Kế thừa truyền thống
Trong lịch sử chống quân xâm lược, các triều đại phong kiến Việt Nam cũng nhiều lần ứng xử với phương cách hòa giải khi kẻ thù đầu hàng.
Thời nhà thời Trần, Hoàng đế Trần Nhân Tông (1258 - 1308) sau chiến thắng giặc Nguyên đã chủ trương hòa giải trong hoàng tộc, trong quốc gia để tạo nên sức mạnh, bảo vệ đất nước. Bắt đầu là đốt toàn bộ sổ sách ghi chép bằng chứng những người từng có liên hệ với giặc, kể cả thư từ quan hệ có bằng chứng phản bội của một số quan lại và thân vương.

Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên viết: “Trước kia người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua, bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng Hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc”.
Cuộc kháng chiến 10 năm gian khổ chống quân Minh xâm lược “Trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Nước Đông Hải không rửa hết mùi” nhưng khi chúng đã thất bại, đầu hàng thì người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã tha cho chúng.
Đại Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi đề cao tinh thần hòa giải, xóa bỏ hận thù:
Tướng giặc bị cầm tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh.
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc.
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Nhờ tư tưởng ấy mà đất nước ta có được những thời gian hòa bình để xây dựng, kiến thiết; không làm xấu đi tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các triều đại phong kiến Trung Hoa.
Thu phục những người thất thế
Đến thế kỷ XX thì tinh thần hòa giải giữa người Việt Nam với nhau càng bộc lộ rực rỡ hơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XX tiếp tục chống quân xâm lược Pháp của các phong trào Văn thân, của Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu... Mục đích giống nhau là đánh đuổi quân xâm lược Pháp, phương tiện dù khác nhau nhưng không có mâu thuẫn gì lớn phải hòa giải.
Đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có 3 tổ chức lớn có ảnh hưởng ở Việt Nam là: Đảng Cộng sản Đông Dương (của những người cộng sản), Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội (Việt Cách). Hai tổ chức sau được Trung Hoa Dân quốc (của Tưởng Giới Thạch) ủng hộ tổ chức, cung cấp tài chính và quân đội.
Cách mạng tháng Tám do Bác Hồ lãnh đạo đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là một Nhà nước phản ánh khát vọng nghìn đời của con người: Nhà nước của dân, do dân, vì dân, khác hẳn với mục đích của các đảng phái khác, khác với mục đích của Việt Quốc, Việt Cách và triều đình phong kiến nhà Nguyễn.
Nhưng cũng từ lúc này đặt ra vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc. Bắt đầu là thái độ ứng xử của Bác Hồ đối với hoàng tộc nhà Nguyễn và gia đình Bảo Đại - ông vua cuối cùng của triều đình phong kiến Việt Nam.
Những ngày Cách mạng tháng Tám nổ ra, Bảo Đại và hoàng gia hoảng hốt và sợ hãi nhưng rồi họ ngạc nhiên và an tâm, tin tưởng vào chính quyền mới. Bảo Đại được Bác Hồ và Chính phủ mời (chứ không phải triệu) ra làm cố vấn, thậm chí có lúc gợi ý và mời ông làm Chủ tịch Nước. Những ngày gian khổ và nguy nan của Tổ quốc nhưng chính quyền vẫn lo chu đáo nơi ăn, chốn ở và sinh hoạt cho Bảo Đại.
Cũng ngay trong những ngày nước sôi lửa bỏng và gian khó của cách mạng, Bác Hồ đã cho Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến thay mặt Người và Chính phủ vào Huế, đến tận hoàng cung, gặp vợ con Bảo Đại để thăm viếng, động viên, trấn an họ. Trong lúc quốc khố trống rỗng, dân đang đói, Bác phải nhịn ăn để tiết kiệm, nhưng vẫn lo chu cấp tài chính không chỉ cho ông vua đã bị hạ bệ mà còn cho cả hoàng hậu và các hoàng tử, công chúa.
Tình cảm bao dung của Bác Hồ dành cho gia đình Bảo Đại và những người trong hoàng tộc ngay trong những ngày mới giành được chính quyền đã làm cho cả triều đình nhà Nguyễn hoàn toàn yên tâm và hoan hỉ. Họ sẵn sàng ủng hộ và đi theo Cụ Hồ. Nhiều vị đại thần của Bảo Đại đã đi theo cách mạng như Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe, Bùi Bằng Đoàn...
8/10 vị trong chính phủ Trần Trọng Kim, như Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Trần Đình Nam... tham gia chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ có 18 bộ thì có đến 9 bộ trưởng không phải đảng viên Đảng Cộng sản. Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 333 đại biểu thì 213 vị là người các đảng phái khác.
Chính sách nhất quán
Ngay khi thực dân Pháp trở lại xâm lước nước ta, chúng tổ chức Liên bang Đông Dương, chia nước ta làm 3 kỳ có tổ chức hành chính khác nhau. Từ đó cho đến năm 1975, Việt Nam tồn tại nhiều chính phủ, cùng với đó là các tổ chức vũ trang và quân đội, cảnh sát của nó. Mâu thuẫn ý thức hệ, lý tưởng, quyền lợi... càng đa dạng và phức tạp.
Năm 1975, Quân đội Việt Nam Cộng hòa do Mỹ huấn luyện và cung cấp tài chính bị tiêu diệt hoặc tan rã tại chỗ. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nhập với Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau năm 1975 tàn quân của chính quyền Sài Gòn còn rất đông, tiếp tục lẩn trốn, chôn giấu vũ khí, tập trung nhân lực, xây dựng lực lượng vũ trang và vùng ly khai với mục đích chống phá chính quyền mới nhưng đã thất bại.
Với chiến thắng ngày 30.4.1975, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập và thống nhất Tổ quốc. 54 dân tộc anh em trên khắp dải đất hình chữ S dù tôn giáo khác nhau nhưng cùng đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, ba mươi năm chiến tranh đã làm nảy sinh mâu thuẫn về ý thức hệ, quyền lợi nhiều mặt, lập trường chính trị, cách nhìn nhận cuộc chiến. Những mâu thuẫn giữa cá nhân với chính quyền, đặc biệt là cá nhân và gia đình của họ như cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè tham gia hoạt động cho bên này hoặc bên kia… kéo dài nhiều thế hệ. Hơn nữa cuộc chiến tranh nào cũng có mất mát đau thương, cũng có chia ly, cũng có bên thắng, bên thua cuộc.
Dẫu vậy, chính sách của Đảng và Nhà nước cùng toàn thể nhân dân Việt Nam với tư tưởng hòa giải, hòa hợp dân tộc của Bác Hồ là nhất quán. Ngay ở Hiệp định Paris năm 1973 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam cũng đã có điều khoản hòa giải, hòa hợp dân tộc. Sài Gòn và các thành phố ở miền Nam được giải phóng mà không có cuộc “tắm máu” nào như một số người lo sợ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt, nhiều lần Bác Hồ để ngỏ khả năng “trải thảm cho quân Mỹ rút khỏi Việt Nam”. Đó là kết quả của tinh thần hòa giải, hòa hợp của văn hóa Việt Nam mà Bác Hồ đã kế thừa, xây dựng, vun đắp và phát huy từ truyền thống văn hóa dân tộc.