Thành phố Hà Nội

Thanh Trì giàu lên nhờ nguồn vốn chính sách

Dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất... cùng với sự hỗ trợ từ các khoản vay ưu đãi do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) thực hiện, đã giúp nhiều người dân huyện Thanh Trì, Hà Nội thoát nghèo, tự tin bước vào giai đoạn mới - giai đoạn sản xuất lớn và làm giàu...

Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1%

Từng là hộ nghèo ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, năm 2013 gia đình ông Nguyễn Đức Chí được Chi nhánh NHCSXH huyện Thanh Trì cho vay 20 triệu đồng vốn từ chương trình hộ nghèo để trồng cam và quất cảnh. Đối với ông Chí, số vốn này quý hơn vàng bởi nó đã kịp thời đến vào lúc khó khăn nhất của gia đình.

Vợ chồng bà Chử Thị Bích Hằng (thứ hai và thứ 4 từ phải qua) giới thiệu về thành quả từ đồng vốn chính sách mang lại cho gia đình Ảnh: Thái Bình
Vợ chồng bà Chử Thị Bích Hằng (thứ hai và thứ 4 từ phải qua) giới thiệu về thành quả từ đồng vốn chính sách mang lại cho gia đình
Ảnh: Thái Bình

Tính đến hết tháng 6.2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt gần 333,9 tỷ đồng, tăng hơn 162,6 tỷ đồng so với năm 2014. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết tháng 6.2019 là gần 273,5 tỷ đồng, tăng hơn 109,4 tỷ đồng so với năm 2014.

Nhớ lại thời điểm gần 6 năm về trước, cả xã Vạn Phúc đang háo hức với việc sẽ sản xuất trên những cánh đồng lớn sau khi công cuộc dồn điền đổi thửa đã thành công. Gia đình ông cũng không nằm ngoài sự háo hức ấy. Bởi đó là niềm hy vọng cho những gia đình khó khăn như ông có cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo khó. “Thế mới nói, 20 triệu đồng của NHCSXH Thanh Trì lúc đó quý hơn vàng là vậy” - ông Chí khẳng định.

Đến nay, nhờ những chính sách từ dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đến hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi mà từ một hộ nghèo, giờ ông đã thành ông chủ của hàng nghìn gốc cam, quất cảnh. Mỗi năm mang về cho gia đình ông khoản lãi 150 - 200 triệu đồng. Ngoài ra, còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân mùa vụ trong xã, với mức lương từ 150 - 350 nghìn đồng/ngày công.

Khác với ông Nguyễn Đức Chí, gia đình bà Chử Thị Bích Hằng có xuất phát điểm khá hơn nhưng cũng chẳng dư dật gì. 4 năm trước, khi thành phố và huyện Thanh Trì triển khai Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, đã mang theo làn gió mới mát lành đến với gia đình bà Hằng. 40 triệu đồng vốn ưu đãi mà gia đình bà Hằng có được là từ nguồn vốn ủy thác của huyện Thanh Trì chuyển sang NHCSXH huyện để cho vay theo Chương trình Giải quyết việc làm. Theo ông Thường - chồng của bà Hằng, nhờ nguồn vốn này, ông đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 1,3ha bưởi và nhãn giống miền Nam sang trồng theo giống bưởi Diễn và nhãn Hưng Yên. “Từ chỗ bỏ thì thương, vương thì tội với loạt giống cây trồng cũ không hiệu quả, nay vườn bưởi, nhãn và hồng xiêm mới đã mang lại cho chúng tôi khoảng 300 triệu đồng mỗi năm; trừ chi phí cũng cất đi khoảng 180 - 200 triệu đồng” - ông Thường hớn hở khoe.

Theo Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc Chử Mạnh Thắng, các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn xã đã tạo ra một sức mạnh kết nối toàn hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới; dệt nên bức tranh năng động, tươi sáng và đầm ấm cho toàn xã. Nếu như năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo trong xã là 2,66% thì đến nay, con số này chỉ còn 1%. “Số 1% hộ nghèo này đều là những trường hợp già cả, bệnh tật không còn khả năng lao động; chủ yếu sống vào các nguồn trợ cấp xã hội” - Chủ tịch Chử Mạnh Dũng cho biết thêm.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ, ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, số cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 456.563 tỷ đồng, với 20.750 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn toàn huyện được vay vốn; qua đó giúp hàng trăm gia đình ổn định đời sống...

Phấn đấu lên quận vào năm 2022

Ngay từ những năm đầu mới thành lập, tín dụng chính sách đã được hộ nghèo và hộ gia đình coi là người bạn đồng hành không thể thiếu trên hành trình thoát nghèo của họ. Bước sang năm 2015, nguồn vốn ưu đãi này càng trở nên quan trọng không chỉ với người nghèo mà còn là công cụ để cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó. Với huyện Thanh Trì cũng vậy, nhờ nhận thức được sức mạnh từ những khoản vay ưu đãi vi mô này mà cấp ủy, chính quyền nơi này đã lãnh đạo, chỉ đạo quân, dân Thanh Trì về đích nông thôn mới trước hai năm và đang trên đà phát triển thành quận thứ 13 của Thủ đô.

Đến nay, chương trình chính sách ấy lại được Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp thêm sức mạnh từ hệ thống cấp ủy; trở thành nguồn lực cả về vật chất lẫn tinh thần cho các địa phương nói chung và Thanh Trì nói riêng bứt phá, vươn lên. Đến nay, thu nhập bình quân của huyện đạt 54,3 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó là các vùng trồng cây ăn quả tập trung; vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn tập trung. Đây cũng là huyện có diện tích nuôi thủy sản lớn, tới 769ha/năm; với khu nuôi trồng thủy sản tập trung rộng 250ha nuôi tôm càng xanh ở xã Đông Mỹ, nuôi cá thâm canh tăng năng suất tại các xã: Tả Thanh Oai, Đông Mỹ; nuôi cá thâm canh ứng dụng công nghệ cao “sông trong ao” tại xã Đại Áng…

Dù bức tranh của Thanh Trì đã “tương đối đẹp” theo nhiều nghĩa nhưng với người làm tín dụng chính sách thì vẫn còn nhiều việc phải làm. “Chúng tôi vẫn canh cánh khi nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm quá ít; mức cho vay giải quyết việc làm 50 triệu đồng/hộ như hiện nay còn thấp so với mức sống ở đô thị; hay sau 3 năm thoát nghèo, các hộ này không được vay vốn ưu đãi... sẽ rất khó khăn cho bà con” - Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Thanh Trì Nguyễn Hữu Thành tâm tư.

Cũng theo Giám đốc Nguyễn Hữu Thành, để phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian tới, chi nhánh tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị nhận ủy thác thực hiện tốt các chỉ tiêu tín dụng, huy động nguồn vốn, thu lãi, nợ quá hạn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ và sự phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TƯ tới các tổ chức, đoàn thể… trên địa bàn huyện để nhân dân nắm bắt thêm cơ hội làm giàu.

Xã hội

Long An: Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn
Môi trường

Long An: Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn

Hoạt động thu gom, xử lý rác thải tại nông thôn được các địa phương tập trung thực hiện, từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Người dân ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Sinh viên Khóa 1 Tiếng Nhật do Công ty XKLĐ hợp tác với Trường Cao đẳng Yên Bái trong buổi khai giảng.
Đời sống

Nhiều gia đình khá giả nhờ xuất khẩu lao động

Nhờ quan tâm triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài nên giai đoạn 2019-2023, tỉnh Yên Bái đã có 2.212 lao động đi làm việc tại các thị trường chủ yếu như: Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga...