Uẩn khúc sau quyết định từ chức
Thủ tướng al-Hariri, một chính khách theo dòng Hồi giáo Sunni được Ảrập Xêút hậu thuẫn đã đột ngột tuyên bố từ chức với lý do “Iran gia tăng ảnh hưởng chính trị trong khu vực”, và rằng có âm mưu ám sát nhằm vào ông. Điều lạ lùng là ông al-Hariri đưa ra tuyên bố trên khi đang ở thăm Riyadh, thông báo do chính quyền Ảrập Xêút đưa ra và ông cũng ở lại luôn Ảrập Xêút từ đó đến nay như một kiểu lưu vong chính trị. Chính giới Lebanon tuyên bố không chấp nhận sự ra đi của ông al-Hariri, coi đây là hành động vi hiến. Hiện Tổng thống Lebanon Michel Aoun vẫn chưa chấp nhận tuyên bố từ chức và đã yêu cầu người đứng đầu nội các Lebanon trở về trước để làm “ra ngô ra khoai”. Đảng Al-Moustaqbal (Tương lai) của ông al-Hariri cũng đưa ra tuyên bố nhấn mạnh sự trở về của ông al-Hariri là “tất yếu” và cần thiết đối với sự “tôn trọng toàn diện chủ quyền của Lebanon”. Diễn biến này đã đặt ra những hoài nghi về số phận của ông al-Hariri, người cũng có quốc tịch Ảrập Xêút, vì quyết định từ chức của chính khách này trùng với sự kiện Riyadh tiến hành bắt giữ hàng chục hoàng thân, bộ trưởng và doanh nhân trong một chiến dịch chống tham nhũng.
Diễn biến trên là “cú trượt” mới nhất của nền chính trị có tiếng là không bình thường ở Lebanon, trong bối cảnh Chính phủ liên minh được thành lập chưa đầy 1 năm theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực.
Phản ứng trước tuyên bố của ông al-Hariri rằng tính mạng của ông đang bị đe dọa, quân đội Lebanon đã khẳng định không có bất kỳ kế hoạch ám sát nào tại nước này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran ra thông cáo khẳng định cáo buộc “Iran gia tăng ảnh hưởng chính trị trong khu vực” của Thủ tướng Lebanon là vô căn cứ và phi thực tế, đồng thời cho rằng đây là kịch bản nhằm gây bất ổn tại Lebanon cũng như khu vực.
Tuy nhiên, tuyên bố của Thủ tướng al-Hariri nhận được sự ủng hộ của Israel. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng, hành động của Thủ tướng Lebanon đã gióng lên “hồi chuông cảnh báo” với thế giới về tham vọng của Iran.
![]() Thủ tướng Lebanon Soad al-Hariri được cho là đang sống lưu vong tại Ảrập Xêút |
Trước tình hình phức tạp hiện nay tại Lebanon, các quốc gia vùng Vịnh là Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Kuwait và Bahrain đã khuyến cáo công dân của mình không nên du lịch tới quốc gia này, đồng thời yêu cầu các công dân đang ở Lebanon rời khỏi nước này càng sớm càng tốt.
Thời điểm nhạy cảm
Giáo sư chính trị học Hilal Khashan, Đại học Mỹ tại Thủ đô Beirut của Lebanon, nhận xét: “Việc Thủ tướng Lebanon từ chức giống như mở ra chiếc hộp Pandora ở Trung Đông. Đó là một quyết định nguy hiểm mà hậu quả còn tồi tệ hơn những gì Lebanon có thể hứng chịu”. Lebanon từng rơi vào khủng hoảng chính trị vì không có người đứng đầu đất nước từ tháng 5.2014 khi Tổng thống Michel Suleiman kết thúc nhiệm kỳ mà không tìm được người kế nhiệm. Cuộc khủng hoảng đã khiến chính phủ bị tê liệt, nhiều dịch vụ cơ bản bị cắt đứt và xảy ra nội chiến. Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được cho là nhằm chấm dứt bế tắc chính trị tại Lebanon, Quốc hội Lebanon đã bầu ông Michel Aoun làm Tổng thống vào cuối tháng 10.2016 và ông al-Hariri, người từng giữ chức Thủ tướng Lebanon từ năm 2009 - 2011 đã tái đắc cử vị trí này tháng 12.2016.
Tuyên bố gây sốc của ông al-Hariri đã làm dấy lên những quan ngại rằng, Lebanon, quốc gia vốn đang chia rẽ giữa phe do ông al-Hariri đứng đầu và phong trào Hồi giáo dòng Shiite Hezbollah do Iran hậu thuẫn, có thể một lần nữa chìm trong bạo lực, khi nước này trở thành tâm điểm của một cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực giữa Ảrập Xêút và Iran.
Trên thực tế, Hezbollah là một phần trong chính phủ liên minh của ông al-Hariri. Tuy nhiên, với kho vũ khí vượt xa các lực lượng vũ trang của Lebanon, quyền lực và ảnh hưởng của phong trào này lớn hơn nhiều so với vị trí trong nội các. Nhiều năm qua, Lebanon đã bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên do Hezbollah chi phối và một phong trào được Ảrập Xêút hậu thuẫn do ông al-Harri lãnh đạo. Rạn nứt chính trị ở Lebanon từng dẫn đến vụ ám sát cựu Thủ tướng nước này Rafic Al-Hariri, cha của ông Soad al-Hariri, năm 2005. Chính vì vậy, các nhà phân tích nhận định việc ông al-Hariri từ chức có thể sẽ tái bùng phát thành nội chiến tại Lebanon.
Giáo sư chuyên ngành chính trị học của Đại học Saint Joseph ở Beirut, đánh giá: “Thời gian và địa điểm tuyên bố từ chức của ông Soad al-Hariri là vấn đề gây kinh ngạc, chứ không phải bản thân việc từ chức. Tình hình diễn biến nhanh chóng và chúng ta đang ở thời khắc thay đổi. Một cuộc đụng độ nguy hiểm có thể nổ ra giữa Ảrập Xêút và Iran. Trong bối cảnh đó, xung đột cũng sẽ xảy ra giữa hai phe phái chủ chốt ở Lebanon”.
Các nhà quan sát cho rằng Lebanon không chỉ đối mặt với một cuộc xung đột nội bộ, mà còn có nguy cơ hứng chịu tấn công từ bên ngoài, có thể trực tiếp từ Ảrập Xêút hoặc Israel, đối thủ của phong trào Hồi giáo Hezbollah. Israel và Hezbollah từng giao tranh khốc liệt năm 2006 và mới đây Israel cũng cảnh báo, quân đội nước này đã được chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Lebanon.