Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đến nay có khoảng 50 quốc gia đã thông qua luật về bảo vệ người tố cáo. Các luật này bảo vệ nhân viên của các cơ quan nhà nước (Mỹ và Canada), nhưng cũng bảo vệ cả người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân (Anh, Nam Phi, New Zealand, Hàn Quốc). Việc bảo vệ này có thể được tiến hành dưới nhiều dạng: Bảo đảm tính bảo mật hay không tiết lộ danh tính, miễn trách nhiệm cho người tiết lộ thông tin, bảo vệ quyền lợi vật chất và giảm nghĩa vụ chứng minh cho người tố cáo.
Bảo vệ danh tính
Để bảo vệ người tố cáo khỏi sự trả thù, hầu hết các nước đều có quy định bảo vệ danh tính của người tố cáo. Danh tính này được bảo mật trừ khi người tố cáo đồng ý cho tiết lộ. Pháp luật Mỹ nghiêm cấm tiết lộ danh tính của người tố giác mà không có sự đồng ý, trừ trường hợp “xác định rằng việc tiết lộ danh tính của cá nhân là cần thiết vì mối nguy hiểm sẽ xảy ra đối với sức khỏe hoặc an toàn công cộng hoặc sẽ vi phạm luật hình sự”.
Pháp luật Hàn Quốc quy định trách nhiệm bảo mật mọi thông tin có thể có hại cho người tố cáo. Nếu người xử lý vụ việc tố cáo để lộ thông tin về người tố cáo mà không được sự đồng ý của người đó thì bị kỷ luật. Nếu người nào biết rõ thông tin cá nhân của người tố cáo mà cho người khác biết, công khai hoặc đăng tải khiến cho người khác biết đến người tố cáo, có thể bị phạt tù dưới 3 năm hoặc phạt tiền dưới 10 triệu won. Khi tiếp nhận tố cáo về hành vi tham nhũng và phải chuyển tố cáo đó đến cơ quan điều tra thì Ủy ban Dân quyền và Phòng, chống tham nhũng có quyền giấu thông tin người tố cáo, chỉ chuyển nội dung tố cáo để yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ.
![]() |
Miễn trách nhiệm hình sự
Khi xây dựng pháp luật bảo vệ người tố cáo, một số nước đã miễn trách nhiệm hình sự đối với người tiết lộ thông tin. Pháp luật Malaysia và Singapore đều quy định miễn các chế tài dân sự, hình sự hay hành chính cho người cung cấp thông tin nếu thông tin tố giác có dụng ý tốt. Tại Hàn Quốc, Điều 14 Luật Bảo vệ người tố cáo vì lợi ích công quy định nếu việc tố cáo vì lợi ích công cộng mà dẫn đến một hành vi phạm tội thì hình phạt của những người này được giảm nhẹ hoặc tha thứ; trong trường hợp người tố cáo chịu các biện pháp kỷ luật đối với hành vi bất hợp pháp của mình phát sinh từ việc tố cáo, Ủy ban Chống tham nhũng và nhân quyền (ACRC) có thể đề nghị cơ quan kỷ luật có liên quan để giảm nhẹ hoặc tha bổng; các quy định cấm hoặc hạn chế tố cáo vì lợi ích công cộng trong các thỏa thuận tập thể, hợp đồng lao động, hợp đồng cung ứng sẽ bị coi là không hợp lệ.
Bảo vệ quyền lợi vật chất
Trên thực tế, người tố giác thường xuyên phải đối mặt với những tổn thất vật chất như bị buộc thôi việc hay gây khó dễ trong công việc. Vì thế, pháp luật các nước thường tập trung bảo vệ chống lại hành động phân biệt đối xử và trả thù cá nhân. Pháp luật Hàn Quốc quy định, khi người tố cáo bị hoặc dự đoán sẽ bị bất lợi trong công việc vì hành vi tố cáo thì sẽ được phục hồi như cũ. Đối tượng không thực hiện yêu cầu về việc phục hồi cho người tố cáo có thể bị phạt tù dưới 1 năm hoặc phạt tiền dưới 10 triệu won.
Luật Đấu tranh chống tham nhũng của Pháp đưa ra các biện pháp bảo vệ người tố cáo bao gồm cả những quy định bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị kỷ luật trực tiếp hoặc gián tiếp, sa thải hoặc phân biệt đối xử, thăng tiến nghề nghiệp, thuyên chuyển hoặc gia hạn hợp đồng, cũng như loại trừ tuyển dụng hoặc tiếp nhận vào thực tập.
Mỹ cũng có những quy định nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế cho người tố cáo. Từng có một nhân viên phân tích thuộc Cơ quan nhà ở công cộng bang California báo cáo về một vụ tiết lộ thông tin dự thầu. Người tố cáo bị sa thải nhưng anh này được Tòa án phán quyết bồi thường thiệt hại 1,3 triệu USD. Ở bang Pennsylvania, một nhân viên dịch vụ nhà báo cáo trường hợp kinh doanh vụ lợi và nhận được 900.000 USD thiệt hại do mất việc làm. Các khoản bồi thường lớn cũng được trao cho người tố cáo báo cáo vi phạm về sức khỏe và an toàn công cộng. Một kỹ sư nhà máy xử lý nước ở Connecticut (Mỹ) đã bị mất việc làm sau khi báo cáo lãnh đạo nhà máy rằng nguồn cung cấp nước của thị trấn đã được xử lý không đầy đủ. Tòa án quyết định bồi thường cho viên kỹ sư 127.000 USD khoản tiền lương bị mất.
Hạn chế nghĩa vụ chứng minh
Nhiều nước còn có những quy định nhằm hạn chế nghĩa vụ chứng minh cho người tố cáo. Theo đó, người sử dụng lao động phải chứng minh rằng hành vi thực hiện đối với người lao động là không liên quan đến việc tố cáo. Điều này là để đáp ứng những khó khăn mà người lao động có thể phải đối mặt trong việc chứng minh rằng trả thù là một kết quả của việc tiết lộ, đặc biệt là nhiều hình thức trả đũa có thể rất tinh vi. Luật các thông tin tiết lộ được bảo vệ của Nam Phi (PDA) quy định: “Bất kỳ sa thải vi phạm của Đạo luật tự động được coi là một sa thải không công bằng”. Ở Anh, trách nhiệm đưa ra bằng chứng phụ thuộc vào độ dài thời gian làm việc của người lao động. Nếu người lao động đã làm việc hơn một năm, thì người chủ lao động phải chứng minh sự sa thải không có vấn đề gì liên quan đến việc tiết lộ.
Chính sách khuyến khích
Bà Monika Bickerts - cố vấn pháp lý của Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok (Thái Lan), người đã 11 năm là công tố viên liên bang ở Chicago (Mỹ) - đưa ra hai hình ảnh để khuyến khích người tố cáo tham nhũng. Theo bà, cần có “cái khiên” - tức các công cụ bảo vệ người tố cáo và “thanh kiếm” - là các quy định của pháp luật và các cơ chế khác để khuyến khích người tố cáo. Chính vì vậy, nhiều nước như Hàn Quốc đã có cơ chế khen thưởng người tố cáo tham nhũng vì lợi ích công và ngăn chặn các khoản thất thoát tài chính cho cơ quan, số tiền thưởng tối đa có thể lên tới 100 triệu won.