Chúng ta vừa kỷ niệm 10 năm Nghị quyết Bunenos Aires, đặt việc chống phân biệt chủng tộc lên hàng đầu trong bóng đá. Xin ngài cho biết FIFA đã làm được những gì trong lĩnh vực này thời gian qua?
Năm 2001, chúng tôi đã phát động Ngày thế giới chống phân biệt chủng tộc. Năm 2006, một chiến dịch khác cũng được tiến hành là Say No to Racism (Nói không với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc). Tôi cũng nhớ đến trận đấu “90 phút vì Mandela” năm 2007, trong đó bàn thắng đầu tiên là sự ủng hộ phong trào chống phân biệt. Đó chỉ là một vài ví dụ về những gì chúng tôi đã làm được. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ là đủ để chống lại nạn phân biệt chủng tộc, hay nói cách khác chúng tôi sẽ không bao giờ buông lỏng nỗ lực của mình.
Nhưng theo ngài, bóng đá có thể làm gì để chống lại tệ nạn này?
Bóng đá mang sức mạnh liên kết. Đó là môn thể thao toàn cầu. Phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa giới tính, tính bè phái tôn giáo đều không thể chấp nhận được, không chỉ trên sân cỏ mà còn trong xã hội. Vì tính fair-play (chơi đẹp) và việc chấp nhận những thứ khác nhau tạo nên tinh hoa của bóng đá.
Trong tương lai, FIFA có thể làm gì để ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc?
Tôi thường nói rằng, bóng đá là một trường học cuộc sống, vì những nguyên tắc cơ bản chính là tính kỷ luật, tinh thần fair-play và sự tôn trọng người khác. FIFA có nhiều khóa học, trực tiếp hoặc gián tiếp, dành cho cầu thủ trẻ. Chương trình Grassroots là một ví dụ. Khi chúng tôi giúp đỡ các liên đoàn thành viên chuyên nghiệp hóa sẽ chạm đến cầu thủ trẻ của hiệp hội. Mỗi khi tổ chức các khóa học hay chương trình, chúng tôi luôn nhấn mạnh đến thông điệp về sự tôn trọng, bao dung và việc chống lại tất cả hình thức phân biệt chủng tộc. Tóm lại, giáo dục là chìa khóa của vấn đề này.
FIFA còn sử dụng cách nào khác không thưa ngài?
Có, như chương trình Football For Hope (Bóng đá vì hy vọng), áp dụng đến 100 liên đoàn thành viên trên thế giới, hay những hoạt động của chúng tôi với các tổ chức khác như UNICEF hay Ngân hàng Phát triển liên châu Mỹ, cũng như nhiều công ty và chương trình khác của Liên Hiệp Quốc. Tất cả hoạt động này đều dùng bóng đá như một thông điệp. Đó là công việc của những chú kiến, công việc của giáo dục, nhưng là việc làm hiệu quả nhất.
Đó là những biện pháp phòng chống, còn việc trừng phạt thì sao?
Trước hết, tôi cần phải nhắc lại điều thứ 3 trong điều lệ FIFA khẳng định rằng tất cả sự phân biệt chủng tộc phải bị loại bỏ và phải chịu sự loại trừ và trừng phạt. Điều lệ của FIFA giống như Hiến pháp của một quốc gia. Tuy nhiên, ngay cả khi tôi ủng hộ sự cứng rắn và việc trừng phạt có thể đem lại hiệu quả to lớn không thể chối cãi, tôi vẫn nhấn mạnh rằng nó không bao giờ hiệu quả bằng việc chống lại thành kiến.
Theo ngài, làm thế nào để đưa bóng đá tránh xa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhanh nhất?
Tôi không tin rằng chúng ta có thể loại bỏ triệt để chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong bóng đá. Đó là điều không hiện thực. Cần phải luôn cảnh giác và đi đúng đường. Những trường hợp phân biệt sẽ ít hơn và thậm chí là cực hiếm. Tất nhiên, việc đó sẽ khó khăn. Trong thế giới của chúng ta, Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay David Beckham là thần tượng của hàng triệu triệu cô bé, cậu bé. Nếu những ngôi sao này nhắc lại rằng cần bao dung và không lánh xa người khác bởi sự khác biệt của họ, thông điệp sẽ được truyền đi rộng rãi. Tôi chắc chắn điều này.