Số người khuyết tật có xu hướng tăng
Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong số đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, và khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Số người khuyết tật có xu hướng ngày một tăng cao do hậu quả của chiến tranh còn rất nặng nề, do sự già hóa dân số, do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và do mắc các bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng cao...
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Văn Hồi cho biết, phần lớn người khuyết tật sống ở vùng nông thôn, có cuộc sống rất khó khăn, đặc biệt là người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc người khuyết tật của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội Phan Thị Bích Diệp cho biết thêm, mặc dù Đảng, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức đã có nhiều nỗ lực, nhưng với số người khuyết tật lớn như hiện nay nên chưa thể hoàn toàn đáp ứng được tất cả nhu cầu của họ. Trong đó, việc giúp người khuyết tật có thể hòa nhập hoàn toàn vào cộng đồng là cả một vấn đề rất lớn.
Ngày 31.7.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1125/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, phê duyệt gồm 8 dự án, 21 hoạt động và 75 mục tiêu, chỉ tiêu chuyên môn. Trong đó, Bộ Y tế trực tiếp chỉ đạo và triển khai chương trình phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng. Qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp người khuyết tật hòa nhập vào xã hội.
Mới chỉ đáp ứng gần 20% nhu cầu phục hồi chức năng của xã hội
Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, kết quả đến năm 2020, 33 tỉnh/thành phố (trên 50%) đã có chỉ đạo, bố trí kinh phí cho hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. 90% số xã trên toàn quốc đã có phân công cán bộ phụ trách công tác phục hồi chức năng, trong số đó khoảng 30% được tập huấn kiến thức, kỹ năng về phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) triển khai các hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ người khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp đạt 80%; trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi được phát hiện, can thiệp sớm đạt 60%.
Tổng kinh phí hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020 là 30 tỷ đồng. Kết quả, đã khảo sát, khám sàng lọc, đánh giá phát hiện nhu cầu phục hồi chức năng đối với người khuyết tật và quản lý thông tin người khuyết tật bằng hệ thống thông tin chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật cho trên 700.000 người. Số buổi sàng lọc phát hiện khuyết tật được triển khai là 1.642 buổi; Số người khuyết tật được sàng lọc phát hiện khuyết tật là 84.882; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 186.816 người, tỷ lệ người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế đạt 95%. Số người khuyết tật có nhu cầu phục hồi chức năng là 81.686 người, trong đó xác định nhu cầu và cung cấp 8.222 dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật có nhu cầu; phẫu thuật chỉnh hình đối với 592 người khuyết tật vận động. Số người khuyết tật được đáp ứng nhu cầu cần phục hồi chức năng là 39.791 người. Số đơn vị đã kiểm tra, giám sát là 697 đơn vị; số cán bộ tham gia mô hình phục hồi chức năng tại tuyến cơ sở là 4.182 người; kinh phí thực hiện mô hình phục hồi chức năng tại tuyến cơ sở là 25 tỷ đồng; số người khuyết tật được tiếp cận mô hình phục hồi chức năng tại tuyến cơ sở là 318.637 người.
Đến nay, cả nước có 63 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng, 100% bệnh viện trung ương (đa khoa) đều có khoa phục hồi chức năng, 90% bệnh viện đa khoa và 40% bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh có khoa phục hồi chức năng; 70% bệnh viện tuyến huyện có Khoa Phục hồi chức năng riêng biệt hoặc ghép với khoa khác; 95 % Trạm y tế có phân công cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng và người khuyết tật, tại tuyến xã của hầu hết các địa phương. Người khuyết tật nặng tại các địa phương được lập sổ theo dõi sức khỏe và 100% người khuyết tật đặc biệt nặng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí…
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam PGS.TS. Trần Trọng Hải, mặc dù hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hiện các cơ sở khám chữa bệnh mới chỉ đáp ứng từ 15 - 20% nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng. Nguồn nhân lực phục hồi chức năng chưa bảo đảm cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chậm được cải thiện; khả năng cung cấp dụng cụ phục hồi chức năng cũng như triển khai thực hiện dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng tại các tuyến còn hạn hẹp…