Tự do tôn giáo được Hiến pháp bảo vệ

Hiện nay, Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ có nhiều tôn giáo song song tồn tại như: Công giáo, Tin lành, Chính thống giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo, trong đó Tin lành là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất, có nhiều giáo phái khác nhau. Địa vị của tôn giáo trong đời sống tinh thần của Mỹ đặc biệt được quan tâm. Các Giáo hội Tin lành và Giáo hội Công giáo ở Mỹ đang gây ảnh hưởng lớn đến các tổ chức tôn giáo ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển và các trung tâm tôn giáo thế giới như Hội đồng Nhà thờ thế giới, Tòa thánh Vatican.
Năm 1784 Hiến pháp của Mỹ thông qua Điều VI, Khoản 3 quy định “Các Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ, các thành viên của cơ quan lập pháp các bang, các quan chức trong cơ quan hành pháp của liên bang lẫn tiểu bang đều phải tuyên thệ hoặc xác nhận sự ủng hộ Hiến pháp này. Nhưng không một điều kiện tôn giáo nào bị coi là bắt buộc như tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào các chức vụ, công sở của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ”.
Ngoài ra, trong điều sửa đổi thứ nhất bản Hiến pháp sửa đổi của Mỹ được đề xuất ngày 25.9.1789 và được phê chuẩn ngày 15.12.1791, đã tuyên bố vấn đề tự do tín ngưỡng: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.
Mỹ không có Luật Tôn giáo riêng, việc quy định trong Điều VI Hiến pháp và bản Hiến pháp sửa đổi thứ nhất có ý nghĩa quan trọng và là cơ sở cho các phán quyết của Tòa án tối cao liên bang về các vấn đề liên quan tới tôn giáo và những nguyên tắc phán quyết do Tòa án tối cao xác lập. Trong các vụ kiện liên quan tới các vấn đề tôn giáo đều dựa trên ba nguyên tắc: tính thế tục (ý đồ); tính trung thực không thiên lệch (hiệu quả) của đạo luật; không được gây quá nhiều phiền phức, rối rắm cho quan hệ giữa Chính phủ với tôn giáo, giáo phái hoặc giáo hội.
Ngoài ra, Tòa án tối cao cũng đưa ra hai nguyên tắc phán quyết quan trọng nhằm cân bằng giữa phép đo lợi ích của quốc gia và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đó là: Thứ nhất, bất cứ hành vi tôn giáo nào cũng không được trái với luật pháp công cộng, những bộ luật riêng chỉ dành cho tôn giáo, giáo phái hoặc giáo hội sẽ là trái với Hiến pháp. Thứ hai, Chính phủ có quyền tiến hành hạn chế tôn giáo hoạt động, chỉ cần hành động hạn chế này là trung lập, có hiệu lực với tất cả mọi người, chứ không phải chỉ nhằm vào hoạt động tôn giáo. Tòa án tối cao cho rằng, hai nguyên tắc này là nhằm bảo vệ lợi ích của công chúng xã hội, chứ không phải là mở cửa cho Chính phủ dễ dàng can thiệp vào thực tiễn tôn giáo.
Hai đặc điểm của mô hình thế tục
Qua nghiên cứu cho thấy mô hình thế tục của Mỹ có những đặc điểm sau: (1) thực hiện nguyên tắc phân ly, Nhà nước không can thiệp công việc nội bộ của các tôn giáo nào cũng như không một tôn giáo nào được tham gia một cách công khai hay bí mật vào công việc của chính quyền; (2) Nhà nước Liên bang không ban hành một bộ luật riêng về tôn giáo, các tôn giáo hoạt động theo Bộ luật Dân sự, các tổ chức tôn giáo khi đăng ký hoạt động tôn giáo áp dụng các quy định chung cho các tổ chức, hiệp hội xã hội khác. Không có cơ quan quản lý về tôn giáo. Hai bên Nhà nước và giáo hội đều tôn trọng pháp luật và trình tự tư pháp, bảo đảm vấn đề mối quan hệ chính giáo được giải quyết trên cơ sở bình đẳng với phương thức được xã hội chấp nhận và giá phải trả nhỏ nhất; (3) Các tổ chức tôn giáo phải có trách nhiệm báo cáo tài chính theo bảng biểu quyết toán tài chính hằng năm cho Chính phủ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể có sự ưu ái như giảm, miễn thuế cho các hoạt động từ thiện công ích. Chính sách này đối với các hoạt động từ thiện của các tổ chức tôn giáo của Mỹ mang lại nhiều giá trị thiết thực cho xã hội, đồng thời giảm gánh nặng cho Chính phủ.
Mỹ là quốc gia đầu tiên tuyên bố tách Giáo hội khỏi Nhà nước, tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Các tôn giáo được xem là các tổ chức xã hội có quyền và nghĩa vụ như các tổ chức xã hội khác. Về hình thức chỉ trên phương diện Nhà nước, trên thực tế Giáo hội luôn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các thể chế tư tưởng của nước này, trong đời sống chính trị xã hội, trong kinh tế và đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Các lĩnh vực có sự kết hợp giữa Nhà nước và Giáo hội: Kết hôn, ly hôn, kiểm soát sinh đẻ, lao động trẻ em, bảo hiểm xã hội, giáo dục, tòa án và nhà tù, phụng vụ tôn giáo trong các lực lượng vũ trang, lễ tuyên thệ, luật về sự xúc phạm những thánh tích của giáo hội, luật về sự tuân thủ ngày chúa nhật, luật về sự tuân thủ các ngày lễ tôn giáo, kiểm duyệt, phát thanh và truyền hình.
Tính tôn giáo đó xác định vị trí của con người trong đời sống ở Mỹ. Trong lời mở đầu Hiến pháp của 42 bang đều nói đến Chúa. Lễ nhậm chức Tổng thống được tiến hành cùng với các nghi lễ tôn giáo. Tổng thống tuyên thệ đặt tay lên Kinh Thánh, chức sắc các tôn giáo - mục sư Tin lành, Giám mục Công giáo và từ năm 1957 có cả chức sắc Chính Thống giáo, đọc kinh cầu nguyện Chúa ban phúc lành cho Tổng thống.
Những thí dụ nêu trên nói lên một điều rằng, việc tách Giáo hội khỏi Nhà nước ở Mỹ ngày càng mang tính hình thức và việc tách Giáo hội khỏi Nhà nước không dẫn tới việc loại bỏ Giáo hội ra khỏi bộ máy của giai cấp thống trị. Với vị trí của tôn giáo như thế, Mỹ luôn có quan điểm đối ngoại tôn giáo rất khác, luôn nâng vấn đề tôn giáo lên vấn đề quan hệ đối ngoại quốc tế và thành tiêu chí ứng xử tôn giáo chung và lợi dụng vấn đề này can thiệp vào tiến trình luật pháp tôn giáo của các nước trong đó có Việt Nam.