Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ điều hành Phiên họp thứ 9 UBTVQH sáng 22.4 | Ảnh: Quang Khánh |
Nên báo cáo QH cả 2 phương án
Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí là nội dung đã được quan tâm ngay từ khi QH cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật. Theo Báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt trình bày, đa số các Đoàn ĐBQH đều đồng tình với việc các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đều được thực hiện các công tác nêu trên (phương án 1). Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất chỉ giữ phương án thứ 2, tức là quy định “cứng” trong luật giao chức năng này thuộc về các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, còn các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ. Qua nghiên cứu, thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Võ Trọng Việt nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhất trí lựa chọn phương án 1.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt phát biểu | Ảnh: Quang Khánh |
Tán thành quan điểm của Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh, song Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị, cần bổ sung quy định “trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Bởi hiện nay, một số đơn vị dân sự bên ngoài (được Chính phủ quy định) đang tham gia thực hiện hợp đồng chế tạo hoặc cung cấp thiết bị cho vũ khí theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu | |
Ảnh: Quang Khánh |
Một số ý kiến cho rằng, Hiến pháp năm 2013 đã quy định công nghiệp quốc phòng – an ninh, xác định sẽ không chỉ sản xuất vũ khí quân dụng cho một ngành. Tuy nhiên, vì ngành công an có đặc thù riêng, nên cần cân nhắc phương thứ 2, để tận dụng hết năng lực sản xuất của ngành quốc phòng và ngành công an. Tức là không loại bỏ vai trò của lực lượng công an, nhưng vì đặc thù của ngành nên Chính phủ sẽ quy định cụ thể để linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Trước các ý kiến khác nhau về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nên giữ cả 2 phương án để trình QH xem xét.
Bảo đảm đồng bộ với Luật Đầu tư
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng – An ninh, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng chỉ giao doanh nghiệp Nhà nước thực hiện hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ. Đồng thời, phân định rõ doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ, không để doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa kinh doanh vật liệu nổ. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cũng cho biết, quy định theo hướng này là kế thừa pháp luật hiện hành, được sự đồng thuận của nhiều cơ quan chức năng, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu | Ảnh: Quang Khánh |
Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý, hiện nay khái niệm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước đang có sự tương đồng với nhau. Nhưng theo Đề án sắp xếp, tổ chức, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước thì tiêu chí xác định doanh nghiệp Nhà nước sẽ có thay đổi. Trước lưu ý này, một số ý kiến cũng đề nghị, không nên quá cứng nhắc trong việc tách bạch giữa sản xuất và kinh doanh như quy định của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, việc sử dụng vật liệu nổ không chỉ diễn ra trong công tác quốc phòng, mà trong một số hoạt động kinh tế - xã hội vẫn sử dụng. Do đó, quy định tại Điều 35 cần được chỉnh lý theo hướng là một quy định mở, cho phép doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu có thể tham gia sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.