có giải pháp đơn giản nào cho những vấn đề phức tạp”, ông viết, theo phiên bản tiếng Trung của bài báo do hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã phát hành vào tối 19.3. “Chúng tôi tin rằng miễn là tất cả các bên duy trì một khái niệm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, đồng thời tuân thủ đối thoại và tham vấn bình đẳng, hợp lý và thực dụng, chúng tôi chắc chắn sẽ tìm ra cách hợp lý để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine và một giải pháp tươi sáng, cách để đạt được hòa bình lâu dài và an ninh trên thế giới”.
Trước đó, trong một thông báo về chuyến thăm Moscow của ông Tập Cận Bình phát chính thức ngày 17.3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết chuyến đi của ông Tập cũng nhằm thúc đẩy hòa bình thế giới. “Chúng tôi luôn tin rằng đối thoại chính trị là cách duy nhất để giải quyết xung đột và tranh chấp. Việc phô trương gươm giáo, các biện pháp trừng phạt đơn phương và áp lực cực độ sẽ chỉ làm gia tăng mâu thuẫn và căng thẳng, điều này không phù hợp với lợi ích và kỳ vọng của hầu hết các quốc gia trên thế giới”, ông Vương nói.
“Trung Quốc sẽ duy trì lập trường khách quan và công bằng của mình đối với các vấn đề điểm nóng quốc tế và khu vực như cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng”.
Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba, trong đó ông Tần Cương khẳng định Trung Quốc hy vọng rằng Ukraine và Nga sẽ để ngỏ cánh cửa đối thoại và đàm phán, chứ không đóng cánh cửa cho một giải pháp chính trị.
Đây là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa hai vị Ngoại trưởng kể từ khi ông Tần Cương được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và kể từ khi Trung Quốc giúp làm trung giàn hòa giải thành công cho một thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ảrập Xêút hôm 10.3. Bản thân Ukraine cũng chúc mừng Trung Quốc về thành công trong việc sứ mệnh hòa giải vừa rồi giữa hai quốc gia đối đầu ở Trung Đông. Diễn biến này làm dấy lên kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đóng vai trò tích cực trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Ông Feng Yujun, một chuyên gia về các vấn đề của Nga tại Đại học Phúc Đán, cho biết Trung Quốc có thiện chí thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. “Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này không phụ thuộc vào ý chí và khả năng của Trung Quốc, mà phụ thuộc vào ý chí của Nga và Ukraine”, ông nói.
Cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Á tại Đại học Lan Châu Yang Shu cho biết cuộc trò chuyện của ông Tần Cương với Ngoại trưởng Kuleba báo hiệu sự chuyển hướng sang vai trò chủ động hơn của Trung Quốc trong cuộc xung đột.
Đã có báo cáo rằng sau chuyến thăm Moscow, tiếp theo, ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm tới Ukraine để nói chuyện với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Theo ông Pan Dawei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cuộc chiến Ukraine chắc chắn là nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của ông Tập Cận Bình ở Moscow. Điều đó cho thấy, Trung Quốc là một quốc gia độc lập và có cách tiếp cận riêng về vấn đề Ukraine. “Họ sẽ tích cực thúc đẩy và làm việc với tất cả các bên để tìm ra giải pháp cho vấn đề dựa trên lập trường của họ cũng như diễn biến và giá trị của tình hình”.
Nhưng ông Yang Shu không lạc quan về việc Trung Quốc có thể giúp giải quyết cuộc chiến ở Ukraine, nói rằng cuộc xung đột không giống như cuộc xung đột giữa Iran và Ảrập Xêút. Ông nói: “Căn nguyên của cuộc xung đột Iran và Ảrập Xêút là các vấn đề tôn giáo và địa chính trị, nhưng vấn đề Nga-Ukraine thì hoàn toàn khác. Họ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, và là một tình huống rất khác so với tình hình giữa Iran và Ảrập Xêút.