ĐBQH Cao Thị Xuân(Thanh Hóa)
Về tính khả thi của thời điểm chuyển đổi phương thức quản lý bằng sổ hộ khẩu sang quản lý bằng mã số định danh trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi), tôi hoàn toàn ủng hộ quyết tâm cải cách rất đột phá của Chính phủ trong thay đổi phương thức quản lý cư trú, thể hiện qua 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật nêu trong Tờ trình. Đây là bước đi mạnh mẽ thể chế hóa Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2025 “Cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”.
Tuy nhiên, việc lấy thời điểm Luật có hiệu lực - ngày 1.7.2021 - tức là còn khoảng một năm nữa để chấm dứt giá trị sử dụng của Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo quy định tại khoản 3 Điều 42 dự thảo Luật lại đặt ra rất nhiều vấn đề cần cân nhắc thận trọng về tính khả thi và khả năng dự liệu, xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.
Bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân
Theo Báo cáo của Bộ Công an thì đến thời điểm này mới cấp được 18 triệu số định danh; đến tháng 6.2021, trong thời gian chỉ 1 năm sẽ hoàn thành cấp tiếp 80 triệu số định danh còn lại. Mặc dù Bộ Công an có nêu rõ là đã thu thập được hơn 80 triệu phiếu thông tin dân cư nhưng chính những khó khăn được nêu ra trong Báo cáo đánh giá tác động bổ sung khiến tôi cho rằng đây là áp lực rất lớn, khó khả thi.
Bởi, thứ nhất, quản lý bằng phương thức điện tử là phương thức hoàn toàn mới, đòi hỏi cần có thời gian đủ để tập huấn, xây dựng năng lực của đội ngũ vận hành hệ thống quản lý, nhất là khi dự thảo Luật đi theo hướng chuyển giao thẩm quyền xuống cấp xã, coi lực lượng công an xã là chủ lực để thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, việc xác lập và thông báo số định danh là công việc cần nhiều thời gian để kiểm tra, đối soát, đảm bảo sự chính xác.
Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về cư trú đã được quy định ngay từ Luật Cư trú năm 2006, cách đây gần 15 năm; việc đầu tư xây cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai từ năm 2017, nhưng đến nay cũng mới chỉ định danh được 18 triệu người. Quá trình thí điểm những năm qua cũng mới chỉ thực hiện ở 4 thành phố lớn và 12 tỉnh chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Hồng, điều kiện khá thuận lợi. Việc triển khai mở rộng ra các tỉnh còn lại, đặc biệt khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đầy những khó khăn, thách thức cả về điều kiện đi lại, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tập quán, lối sống, nhận thức của nhân dân mà chỉ dự trù quỹ thời gian 1 năm là rất khó khả thi. Đơn giản nhất như việc lập xong số định danh, để thông báo được tới đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thì thời gian vật chất, nhân lực cũng cần hơn rất nhiều so với khu vực đồng bằng, có nơi cán bộ, chiến sĩ phải trực tiếp đến với dân vì còn đồng bào “đi ban đêm sợ mất trộm, đi ban ngày sợ mất thời gian”.
Thứ hai, Báo cáo của Bộ Công an cũng nêu khó khăn “hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn yếu, sự tiếp cận, nhận thức của nhân dân về công nghệ thông tin còn chưa đồng đều”, trong khi việc dồn tụ trách nhiệm xuống cấp xã cũng đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ không thể chỉ trong thời gian ngắn. Theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị (năm 2019) thì chúng ta phấn đấu đến năm 2025 có Internet băng thông rộng phủ kín 100% các xã. Do vậy, cần tính toán rất kỹ và có những đảm bảo chắc chắn đối với việc có thể vận hành cả hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và nhân lực sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào năm 2021.
Thứ ba, tôi muốn nêu lại một thực tiễn lập pháp của nhiệm kỳ trước: năm 2014, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIII phải khẩn trương sửa 1 điều của Luật Quốc tịch theo quy trình rút gọn để thay đổi chính sách về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch đối với người Việt Nam ở nước ngoài, sau 5 năm thực hiện không khả thi. Từ thực tiễn này, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện về thời điểm có thể vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bỏ sổ hộ khẩu để tránh tình trạng Quốc hội khóa mới phải sửa đổi Luật để điều chỉnh thời hạn.
Cân nhắc kỹ thời điểm nào bỏ Sổ hộ khẩu là hợp lý nhất?
