Hôm rồi, tham dự sơ kết tín dụng chính sách xã hội của tỉnh nhà thấy nhiều điều vui vui! Vui vì có biết bao gia đình đã thoát khỏi các nghèo cái khó nhờ vào nguồn vốn từ một chương trình mang đậm tính nhân văn này. Vui vì những người tham gia vào chương trình, từ cán bộ tín dụng cho đến cấp ủy, chính quyền, cán bộ Mặt trận và đoàn thể, đã lặn lội ngày đêm đến tận ngõ, vào tận nhà với tấm lòng chứa chan tình người để đưa nguồn vốn đến từng bà con.
Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan (bên phải) thăm hộ vay vốn khởi nghiệp từ nguồn vốn tín dụng ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội |
Làm bất kỳ công việc gì mà thẩm thấu được giá trị của nó khi ấy sẽ làm một cách tự giác, đam mê, làm mà không biết mệt mỏi; khi ấy mới sát sao, sáng tạo, mới trút hết nhiệt huyết vào công việc, đạt được hiệu quả cao. Giải ngân được nguồn vốn tín dụng để bà con mình thoát khỏi nghèo khó mới chỉ là một nửa giá trị mà thôi. Giá trị sâu xa hơn của chương trình chính là tạo dựng niềm tin từ những người dễ bị tổn thương. Một khi con người bị tổn thương sẽ dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống vì có cảm giác mình bị “bỏ rơi lại phía sau đoàn người tiến về phía trước”. Những cảm xúc tiêu cực sẽ níu kéo từng bước chân, ức chế từng suy nghĩ của bà con mình. Sâu xa hơn, những cảm xúc tiêu cực chất chứa qua thời gian đến một ngày nào đó, ở đâu đó có thể bùng phát thành những vấn đề nhức nhối trong xã hội, hoặc truyền lại cho đời con, đời cháu.
Nhiều chuyên gia cho rằng: “Nghèo là nghèo cái túi, giàu là giàu cái đầu”! Điều đó cho thấy kiến thức quan trọng có khi hơn cả đồng vốn. Có vốn rồi muốn sản xuất phải tính toán trồng cây gì, nuôi con gì, đất đai ở đâu, kỹ thuật ở đâu, thị trường ở đâu? Trăm người bán vạn người mua, người phát đạt thì ít, mà người thất bại thậm chí bị “đứt vốn” thì nhiều. Vậy muốn thành công phải cần đến kiến thức.
Nhưng chỉ có kiến thức thôi vẫn chưa đủ! Người nghèo khó thường có những suy nghĩ của người “chạy gạo từng bữa”, vậy muốn thay đổi phải giúp bà con suy nghĩ rằng “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” cả. Định hình lại suy nghĩ rồi lại còn phải kiên trì nhẫn nại, đâu phải việc gì “ngày một, ngày hai” là thành công, “kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ” mà! Sẽ có vô vàn rủi ro trên con đường gập ghềnh, khúc khuỷu. Nhìn hàng xóm khá giả đôi khi cũng chạnh lòng, gặp thất bại cũng nản lòng. Nhiều người nghèo dễ chấp nhận cam phận, đổ thừa cho số phận, rồi đánh mất niềm tin - điều cần phải có trước khi bắt tay vào làm bất kỳ việc gì.
Lại có người tổng kết rằng: “Ai đó mà chọn cho mình cách sống lủi thủi một mình sẽ không thể giàu có, họa hoằn lắm chỉ đỡ nghèo khó hơn mà thôi”! Người nghèo khó thường hay mặc cảm, có khi ít giao du với người khác, ngại chịu đến chỗ đông người. Sống một mình thì thiếu thông tin, không được ai tư vấn kiến thức làm ăn, học hỏi lẫn nhau cách chăn nuôi, trồng trọt. Tập hợp lại để nhắc nhở nhau chắt chiu từng đồng, sử dụng vốn hiệu quả để còn trả nợ vay. Tập hợp lại để tạo ra hòa khí trong xóm làng.
Làm công tác tín dụng chính sách xã hội luôn chịu nhiều áp lực. Nào là phải tạo điều kiện giải ngân kịp thời cho bà con, phải thu hồi nợ, nhất là những hộ rơi vào hoàn cảnh bất khả kháng, thậm chí là chây ỳ. Muốn vượt qua khó khăn phải biết “biến công việc thành niềm vui và tìm niềm vui trong công việc”. Làm công tác tín dụng chính sách phải xuất phát từ chính cái tâm biết trăn trở trước những mảnh đời nghèo khó, thấu cảm với từng trường hợp yếu thế, lường trước mọi rủi ro cho bà con. Người tham gia chương trình lấy niềm vui của bà con làm niềm vui cho mình, lấy hạnh phúc của bà con làm niềm hạnh phúc cho mình.
Chặng đường đưa tín dụng chính sách xã hội đến với bà con nghèo khó còn dài, đòi hỏi từng cấp ủy đảng, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên liên quan, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều phải luôn tự hào về công việc của mình. Muốn đưa kiến thức đến bà con thì chính mình cũng đừng “tự cho kiến thức của mình là đủ”, mà phải không ngừng học hỏi. Muốn bà con mình suy nghĩ mới mình cũng phải suy nghĩ mới. Muốn bà con mình kiên trì, nhẫn nại chính mình cũng phải nhẫn nại, kiên trì.
Cuộc đời là “vay” và “trả”. Chúng ta được người dân trả lương, vậy phải có trách nhiệm “trả” lại bằng sự cống hiến, tận tụy trong công việc. Lời hứa “phục vụ nhân dân” cũng như món “nợ” mà mỗi người chúng ta phải “trả”. Chúng ta đang “vay” của bà con niềm tin thì cũng phải “trả” bằng niềm tin. “Có vay có trả, mới thỏa lòng nhau” mà!