Quả ngọt từ “hạt mầm” chính sách
Thăm gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở xóm 3, khu 4, thôn Chu Tràng, xã Minh Châu, huyện Ba Vì mới thấy, đồng vốn tín dụng chính sách quan trọng như thế nào đối với các hộ gia đình khó khăn. Ở tuổi 53, vợ chồng chị cũng mới chỉ kịp “bước ra” khỏi danh sách hộ nghèo. Cuộc sống phía trước vẫn còn muôn vàn khó khăn nhưng trên khuôn mặt của hai vợ chồng chị Liên tràn ngập niềm vui và hy vọng.
Không vui sao được khi 3 người con, một gái, hai trai đều đã trưởng thành; có công ăn việc làm ổn định. Cô con gái cả đang làm kế toán ở một doanh nghiệp tại Hà Nội. Hai cậu con trai, một tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật công nghiệp; một tốt nghiệp Đại học Công đoàn và đang làm việc tại địa phương. “Song, ba đứa chúng nó được như ngày nay đều nhờ vào nguồn vốn vay học sinh, sinh viên của NHCSXH đấy các cô, chú ạ” - chị Liên khoe.
Cảm động hơn, hai cậu con trai của chị Liên đều ở độ tuổi trên dưới 30 nhưng vẫn không ai chịu lấy vợ. Bởi, họ muốn dành thêm vài năm tuổi trẻ để lo lắng cho bố mẹ, giúp bố mẹ trả nợ ngân hàng và xa hơn là có một ngôi nhà đàng hoàng để bố mẹ vui hưởng tuổi già. Nguyện vọng của những người con hiếu thảo đang hiện hữu khi đầu năm 2018, gia đình chị Liên ra khỏi danh sách hộ nghèo và món vay của cả 3 chị em cũng được hoàn trả cho NHCSXH huyện Ba Vì. Để giúp gia đình chị Liên ổn định cuộc sống một cách bền vững, NHCSXH huyện Ba Vì tiếp tục cho vay 62 triệu đồng từ Chương trình cho vay Hộ mới thoát nghèo và chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Có vốn, chị đã đầu tư nuôi bò sinh sản và lợn thịt. Sau một năm, gia đình chị đã có trong tay đàn bò, lợn hơn 40 con.
Nguồn vốn tín dụng chính sách luôn đồng hành với hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách |
Không như chị Liên, chị Nguyễn Thị Loan ở khu 4, thôn Chu Tràng, xã Minh Châu còn vất vả hơn khi vừa phải lo gánh nặng cơm áo, vừa lo chăm sóc chồng thường xuyên đau yếu. Năm 2010, chị Loan cũng được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH huyện Ba Vì. Sau gần chục năm, gia đình chị cũng đã ra khỏi diện hộ nghèo. Hiện chị Loan vẫn tiếp tục được vay 50 triệu từ chương trình Cho vay hộ mới thoát nghèo. Nguồn vốn đã giúp gia đình chị duy trì chăn nuôi bò, lợn và trồng trọt. Hiện với nguồn thu nhập từ trồng, bán chuối, cũng đủ để chi phí cho sinh hoạt hàng ngày của gia đình 5 người. Chị Loan bộc bạch: “Gia đình tôi có được cuộc sống ổn định như hôm nay bắt đầu từ số vốn vay theo chương trình ưu đãi của NHCSXH huyện Ba Vì. Nếu không có sự giúp đỡ của ngân hàng chẳng biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát khỏi hộ nghèo”.
Tổ trưởng Tổ vay vốn và tiết kiệm Khu 4, thôn Chu Tràng, xã Minh Châu Nguyễn Thị Duyên cho hay, nguồn vốn là bệ đỡ vững chắc và kịp thời của người nghèo nói chung và chị em phụ nữ trong Tổ của chị nói riêng. Hiện với dư nợ gần 1,6 tỷ đồng, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của chị không có nợ xấu. Các hội viên trong tổ đều có ý thức vay trả đúng hạn; biết cách sử dụng và nâng giá trị đồng vốn. Nếu như năm 2016 - thời điểm xét hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, khu 4 có tới 60 hộ nghèo thì đến nay, con số này giảm còn 3 hộ. Chị Duyên cũng khẳng định, chị Liên, chị Loan chỉ là hai trong số hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Trong khu 4, còn rất nhiều hộ nghèo khác đã vượt lên hoàn cảnh từ nguồn vốn chính sách và càng ngày những trái ngọt từ nguồn vốn ưu đãi này càng đơm hoa kết trái.
Nói không với nợ quá hạn
Chia sẻ về kết quả hoạt động tín dụng chính sách, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Minh Châu Nguyễn Thị Thắm cho biết, hiện Hội phụ nữ xã đang quản lý 7 tổ vay vốn từ NHCSXH huyện Ba Vì cho 295 hộ vay theo các chương trình hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhờ nguồn vốn, rất nhiều hội viên đã vượt qua khó khăn, vươn lên, tự tin trong cuộc sống. Để củng cố, nâng cao chất lượng vốn vay, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của hội viên các tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời thường xuyên cập nhật, công khai những thông tin mới về chính sách vốn, thay đổi về hộ vay. Cùng với đó là lồng ghép các nguồn lực cho vay; góp phần gia tăng giá trị các khoản vay; hỗ trợ tập huấn, khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho chị em để họ chủ động trong sản xuất.
Theo đánh giá của đại diện NHCSXH huyện Ba Vì, Minh Châu là địa bàn triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Với tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt gần 12 tỷ đồng, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đã chuyển tải nhanh nhất, kịp thời nhất đến tận tay các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách, giúp họ vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.
Vị đại diện NHCSXH Ba Vì cũng chia sẻ thêm, Ba Vì không có trường hợp hộ vay sử dụng vốn vay sai mục đích; không có nợ quá hạn; chất lượng tín dụng trên địa bàn luôn được duy trì, ổn định. Hiện nay, NHCSXH huyện Ba Vì có 31 điểm giao dịch tại 31 xã, thị trấn. Tổng dư nợ toàn huyện tính đến tháng 28.2.2019 là hơn 513 tỷ đồng; với 14 chương trình tín dụng cho hơn 15 nghìn hộ vay thông qua hơn 460 tổ Tiết kiệm và Vay vốn, tăng 1,5 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hơn 99,47% tổng dư nợ cho vay qua ủy thác các hội đoàn thể; Hội Phụ nữ là tổ chức nhận ủy thác lớn nhất với 249,1 tỷ đồng chiếm gần 50% tổng dư nợ ủy thác.
Có thể nói, trong thành công của hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách nói chung trong đó các chị em phụ nữ xã Minh Châu, luôn có bóng dáng của các tổ chức hội và NHCSXH. Hội Phụ nữ - nơi được coi là ngôi nhà chung của chị em. Ở đó, các chị có thể chia sẻ nhọc nhằn, khó khăn cũng như kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và cả những niềm vui. Nhờ thế, giá trị của những đồng vốn tín dụng ưu đãi cũng được nhân lên, góp phần xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.