Về dự liệu xử lý những vấn đề tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân khi thay đổi phương thức quản lý, thay đổi phương thức quản lý cư trú là chính sách tác động tới mọi người dân, liên quan mật thiết đến việc bảo đảm quyền công dân và quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên tôi thấy Tờ trình cũng như Báo cáo giải trình bổ sung mới chỉ làm rõ sự thay đổi phương thức quản lý về phía cơ quan quản lý cư trú, chưa thực sự rõ những đòi hỏi cần thay đổi từ phía người dân, cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan khác, để từ đó dự liệu biện pháp xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong điều kiện còn nhiều văn bản pháp luật, nhiều chính sách hiện hành vẫn đang gắn với sổ hộ khẩu. Tôi đánh giá cao cơ quan thẩm tra đã rà soát, xây dựng bản Phụ lục gồm 27 thủ tục hành chính hiện hành đang quy định trong 5 nghị định và 15 thông tư có yêu cầu Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, nhưng tôi thấy rằng vẫn còn những văn bản khác chưa được rà soát hết. Ở đây, tôi xin bổ sung thêm một số thủ tục hành chính liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đó là: Thủ tục hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trẻ trong hộ nghèo, cận nghèo quy định tại Nghị định 06 (năm 2018); thủ tục ưu tiên tuyển sinh và xét duyệt, chi trả kinh phí hỗ trợ học tập đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại Nghị định 57 (năm 2017); thủ tục hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị định 116 (năm 2016); thủ tục dự tuyển vào trường phổ thông dân tộc nội trú quy định tại Nghị định 01 (năm 2016); thủ tục xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện quy định tại Thông tư 01 năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; thủ tục chứng minh điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội quy định tại Nghị định 100 năm 2015.
Từ một vài ví dụ trên, tôi thấy rằng để thực hiện thành công cải cách đột phá trong thay đổi phương thức quản lý cư trú không chỉ là trách nhiệm của riêng hệ thống quản lý cư trú, mà liên quan, liên thông với trách nhiệm của rất nhiều ngành, nhiều cơ quan cung ứng dịch vụ công để làm khi vận hành phương thức quản lý mới, nhất là giai đoạn ban đầu không gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng, gián đoạn đến quyền lợi và cuộc sống bình thường của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và những người yếu thế. Tôi đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành rà soát tổng thể và dự liệu toàn diện biện pháp xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, từ đó mới có cơ sở chắc chắn để trình Quốc hội quyết định xem thời điểm nào bỏ Sổ hộ khẩu là hợp lý nhất.
Đơn giản hóa thủ tục, giảm giấy tờ cho dân
Về thủ tục hành chính, qua nghiên cứu dự thảo Luật, tôi thấy rằng còn nhiều vấn đề có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ hơn, liên thông trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành để giảm gánh nặng cho người dân.
Thứ nhất, thay đổi phương thức quản lý bằng cơ sở dữ liệu điện tử trên môi trường mạng, nhưng cả dự thảo Luật cũng như dự thảo các văn bản quy định chi tiết không có quy định nào đề cập đến việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, để người dân có thể chủ động tự truy cập, tra cứu, trích xuất thông tin về tình trạng cư trú của cá nhân mình phục vụ cho giao dịch dân sự. Hầu hết các thủ tục hành chính về đăng ký thường trú, tạm trú về phía người dân chưa có những thay đổi đáng kể, vẫn là việc phải chuẩn bị các loại giấy tờ gồm phiếu báo, bản khai, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân nhân, giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, vẫn là việc người dân phải trực tiếp mang đến cơ quan có thẩm quyền thụ lý, chờ đợi trả thông báo kết quả giải quyết. Tức là về cơ bản thủ tục vẫn như hiện nay, vẫn đặt nặng trách nhiệm của người dân, đặt niềm tin vào hàng chục loại giấy tờ được quy định tại Điều 22, Điều 23 dự thảo Luật.
Thứ hai, tôi rất tán thành ý kiến góp ý mang tính phát hiện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự thảo Luật dường như đang bổ sung, tăng thêm một số thủ tục không cần thiết như: quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 21 tăng thêm thủ tục phải có xác nhận của UBND cấp xã về điều kiện diện tích bình quân khi đăng ký thường trú; quy định tại điểm e, Khoản 2 Điều 22 về đòi hỏi người khuyết tật, trẻ em, người không nơi nương tựa ở trong cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải có giấy xác nhận cho đăng ký thường trú của người đứng đầu cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trong khi việc xác nhận này hoàn toàn có thể ghép vào Tờ khai cho đơn giản; quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 22 về việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn đăng ký thường trú ở Việt Nam đã phải có văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, lại còn phải kèm thêm Giấy giới thiệu của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố, trong khi đây là những cơ quan có thể liên thông với nhau. Đề nghị rà soát lại các quy định này để đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ cho người dân, để làm sáng lên hình ảnh của một nền hành chính phục vụ, hiện đại, vì dân.