Mối liên hệ “máu thịt”
Theo dõi kết quả Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV và kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND các cấp vừa qua cho thấy, không khí vui tươi, phấn khởi và sự ghi nhận của các bậc cử tri, nhân dân trong cả nước, mỗi địa phương về sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hộiđã giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng. Ước thực hiện cả năm 2022, có 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP cả năm ước khoảng 8%, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Những quyết sách của Nghị quyết 43 cũng là đòn bẩy quan trọng để các địa phương thực hiện thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022.Điển hình, tại kỳ họp cuối năm 2022 của HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, qua trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, HĐND tỉnh thống nhất ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng (GRDP tăng 20,7%, ở vị trí đứng đầu cả nước sau 2 năm tăng trưởng âm, do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19).
Còn theo đánh giá tại kỳ họp thường kỳ cuối năm 2020 mới đây của HĐND tỉnh Bắc Giang, những con số ấn tượng đã cho thấy bước tiến vượt bậc của tỉnh trong năm với 17/18 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đều cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức; tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm ước đạt 19,3%, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 2 cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh lần đầu tiên vươn lên thứ 13 cả nước, đứng đầu khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh… Đặc biệt, sự đồng thuận của xã hội, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền được nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc; hình ảnh, vị thế của tỉnh ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Theo dõi Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, cử tri rất phấn khởi với kết quả đạt được trên các lĩnh vực của tỉnh năm 2022 (Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt ở mức cao, thiết lập mốc phát triển mới. Thu ngân sách của tỉnh lần đầu tiên vượt mốc trên 20.000 tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, lần đầu tiên đứng trong tốp 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước). Nhiều vấn đề cử tri phản ánh đã được đại biểu tiếp thu và chuyển tới kỳ họp. Đúng như Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định: mọi thứ phải bắt đầu từ dân. “Tôi mong rằng, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt hơn nữa trong năm 2023. Cử tri sẽ luôn tin tưởng, đồng hành với đại biểu để hiện thực hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023” - cử tri Ngô Đức Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bày tỏ.
Tại kỳ họp cuối năm 2022 của HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiều vấn đề cử tri và nhân dân nêu ra được HĐND tổng hợp đưa đến Nghị trường. Điển hình như việc chất vấn Giám đốc Công an tỉnh liên quan đến đề án đưa công an chính quy về xã, “dân gọi, lực lượng công an xã đến chậm”… “Cử tri đánh giá cao đại biểu HĐND đã tiếp thu các phản ánh, kiến nghị của cử tri bằng cả trái tim, biết trăn trở với nguyện vọng của cử tri từ những vấn đề có thể là nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Hy vọng các đại biểu dân cử sẽ giữ cầu nối bền chặt với cử tri để thực hiện tốt trọng trách của mình” - cử tri Bùi Văn Nam, thành phố Vị Thanh cho biết.
Cầu nối “công nghệ số”
Năm 2022 cũng là năm cơ quan dân cử tiếp tục phát huy cao độ việc ứng dụng tối đa công nghệ trong hoạt động. Bên cạnh sử dụng công cụ truyền thanh, truyền hình để tổ chức công khai các phiên họp trực tiếp cho cử tri và nhân dân biết, nhiều HĐND đã tận dụng thế mạnh của mạng xã hội Facebook để livestream trực tiếp các phiên họp công khai của kỳ họp HĐND, cử tri và nhân dân có thể theo dõi trên nhiều phương tiện, nhất là lợi thế từ điện thoại thông minh. Từ diễn đàn trực tiếp qua mạng xã hội, cơ quan dân cử đã tiếp nhận được khá nhiều tương tác, ý kiến của cử tri xung quanh các nội dung HĐND bàn, quyết định.
Như HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, qua 2 kỳ họp kết hợp truyền thanh trực tiếp và livestream trực tiếp trên mạng xã hội. Qua kênh trực tiếp trên mạng xã hội, Chủ tọa kỳ họp đã tiếp nhận 14 lượt tương tác, phản ánh của cử tri, có những nội dung được khảo sát có địa chỉ, HĐND thị xã đã tiếp thu và yêu cầu giải trình ngay tại kỳ họp, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Tổ chức kỳ họp trực tuyến được Quốc hội và HĐND một số tỉnh thành áp dụng đầu năm 2022 đã cho thấy những hiệu quả thiết thực, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tháng 1.2022, Quốc hội Khóa XV đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất với 4,5 ngày làm việc trực tuyến. Kết quả kỳ họp thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước và mong muốn, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp; khẳng định Quốc hội cùng các cơ quan luôn lắng nghe cử tri và nhân dân, không ngừng nỗ lực, đổi mới, kiến tạo để phát triển.
Đặc biệt, tại kỳ họp Quốc hội đã nhất trí rất cao ban hành nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, được thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023. Sau 1 năm thực thi nghị quyết cho thấy đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng và phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Qua đánh giá của nhiều ĐBQH, họp trực tuyến giảm bớt thời gian đi lại, giảm bớt chi phí nhưng vẫn đạt yêu cầu, hiệu quả. Hình thức này cũng được HĐND một số tỉnh, thành vận dụng, nhất là trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND chủ trươngứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND. Thường trực HĐND một số tỉnh, thành đã tiếp tục, tăng cường triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan liên quan. Minh bạch, công khai hoạt động của cơ quan dân cử trên nền tảng số là giải pháp quan trọng, cũng là xu hướng đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử. Điều này cũng góp phần quan trọng để cầu nối đại biểu - cử tri xích lại gần nhau hơn, qua đó, không chỉ tạo sự ủng hộ, đồng thuận của cử tri mà còn huy động được đóng góp trí tuệ của cử tri, các tầng lớp nhân dân - mạch nguồn hoạt động của đại biểu, cơ quan dân cử, vì mục tiêu phát triển của đất nước, của từng địa phương.