Thách thức của ngành dầu khí trong bối cảnh mới
Ngành dầu khí Việt Nam và Petrovietnam đã có bước tiến nhất định trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã triển khai nghiên cứu phát triển và cung cấp dịch vụ khoa học - kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi công nghiệp dầu khí; cung cấp các tư vấn có giá trị, là cơ sở khoa học cho Nhà nước hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp dầu khí.
Để thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng, VPI đã nghiên cứu đón đầu xu thế trong công nghiệp dầu khí như công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ CO2 (CCS/CCUS), sản xuất các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, chế biến khí có hàm lượng CO2 cao, hydrogen, điện gió ngoài khơi… góp phần hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Trong bối cảnh mới, ngành dầu khí Việt Nam và Petrovietnam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Cụ thể như suy giảm sản lượng dầu khí; biến động giá dầu khí thế giới; yêu cầu cấp bách về phát triển bền vững; cách mạng công nghiệp 4.0; năng lực và tốc độ nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trong tình hình mới, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành dầu khí Việt Nam và Petrovietnam cần tập trung vào các giải pháp. Đặc biệt là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng khung pháp lý đồng bộ, minh bạch; trong đó, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành dầu khí.
Đồng thời, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, tín dụng, đất đai... cho các dự án ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong ngành dầu khí để có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn. Mặt khác, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp dầu khí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, startup...
Về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, ưu tiên đầu tư cho công nghệ lõi, tập trung nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển và làm chủ các công nghệ lõi, đột phá trong các lĩnh vực (tối ưu hóa hoạt động hiện hữu - Ứng dụng AI, IoT, phân tích dữ liệu lớn để tối ưu hóa hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất, vận chuyển, phân phối...; khai thác dầu khí trong điều kiện khắc nghiệt, phi truyền thống; phát triển năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, hydrogen xanh; thu giữ, vận chuyển, sử dụng và tồn trữ CO2 (làm chủ công nghệ thu giữ CO2 ở nồng độ thấp, tồn trữ và theo dõi, kết hợp tồn trữ và EOR, sản xuất nhiên liệu, hóa chất từ khí thiên nhiên có hàm lượng CO2 cao).
Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ từ các nước phát triển, hợp tác với các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới để tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Về đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện cho toàn ngành dầu khí, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng; đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, an ninh mạng, điện toán đám mây... bảo đảm cho việc triển khai chuyển đổi số hiệu quả. Mặt khác, hỗ trợ doanh nghiệp dầu khí triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng số, giải pháp công nghệ mới; như chương trình hỗ trợ chuyển đổi số của Bộ Công Thương dành cho các doanh nghiệp trong ngành dầu khí.
Ứng dụng AI, đón đầu cách mạng công nghiệp 5.0
Theo các chuyên gia, ngành dầu khí Việt Nam và Petrovietnam nên tập trung nghiên cứu và triển khai giải pháp "Hợp tác con người - AI", đón đầu cách mạng công nghiệp 5.0, nơi con người và AI hợp tác cộng hưởng, tích hợp trí tuệ con người với khả năng xử lý vượt trội của AI nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp tối ưu.
Cụ thể như tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển để phát triển các giải pháp AI phù hợp với nhu cầu của ngành dầu khí; ứng dụng AI vào các hoạt động then chốt (thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển dầu khí, quản lý tài sản, chuỗi cung ứng, phát triển năng lượng tái tạo); tối ưu hóa quy trình phân tích dữ liệu địa chấn, tối ưu hóa hoạt động khoan, quản lý kho bãi, bảo trì dự đoán; cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng; tăng cường an toàn lao động; thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ…
Song song với đó, xây dựng khung pháp lý và tiêu chuẩn đạo đức cho AI như bảo đảm việc ứng dụng AI an toàn, có trách nhiệm và minh bạch; xác định rõ vai trò của con người và AI trong từng công việc, dựa trên điểm mạnh của mỗi bên. AI sẽ đảm nhiệm các công việc lặp đi lặp lại, xử lý dữ liệu lớn, phân tích, dự báo..., trong khi con người tập trung vào các công việc đòi hỏi tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, ra quyết định chiến lược… Bên cạnh đó, phát triển các giao diện trực quan, dễ sử dụng, cho phép con người tương tác hiệu quả với AI, trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức, giám sát, điều chỉnh hoạt động của AI.
