Đây là góp ý của đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội tại Dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Tại Điều 23, Dự thảo quy định Chi phí quản lý, điều hành văn phòng EPR Việt Nam bao gồm 11 loại chi phí. Trong đó, chỉ có 1 loại chi phí được quy định tại Khoản 1 là được dùng vào việc hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, còn lại 10 loại chi phí khác (từ Khoản 2 đến Khoản 11), bao gồm: mua sắm tài sản, truyền thông, giao dịch, đối ngoại, hội thảo, hội nghị, chi hỗ trợ cho đảng bộ, đoàn thể… Các khoản này đều sử dụng từ khoản đóng góp của doanh nghiệp cho tái chế sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải.
Trong khi đó, tại Điểm b, c Khoản 4, Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường quy định “Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì” và “việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định”. Điều này có nghĩa là khoản đóng góp tài chính này được Luật quy định chỉ sử dụng cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và không sử dụng vào các mục đích khác. Như vậy, việc Dự thảo cho phép sử dụng các khoản đóng góp của doanh nghiệp để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì vào các mục đích khác là không thống nhất với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, liên quan đến các quy định hỗ trợ tái chế sản phẩm, bảo phẩm bao bì, xử lý chất thải... đại diện của nhiều doanh nghiệp cho rằng: Các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ chưa được quy định rõ ràng khi không có quy định thời hạn phải giải ngân khoản đóng góp của doanh nghiệp để tái chế sản phẩm, xử lý chất thải. Điều 8, Khoản 2, Khoản 3 quy định 5 tiêu chí để xem xét các dự án được cấp hỗ trợ, nhưng không có điểm cho từng tiêu chí; không có cách chấm cụ thể. Đặc biệt, mức hỗ trợ được quy định tại Khoản 3, Điều 8 chỉ nêu chung chung là Hội đồng EPR thông qua dựa theo phân nhóm sản phẩm, khối lượng đề nghị hỗ trợ, không có tiêu chí cụ thể. Đáng lưu ý hơn, tại các Điều 9,11,15,18,21 quy định các loại hồ sơ giấy tờ để doanh nghiệp được nhận hỗ trợ, tài trợ rất nhiều thành phần và không quy định hình thức nộp trực tuyến.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cần quy định quy trình xin hỗ trợ và xét duyệt mức hỗ trợ làm online trên hệ thống dịch vụ công quốc gia, các địa phương không phải ra Hà Nội nộp hồ sơ giấy, vì các cơ quan quản lý có thể kết nối, chia sẻ thông tin của doanh nghiệp mà không cần doanh nghiệp phải nộp như Giấy chứng nhận kinh doanh, Quyết định thành lập...; đồng thời cần định lượng cụ thể các tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, mức hỗ trợ.