- Chỉ thị 40-CT/TW đã được triển khai tại Ninh Thuận như thế nào, thưa ông?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình |
- Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Chỉ thị 40-CT/TW nên ngay khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU ngày 23.4.2015 để chỉ đạo triển khai; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2360/KH-UBND ngày 9.6.2015 để thực hiện; cùng với đó là sự vào cuộc rốt ráo của Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD-HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh trong công tác tham mưu cho lãnh đạo cấp trên...
Theo đó, HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thành phố cho dù khó khăn đến đâu cũng luôn dành một phần ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 12 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh 9,4 tỷ đồng, các huyện thành thành phố 2,6 tỷ đồng), nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương hiện nay là 44,7 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Các hội đoàn thể - tổ chức nhận ủy thác của NHCSXH Ninh Thuận thường xuyên quán triệt và triển khai kịp thời các văn bản của HĐQT, BĐD-HĐQT các cấp trong việc nâng cao chất lượng hoạt động nhận ủy thác, chất lượng tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của người vay. Các đồng chí Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn là thành viên BĐD-HĐQT cấp huyện, thành phố đã xác định và đưa nhiệm vụ thực hiện tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch thường xuyên của địa phương, từ đó những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đều được nắm bắt và triển khai kịp thời.
Có thể nói, Chỉ thị 40-CT/TW đã tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn tỉnh; tạo sức mạnh tổng hợp, xuyên suốt từ tỉnh xuống xã, phường, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm trong cán bộ và nhân dân.
- Vậy, các chương trình tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội như thế nào cho địa phương, thưa ông?
- Có thể khẳng định, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân kịp thời đến đối tượng thụ hưởng.
Đến hết quý I.2019, tổng dư nợ từ 15 chương trình tín dụng ưu đãi được thực hiện tại tỉnh là 2.115 tỷ đồng, với 410 nghìn lượt hộ vay vốn. Riêng năm 2018, nguồn vốn ưu đãi đã tạo điều kiện hơn 20 nghìn hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay 502 tỷ đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 1.241 lao động (chủ yếu là lao động nữ và lao động là người dân tộc thiểu số)… Kết quả này đã góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Cụ thể, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 8,34%, với 14.391 hộ (giảm 6,46% so với đầu giai đoạn, giảm 2,02% so với cuối năm 2017).
Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần tạo việc làm cho trên 186 lượt nghìn lao động; trên 59 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 60 nghìn công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh; xây mới và sửa chữa gần 7.700 căn nhà cho hộ nghèo… góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 8,34% năm 2018. |
- Theo ông, giai đoạn tiếp theo cần phải làm gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi?
- Tôi cho rằng, trước hết phải tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 67-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là những nơi có chất lượng tín dụng thấp; chỉ đạo thành viên BĐD-HĐQT cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện tốt vai trò trong quản lý, theo dõi và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại địa phương; thường xuyên rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhằm bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách được kịp thời.
Quán triệt đến tất cả các hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp thực hiện đầy đủ, chất lượng những nội dung nhận uỷ thác cho vay; giao chỉ tiêu cụ thể cho cấp huyện, cấp xã và theo dõi đôn đốc thực hiện; tích cực, chủ động phối hợp trong củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn; tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho hộ vay chấp hành tốt chính sách tín dụng ưu đãi; vận động hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn, phấn đấu số hộ vay tham gia đạt tỷ lệ từ 98% trở lên.
Vấn đề nữa là cần thường xuyên rà soát hệ thống Tổ Tiết kiệm và vay vốn để có giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động; kiên quyết thay thế Tổ trưởng thiếu nhiệt tình, trách nhiệm, không đủ uy tín, năng lực quản lý; thực hiện nghiêm túc việc họp bình xét cho vay, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng; cải tiến nâng cao chất lượng các cuộc họp giao ban theo định kỳ quy định; thực hiện kiểm tra, giám sát theo kế hoạch; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội...