Phân tích rõ hơn nguyên nhân chủ quan của việc điều chỉnh
Đa số ĐBQH tán thành với kiến nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án.
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn khi Tờ trình của Chính phủ chưa phân tích kỹ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của địa phương, của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện Dự án.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, hồ sơ cũng như các báo cáo đã trình chưa đánh giá một cách thuyết phục và kỹ lưỡng các nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh Dự án này, đặc biệt là việc chậm trễ về thời gian.
Sau khi rà soát các nguyên nhân được đưa ra, nguyên nhân lớn nhất lại là do dịch bệnh Covid-19. Chỉ rõ điều này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ, tuy dịch bệnh có tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhưng không nên lạm dụng nguyên nhân này để lý giải cho mọi sự chậm trễ. Bởi, thời gian triển khai Dự án theo Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội là bắt đầu từ năm 2017, trong khi đó, đến cuối năm 2020, dịch bệnh Covid-19 mới diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc dẫn ra nguyên nhân chính của chậm trễ là do dịch bệnh Covid-19 là chưa thuyết phục.
Trong các báo cáo của Chính phủ cũng nêu nhiều nguyên nhân khách quan, song một phần của vấn đề cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Cụ thể, khi lập dự án, năng lực dự báo chưa tốt nên phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, trong quá trình rà soát, phải đánh giá một cách chính xác hơn nữa các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan để có thể tìm ra giải pháp.
Cùng quan điểm, theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), nội dung Nghị quyết 53/2017/QH14 đề cập đến 3 nội dung là tổng mức đầu tư, diện tích đất thu hồi và thời gian thực hiện. Tuy nhiên, với cả 3 nội dung này, đến nay Dự án đều chưa hoàn thành, nên chưa có cơ sở để biết được tổng mức đầu tư và diện tích đất thu hồi, chỉ có thời gian thực hiện là biết đã bị chậm. Vì vậy, cần phân tích kỹ, nguyên nhân dẫn tới phải sửa đổi nội dung Nghị quyết 53/2017/QH14 là do Nghị quyết chưa đủ căn cứ, chưa thuyết phục, hay do quá trình triển khai thực hiện còn vướng mắc, hay việc đánh giá tác động chưa rõ ràng?
Đánh giá kỹ về tiến độ hoàn thành dự án
Cho rằng, việc Dự án bị chậm so với yêu cầu của Nghị quyết là điều đã rõ, song ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn: Liệu rằng đến hết năm 2024 Dự án có hoàn thành hay không? Nếu muốn thì cần phải “cật lực” đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện để có thể đạt được mục tiêu đề ra. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Chính phủ cũng cần đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cụ thể, rành mạch để trình Quốc hội về tiến độ hoàn thành Dự án.
Qua nghiên cứu báo cáo nghiên cứu khả thi, thuyết minh chung các nội dung điều chỉnh, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ băn khoăn với một số vấn đề, như công tác triển khai các dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc phạm vi bị ảnh hưởng của Dự án. Vì rằng, toàn bộ Dự án, dù được triển khai từ năm 2017 nhưng tới nay mới chỉ dừng ở mức điều tra, khảo sát, cấp phiếu khảo sát nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ gia đình bị thu hồi đất, tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề, phát phiếu đăng ký học nghề…
Và, các công tác này đều chưa có kết quả nào rõ rệt, trong khi đó, thời gian còn lại để thực hiện Dự án không nhiều; các cơ quan chức năng cũng chưa chú trọng đúng mức đến việc giải quyết quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng do phải bàn giao đất, di dời chỗ ở để thực hiện Dự án. Ngoài ra, còn có những vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh nhà ở xã hội thành đất phân lô, đất cây xanh bị giảm đi đáng kể… đều cần được rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Trách nhiệm của Quốc hội là đưa ra quyết sách để tháo gỡ khó khăn phát sinh trong thực tiễn, bởi có những trường hợp phải điều chỉnh luật, có trường hợp phải ra Nghị quyết riêng. Nhấn mạnh vấn đề này, nhiều ĐBQH tại tổ 14 đề nghị, trong giải trình của Chính phủ đối với việc điều chỉnh nội dung Nghị quyết 53/2017/QH14 cần có căn cứ thuyết phục và số liệu rõ ràng hơn nữa, trong đó phân tích kỹ trách nhiệm với sự cam kết mạnh mẽ để cuối năm 2024 Dự án phải được hoàn thành.