Mùa hè, thời tiết nắng nóng lên tới 38 - 39 độ C, nhiều nơi bị mất điện, nắng nóng làm cơ thể con người mất nước, mệt mỏi, ăn uống kém, đặc biệt là đối với trẻ em. Đồng thời, một số gia đình sử dụng điều hòa ở nhiệt độ không hợp lý cũng khiến trẻ hay bị bệnh.
Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng hợp lý để chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khoẻ mạnh trong mùa hè rất quan trọng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, so với người trưởng thành, nhu cầu về dinh dưỡng của trẻ lớn hơn. Trẻ càng nhỏ nhu cầu dinh dưỡng càng cao, đặc biệt trong những năm đầu của cuộc đời (1.000 ngày vàng) và lứa tuổi dậy thì.
Khuyến nghị dinh dưỡng cho trẻ trong mùa nắng nóng
Theo ThS Tiến, nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho trẻ như sau:
Về chất đạm:
Chất béo: chiếm 25 - 30% tổng năng lượng khẩu phần ăn hàng ngày.
Các vitamin và chất khoáng: cần chú ý đến các loại vitamin A, vitamin B1, B2, PP, C và các loại chất khoáng như Fe, folic, Zn, calci,... Để cung cấp đầy đủ vitamin và chất khoáng, nên cho trẻ ăn đa dạng, phối hợp các loại thực phẩm trong 1 ngày cũng như trong từng bữa ăn.
ThS Tiến cho hay, mùa hè nắng nóng, nhiệt độ cao, thậm chí nhiệt độ còn cao hơn thân nhiệt của cơ thể > 37 độ C, làm cho trẻ mất nước, mệt mỏi ăn uống kém. Cha mẹ nên cho trẻ ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng, chế biến thức ăn lỏng, mềm, sao cho dễ tiêu hoá.
Ngoài ra, cần chú ý đến bổ sung nước, vì mùa hè trẻ có nguy cơ mất nước và nhu cầu nước cũng cao hơn. Nước có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, một trong các chức năng đó là tham gia vào cơ chế điều hoà thân nhiệt.
“Thân nhiệt chỉ dao động trong một giới hạn hẹp khi nhiệt độ môi trường sống thay đổi. Mồ hôi được bài tiết tăng theo nhiệt độ của môi trường. Do đó, nước là yếu tố quan trọng trong cơ chế điều hoà thân nhiệt khi thời tiết nóng. Thiếu nước sẽ khiến quá trình toả nhiệt giảm đi, thân nhiệt sẽ tăng lên, vì vậy cần bổ sung nước cho trẻ trong khi ăn và ngoài các bữa ăn”, ThS Tiến nhấn mạnh.
Nhu cầu nước của trẻ tính theo cân nặng trong 1 ngày như sau: Trẻ em 1 - 10 kg nhu cầu 100 ml/kg; Trẻ em 11 - 20 kg: 1.000 ml + 50 ml/kg cho mỗi 10kg cân nặng tăng thêm; Từ 21 kg trở lên: 1.500 ml + 20 ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng thêm.
2/3 nhu cầu nước được cung cấp bằng đường uống, 1/3 còn lại do thực phẩm cung cấp. Ngoài ra nhu cầu nước còn phụ thuộc vào mức độ hoạt động thể lực. Lưu ý, không nên cho trẻ uống nước để trong tủ lạnh, nước đá dễ bị viêm họng.
Cũng theo ThS Tiến, thông thường, vào mùa hè trẻ hay mắc một số bệnh như: tiêu chảy, sốt, ho.…Một trong số các nguyên nhân gây bệnh cho trẻ trong mùa hè có liên quan đến thời tiết, ăn uống. Nhiệt độ cao khiến thức ăn dễ bị ôi thiu, khi trẻ ăn phải các thức ăn này dẫn đến nguy cơ bị bệnh tiêu chảy.
Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần lựa chọn thực phẩm tươi, nấu chín (đun sôi) trước khi ăn. Thực phẩm còn lại sau mỗi bữa ăn cần bảo quản thật tốt.
Thực đơn bữa ăn của trẻ trong mùa hè
Mùa hè, thời tiết nóng trẻ thường chán ăn, vì vậy cần cho trẻ ăn những loại thức ăn dễ tiêu hoá. Các loại quả chín, các loại quả chứa nhiều vitamin C (cam, chanh, quýt, bưởi,…), các thực phẩm giàu chất đạm (sữa mẹ, sữa bò, sữa đậu tương, trứng, thịt, cá,…).
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến nêu gợi ý về thực đơn một ngày cho đối tượng trẻ từ 13 - 18 tháng tuổi trong mùa hè:
- Bú mẹ nhiều lần trong ngày (8 lần).
- 6h sáng: cháo thịt + rau xanh + dầu ăn (200 ml) gồm: gạo tẻ 50 gam ( 1 vốc tay), thịt nạc 30 gam (1/3 lạng), rau ngót 10 gam (20 lá non), dầu ăn 10 ml ( 2 thìa cà phê).
- 8h sáng: nước cam (quýt): 100 ml ( nửa quả cam + 1 thìa cà phê đường).
- 10h sáng: cháo cá + rau xanh + dầu ăn ( 200 ml ) gồm: gạo tẻ 50 gam, cá 30 gam, rau xanh 10 gam, dầu ăn 10 ml.
- 12h: nước quả 100 ml.
- 14h: cháo trứng + rau xanh + dầu (mỡ): 200 ml.
- 16h: nước quả 100 ml.
- 18h: cháo đậu xanh hoặc đậu đen (200 ml).
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, để bảo vệ sức khỏe của trẻ trong mùa nắng nóng, ThS.BS Nguyễn Văn Tiến cũng khuyến cáo phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ra ngoài trời hoặc đi chơi từ 10h - 16h hàng ngày, đặc biệt trong những ngày nắng gắt. Nên cho trẻ chơi ở nơi có bóng mát.
Nếu trẻ ở trong phòng điều hòa, hãy để nhiệt độ điều hòa thấp hơn nhiệt độ trong nhà từ 1 - 2 độ C và chế độ gió ở mức trung bình (không để tốc độ gió mạnh).
Khi đưa trẻ từ phòng điều hòa ra ngoài, nên tắt điều hòa trước, rồi mở cửa phòng khoảng 10 - 15 phút sau đó, như vậy tránh cho trẻ tiếp xúc với nhiệt độ nóng lạnh đột ngột.