Khi mới biết tin mang thai hơn 1 tháng, thai phụ M.T. đã bị bong rau, 3 tháng sau tiếp tục kiểm tra thì được phát hiện thai nhi bị thiếu ối. Dù bệnh nhân đã về uống sữa, uống thuốc nhưng tình trạng không tiến triển. Thăm khám tại nhiều nơi, chị đều được khuyên nên dừng thai.
Không bỏ cuộc, gia đình chị tìm hiểu và quyết định đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Tại đây, bệnh viện quyết định thực hiện truyền ối cho thai phụ. Sau khi truyền ối thành công, chị T. được theo dõi tới khi tình trạng sức khỏe ổn định và xuất viện.
Chị T. được khám và siêu âm mỗi tuần, em bé tăng cân đều. Tuy nhiên, sau 20 ngày nước ối lại cạn, chị T. được chỉ định truyền ối lần 2. Tuy nhiên, 10 ngày sau tới kiểm tra, thai nhi lại được phát hiện cạn ối, thai phụ tiếp tục truyền ối lần 3. Chỉ 7 ngày sau khám lại, tình trạng cạn ối lại tái diễn.
Được bác sĩ động viên cộng với quyết tâm của gia đình, thai phụ tiếp tục thực hiện truyền ối lần 4. Khi thai nhi ở tuần 28, chị T. được chỉ định nhập viện mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho thai nhi, tránh tình trạng suy thai. Kết quả, một bé gái cân nặng 1.100g chào đời.
Vì sinh non tháng nên sức khỏe bé còn yếu và xuất hiện nhiều bệnh, được tiếp tục chăm sóc, điều trị tại khoa Sơ sinh của Bệnh viện. Sau 1,5 tháng chăm sóc và điều trị tại khoa, bé đã nặng 2.000g và hoàn toàn khỏe mạnh, được xuất viện trở về trong vòng tay mẹ.
Truyền ối là một trong các kỹ thuật của lĩnh vực can thiệp bào thai.
Can thiệp bào thai, can thiệp trong buồng tử cung tức coi bào thai là một bệnh nhân. Khi đó, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ngay trong buồng ối, chữa bệnh cho thai nhi, sau đó, thai ổn định, có thể ở lâu nhất trong bụng mẹ trước khi chào đời.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 236 ca can thiệp, truyền ối bào thai thành công tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 41.000 trẻ mắc dị tật, trong đó, số trẻ mắc dị tật nặng khoảng 20.000 ca.
Nhờ sự phát triển các phương pháp sàng lọc, chuẩn đoàn trước sinh, nên ngày nay đã phát hiện sớm hơn các bất thường của thai nhi. Một số bất thường có thể đợi để sữa chữa sau sinh.
Tuy nhiên, một số bất thường của thai nhi có thể tiến triển nhanh chóng trong tử cung và dẫn tới bệnh tật nặng hoặc khiến thai chết lưu. Trong những trường hợp như vậy, không phải lúc nào cũng cho thai ra ngoài luôn được vì quá bé hoặc vì sinh non sẽ làm tăng thêm tình trạng nghiêm trọng với bệnh lý cơ bản.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sim - Phụ trách Đơn vị can thiệp bào thai cho biết: “Trước đây, khi chưa phát triển kỹ thuật can thiệp bào thai, khi sản phụ mắc các hội chứng: Truyền máu song thai; dải xơ buồng ối; chậm tăng trưởng trong tử cung; ứ nước bể thận, thiếu máu bào thai, thiểu ối, đa ối… đều dẫn đến nguy cơ thai nhi bị dị tật vĩnh viễn hoặc thai chết lưu. Với kỹ thuật can thiệp bào thai, Trung tâm đã cứu được hàng trăm trẻ”.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh cho biết, kỹ thuật can thiệp bào thai làm thay đổi hoàn toàn quan niệm về khám chữa bệnh. Mỗi năm, có cả nghìn đứa trẻ chết dần, chết mòn, hay bị dị tật… làm cho không chỉ gia đình mà chính đứa trẻ đó khổ cả đời vì các bệnh tật bẩm sinh.
Nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi, các nhân viên y tế có thể cứu chữa được các bệnh lý phức tạp, nguy hiểm với tỷ lệ thành công tới 90%, hạn chế các ca tử vong đáng tiếc, giúp trẻ sinh ra không còn bị dị tật, phát triển bình thường. Khi đó, tỷ lệ trẻ tật nguyền, di chứng bào thai giảm rõ rệt trong cộng đồng dân cư.