Trong số các thủ tục hành chính đã cắt giảm của NHCSXH, hoạt động đưa giao dịch về từng xã được coi là tốt nhất. Nhờ mô hình này, nếu có vấn đề gì xảy ra trên địa bàn thôn, xóm, xã, chỉ sau 15 phút, NHCSXH cùng UBND xã sẽ giải quyết ngay. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Văn Lý |
Vốn tăng, thu nhập tăng
Việc nâng mức cho vay, kéo dài thời vay và đơn giản hóa các thủ tục vay không chỉ giúp người nghèo mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn là biện pháp đẩy lùi tín dụng đen đang bủa vây bà con vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Gia đình ông Lê Tuấn Dương ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đang trồng 4 sào măng tây. Bình quân mỗi ngày diện tích măng tây này cho thu hoạch từ 20 - 30kg. Với giá bán ổn định cho công ty bao tiêu từ 40 nghìn đồng/kg đã mang lại cho gia đình ông Dương trên dưới 1 triệu đồng thu nhập mỗi ngày. Xác định măng tây có tiềm năng, gia đình ông Dương đã quyết định vay vốn NHCSXH để mở rộng thêm 4 sào măng tây nữa. Ông Dương cho hay, trồng măng tây là nghề mới đối với bà con Đức Thắng và đòi hỏi số vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn. Tuy nhiên, “bằng việc nâng mức cho vay từ 50 - 100 triệu đồng/hộ như hiện tại, NHCSXH huyện đã kịp thời hỗ trợ cho bà con nghèo Mộ Đức nói chung và gia đình tôi nói riêng có vốn sản xuất, nâng cao thu nhập” - ông Dương nhấn mạnh.
Có thêm vốn và thời gian vay dài, người nghèo thêm nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh |
Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn cho hay, thay vì mức vay 50 triệu đồng/hộ; thời hạn chỉ vay 5 năm như trước đây thì từ 1.3, đã được nâng lên thành 100 triệu đồng/hộ và thời hạn vay là 10 năm mà không cần thế chấp tài sản. Chính điều này đã mở ra cơ hội lớn cho người nghèo đầu tư phát triển sản xuất. “100 triệu đồng trong 10 năm là khoản vay vô cùng ý nghĩa đối với người dân nghèo, bởi giúp cho người dân mở rộng quy mô sản xuất đủ để bảo đảm có thu nhập đều đặn, ổn định, thậm chí là tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất” - Chủ tịch Trần Văn Mẫn khẳng định.
Tại Hà Tĩnh, không khí phấn chấn cũng đang lan tỏa tới từng gia đình chính sách và các hộ nghèo, cận nghèo. Bởi từ nay, họ không phải lo về vốn để phục vụ cho công việc sản xuất, kinh doanh của mình. Gia đình anh Hồ Tú Nam ở thôn Sơn Bình 2, xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh là một điển hình. Anh Nam bộc bạch, năm 2013, gia đình anh được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hộ nghèo của NHCSXH Kỳ Anh. Năm 2016, gia đình anh Nam tiếp tục được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng mở rộng mô hình chăn nuôi và đầu tư trồng rừng. Hiện trang trại của gia đình anh có hơn 500 con gà, lợn và 10ha rừng keo lá tràm.
Mô hình tổng hợp này không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 3 lao động địa phương, với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, nguồn vốn chẳng thấm vào đâu để đầu tư cho trang trại trồng trọt chăn nuôi của gia đình, nên dù biết có lời, anh Nam cũng đành chịu, không thể mở rộng quy mô sản xuất. “Nay, mức vay tăng gấp đôi thế này, chắc chắn tôi sẽ thực hiện được mục tiêu tăng doanh thu cho gia đình” - anh Nam quả quyết.
Ưu tiên vốn cho các mô hình điểm
Theo Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Bá Đồng, nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng, thu hồi nợ, đến thời điểm này, đa phần khách hàng trả nợ đúng kỳ hạn, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hiện dư nợ của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đạt trên 4.363 tỷ đồng, trong đó nợ trung hạn đạt trên 4.018 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ trên 92%. Qua rà soát, các chương trình tín dụng có dư nợ lớn như cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trên 817,7 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên 543,7 tỷ đồng; cho vay ưu đãi hộ nghèo 693 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo đạt 971,8 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo trên 802,6 tỷ đồng. Ngoài ra, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh còn chú trọng cho vay các chương trình chính sách gắn với an sinh xã hội như cho vay hộ nghèo về nhà ớ đạt 63,2 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội trên 53 tỷ đồng, cho vay HSSV trên 227,8 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm trên 106,5 tỷ đồng.
Năm 2019, trên cơ sở phân bổ nguồn vốn, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, tập trung ưu tiên vốn cho các xã xây dựng nông thôn mới, các mô hình, dự án trọng điếm làm ăn có hiệu quả. Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác và chính quyền địa phương trong việc thực hiện chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn phương thức làm ăn, các sự dụng vốn cho hộ vay.
Chia sẻ thêm về kết quả hoạt động cho vay trong những tháng đầu năm, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cho hay, quý I.2019, đã có 567 nghìn lượt hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn, nâng tổng doanh số cho vay lên gần 19,2 nghìn tỷ đồng. Các chương trình cho vay chủ yếu tập trung vào cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh, HSSV và cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở. Nguồn vốn vay đã tạo việc làm cho 52 nghìn lao động; xây dựng 256 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường và xây dựng gần 1.800 căn nhà cho gia đình chính sách… Đặc biệt, nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Ngãi đã chú trọng tập trung nguồn lực cho các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhằm khích lệ bà con vươn lên mạnh mẽ và tạo động lực cho các hộ nghèo khác học tập, khát khao làm giầu.