Để ứng dụng AI có hiệu quả, cần tăng cường đào tạo kỹ năng giúp người lao động làm việc với AI, khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số, phân tích dữ liệu, tự động hóa, AI… Mặt khác, xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ cạnh tranh để thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước; tạo môi trường làm việc năng động, sáng tạo, nhiều thử thách, cơ hội phát triển để giữ chân nhân tài...
Vị thế tiên phong trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ
Triển khai Nghị quyết số 184-NQ/ĐU ngày 15.2.2022, VPI đã chủ động xây dựng và triển khai Nghị quyết về việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, hướng tới mô hình “Nhà máy sản xuất AI” (AI factory). Nghị quyết này thể hiện cam kết của VPI trong việc tiên phong ứng dụng và tạo ra các giải pháp AI phục vụ cho ngành dầu khí Việt Nam.
Cụ thể như nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, trên cơ sở phát triển các thuật toán AI để phân tích, xử lý dữ liệu địa chấn, minh giải tự động, xây dựng bản sao số cho các bể trầm tích, làm sáng tỏ đặc tính vỉa chứa, xác định khu vực tiềm năng dầu khí; giúp giảm thiểu rủi ro, chi phí liên quan đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí.
VPI cũng ứng dụng AI/machine learning để gia tăng sản lượng (tối ưu khai thác và nâng cao hệ số thu hồi dầu EOR/IOR, quản trị rủi ro trong quá trình khai thác) và tối ưu chi phí; triển khai xây dựng Bản sao số cho các mỏ dầu khí để tối ưu hóa chiến lược khai thác, quản lý, cho phép giám sát theo thời gian thực, ra quyết định nhanh, chính xác và cải thiện hiệu quả quản lý và khai thác mỏ dầu khí; quản trị sản lượng; ứng dụng hỗ trợ quản lý, theo dõi chế độ làm việc và phát hiện bất thường của giếng khai thác...
Đơn cử như công cụ “Xây dựng giải pháp xác định giếng có chế độ làm việc bất thường cho khu vực mỏ Bạch Hổ” do VPI phát triển có khả năng tự động phát hiện các giếng có chế độ làm việc bất thường, giúp nâng cao hiệu suất làm việc cũng như độ chính xác trong công tác phân tích; hỗ trợ quản lý khai thác và dự báo khai thác.
Bên cạnh đó, VPI thử nghiệm mô hình Venture Studio, ươm mầm các dự án khởi nghiệp, khởi nguồn từ công nghệ và tri thức VPI, hướng đến việc thương mại hóa sản phẩm vật lý và sản phẩm số. Điển hình VPI đã hỗ trợ về công nghệ, nhân sự cho công ty khởi nguồn UMit phát triển vật liệu nano carbon (CNT) và graphene, ứng dụng làm phụ gia cho dầu nhờn, pha chế sơn, mang lại hiệu quả vượt trội so với các sản phẩm truyền thống.
Về sản phẩm số, VPI đang ươm mầm công ty AIWorks khởi nguồn từ nhân sự, công nghệ và hệ thống quản trị của VPI nhằm đưa công nghệ AI vào ứng dụng rộng rãi trong ngành dầu khí, giúp các đơn vị nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.
Mô hình Venture Studio được coi là giải pháp đột phá, mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp dầu khí; vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, vừa góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, bền vững, khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ.
Venture Studio tập trung vào việc giải quyết những vấn đề cụ thể, nhu cầu thực tế của thị trường và của chính doanh nghiệp, bảo đảm tính ứng dụng cao cho các giải pháp được tạo ra. Tính linh hoạt của mô hình này cho phép doanh nghiệp điều chỉnh hướng đi, thử nghiệm nhiều ý tưởng cùng lúc và thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường và công nghệ.
Bên cạnh đó, Venture Studio tận dụng nguồn lực sẵn có của doanh nghiệp (chuyên gia, cơ sở vật chất, dữ liệu...) kết hợp với sự năng động của startup, tạo hiệu quả cộng hưởng, tối ưu hóa chi phí và nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.