Màu hoa của ấm no
Chúng tôi tìm đến xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, Kon Tum vào buổi sớm mùa xuân. Trên con đường đất đỏ, bạt ngàn là cà phê. Mùa xuân cũng là mùa những vạt cà phê nở hoa, trắng muốt như bông phủ các ngọn đồi vùng đất đỏ ba zan, chen lẫn giữa màu hoa trắng là mà lá xanh mướt mát. Một anh cùng đoàn bật mí, những người làm chính sách vùng đất bazan này vẫn gọi màu hoa cà phê là màu hoa của ấm no, năm nào hoa nở đều, dày hứa hẹn một năm được mùa cho bà con.
Đứng bên vườn cà phê hơn 1ha của gia đình bà Nguyễn Thị Phong (thôn 3, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) đang nở hoa ngào ngạt, thật khó để có thể biết rằng, mảnh đất này cách đây 7 năm vẫn là mảnh đất cằn cỗi, chỉ có cây bụi và cỏ dại. Vừa chỉnh lại hệ thống vòi tưới cho vườn cà phê, bà Nguyễn Thị Phong vừa kể về quá trình biến mảnh đất cỗi cằn này trở nên xanh tốt. Từ chỗ đi làm thuê kiếm sống qua ngày, sau khi được cán bộ ngân hàng phổ biến, giữa năm 2008, gia đình bà đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội- chi nhánh Kon Tum. Với một số vốn vay ưu đãi ban đầu là 80 triệu đồng, gia đình bà đã bỏ hẳn làm thuê, tập trung trồng cây cà phê. Vạn sự khởi đầu nan, song với sự đồng hành, hướng dẫn và cùng gỡ khó của Hội phụ nữ, Hội nông dân và cán bộ ngân hàng, gia đình bà đã sử dụng hiệu quả đồng vốn vay. Diện tích đất cằn cỗi ngày nào giờ đã cho hoa trái, mỗi năm gia đình bà thu hoạch từ 120- 150 triệu đồng từ cà phê.
Nhờ chăm chỉ lao động và nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, mảnh đất hoang hóa của gia đình bà Nguyễn Thị Phong đã được phủ trắng màu hoa cà phê. |
Từ một gia đình cận nghèo, nay đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, bà Nguyễn Thị Phong tâm sự: tất cả đều nhờ có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách và sự hỗ trợ của các đoàn thể địa phương. Đặc biệt là sự quan tâm giúp đỡ của hội nông dân, sự tin tưởng của Ngân hàng Chính sách xã hội cho tôi vay vốn nên tôi mạnh dạn vay vốn trồng cà phê. Cũng nhờ có nguồn thu từ cây cà phê, gia đình bà đã xây được nhà kiên cố. Hiện, con đầu của gia đình đang theo học đại học, mấy đứa còn lại đều được đi học mà không phải lo đi kiếm tiền cho gia đình như trước đây. Đây là điều mà trước đây bà Nguyễn Thị Phong chưa từng nghĩ đến.
Cũng giống như gia đình bà Phong, cuộc sống của gia đình bà Y Vân, thôn Đăk Siên, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cũng rất khó khăn. Là hộ người đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu vốn cùng với tập tục canh tác lạc hậu nên cái ăn, cái mặc của gia đình bà lo quanh năm không đủ. Không chịu chấp nhận đói nghèo, năm 2010, được mọi người mách nước, bà Y Vân đã tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất vay vốn phát triển kinh tế. Ngay khi nhận được đề nghị, cán bộ ngân hàng chính sách đã phối hợp với các đoàn thể địa phương lập hồ sơ cho gia đình bà Y Vân vay 20 triệu đồng và hướng dẫn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Nguồn vốn vay 20 triệu đồng được bà Y Vân đầu tư mua bò và trồng cà phê. Sau 2 năm, bà bán lứa bò và trả hết khoản nợ ngân hàng, đồng thời tiếp tục mở rộng mô hình nuôi bò, trồng cà phê, và vay thêm 30 triệu đồng. Hiện nay, đàn trâu bò của gia đình bà Y Vân mỗi năm cho thu nhập vài chục triệu đồng, vườn cà phê cũng năm vừa rồi cũng bắt đầu cho thu hoạch. Cuộc sống gia đình bà nhờ vậy đã khá giả và đủ đầy hơn.
Mài sắc cần câu
Có thể nói, nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đến kịp thời với người dân đã thay đổi rõ nét đời sống kinh tế của các hộ nghèo. Xuất phát từ nguồn vốn này đã hình thành được những phương thức làm kinh tế cho các hộ nghèo, giúp các hộ vươn lên thoát nghèo từ trên chính những mảnh đất của mình. Phó chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, ông A Hơn cho biết: trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, mỗi năm Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 30 tỷ đồng với trên 1 ngàn lượt hộ dân được vay vốn. Là một trong số các huyện nghèo thuộc diện 30a của Chính phủ, nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 2/3 trước đây xuống còn 32% hiện nay.
Gia đình bà Y Vân thoát cảnh nghèo đói nhờ nuôi bò, trồng cà phê từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. |
Tuy nhiên, bên cạnh những hộ dân đã thoát nghèo vẫn còn có những hộ dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum sử dụng nguồn vốn vay chưa hiệu quả hoặc chưa tiếp cận được với nguồn vốn. Nhiều hộ được vay nhưng thiếu các phương thức, mô hình làm kinh tế nên nguồn vốn vay đã không phát huy được hiệu quả. Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Tuấn, để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay trong thời gian tới, ngân hàng chính sách tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng; phối hợp với các tổ chức chính quyền địa phương để phổ biến, tuyên truyền các chính sách tín dụng. Đặc biệt, cán bộ ngân hàng cũng sẽ phối hợp với các tổ chức, đoàn thể cơ sở chuyển giao công nghệ, phương thức canh tác, tập huấn ngắn hạn cho các đối tượng vay vốn. Đồng thời, lồng ghép các mô hình, dự án phát triển kinh tế- xã hội của địa phương có hiệu quả để giúp người vay vốn sử dụng có hiệu quả.
Những năm qua, đời sống của các đồng bào dân tộc tỉnh Kon Tum đã từng bước thay da đổi thịt, một phần lớn là nhờ các chính sách đúng đắn, hiệu quả của Nhà nước. Hiện nay, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 15,88%. Bài toán giảm nghèo và giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh vẫn đang đặt ra cho lãnh đạo các cấp trong tỉnh. Để những chiếc cần câu từ ngân hàng chính sách mang lại hiệu quả rộng lớn, cho những mùa hoa cà phê nở trắng núi rừng, cần phải mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận vốn của các hộ đồng bào, và quan trọng hơn, làm sao đưa ra các mô hình làm kinh tế phù hợp, hiệu quả để người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.
Quang Thái