ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh): Nên quy định lộ trình tăng thuế ở một mức độ để giảm những cú sốc
Về việc tăng thuế đối với thuốc lá, tôi nhất trí với phương án tăng thuế. So với các nước thì thuế tiêu thụ đặc biệt chúng ta cũng còn thấp, đặc biệt những mặt hàng như thuốc lá, rượu, bia. Tuy nhiên, chúng ta cũng cân nhắc những yếu tố khác, chẳng hạn như tác động tới công ăn việc làm hay khuyến khích đầu tư mở rộng sản xuất đối với các doanh nghiệp hiện hữu. Chúng ta cũng cân nhắc có một lộ trình phù hợp. Thuốc lá cũng là một sản phẩm mà Việt Nam có các doanh nghiệp sản xuất rất lớn. Do đó, nên quy định lộ trình tăng thuế ở một mức độ để giảm những cú sốc. Tôi ủng hộ phương án 1 vì có mức độ tăng vừa phải, phù hợp từ đây tới năm 2030.
ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An): Tăng thuế quá cao có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá và các doanh nghiệp phụ trợ
Việc bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá theo tôi chính sách này rất cần thiết để thực hiện mục tiêu của chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 nhằm đạt được tỷ lệ giảm người sử dụng thuốc lá và tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, lộ trình tăng thuế theo đề xuất của cả hai phương án theo đánh giá là chưa đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá đề ra, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ cũng chưa đạt mức theo khuyến nghị của WHO. Để đạt được mục tiêu và nhiệm vụ đề ra trong chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá cần quy định cao hơn so với phương án đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu tăng thuế quá cao có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá và các doanh nghiệp phụ trợ tác động tới quá trình phục hồi của nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này chúng tôi có nhận được văn bản của Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ thuốc lá Việt Nam, trong đó Hiệp hội có kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu một số vấn đề tác động đối với chính sách này như sau.
Thứ nhất, Hiệp hội cho rằng nếu không thận trọng thì nhiều doanh nghiệp thuốc lá trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn vì các phương án theo đề xuất của dự thảo luật với mức tăng quá cao và chưa có tiền lệ bởi thời gian trước và hiện tại đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ: năm 2015 là 65%, 2016 là 70% và năm 2019 đến nay là 75%. Như vậy là mức tăng có sự ổn định với mỗi lần điều chỉnh tăng là 5%.
Thứ hai, Hiệp hội cũng đề nghị là cần xem xét thấu đáo quan hệ giữa việc tăng thuế với việc tăng thuốc lá nhập lậu. Với mức thuế tăng như dự thảo luật thì các doanh nghiệp trong nước khó có thể đáp ứng, khó có thể ứng phó kịp thời để cạnh tranh với thuốc lá lậu. Điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thậm chí là thua lỗ.
Thứ ba, diễn biến thị trường nguyên phụ liệu thế giới đã và đang tạo ra những khó khăn trong ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam. Theo Hiệp hội, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu tác động đến năng suất và sản lượng các vùng trồng mà giá nguyên liệu thuốc lá trên thế giới tăng liên tục trong bốn năm qua là trung bình các loại nguyên liệu tăng hơn 100% sau bốn năm. Có nghĩa là sau bốn năm chi phí nguyên liệu trong kết cấu giá thành sẽ tăng hơn hai lần, đây chính là những thách thức đối với ngành thuốc lá Việt Nam. Do đó, Hiệp hội cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đánh giá trong việc ban hành chính sách thuế này để chính sách thuế phù hợp đối với mặt hàng là thuốc lá.
ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai): Có lộ trình tăng, khoảng cách giữa các lần tăng phù hợp
Tôi đồng tình với chủ trương tăng tỷ lệ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá theo đúng khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như để giảm thiểu tác động đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Trong thời gian vừa qua, chúng ta có các biện pháp để hạn chế của người sử dụng thuốc lá, một là chống buôn lậu, hai là sử dụng Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá để giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá và ba là biện pháp thuế.
Trong thời gian vừa qua, về biện pháp mà thuế thì từ năm 1999 chúng ta áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá từ mức 45% tăng dần cho đến năm 2019 là 75% và duy trì cho đến nay. Trong đó, năm 2016 mức tăng tại mỗi lần điều chỉnh chỉ có 5% và khoảng cách mỗi lần tăng là từ 3 đến 4 năm. Theo tôi, đây là mức tăng và lộ trình phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng và cũng làm cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước có thời gian điều chỉnh kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh ứng phó kịp thời với các biến động về giá và có chính sách để kinh doanh phù hợp.
Hiện nay, chúng ta là có 18 doanh nghiệp sản xuất thuốc lá mà gần như 100% trong nước. Với tỷ lệ vốn là của nhà nước là chiếm trên 50% là đa số. Như vậy với việc tăng này liệu các doanh nghiệp có ứng phó kịp với chuyện thay đổi dây chuyền sản xuất, ứng phó với chiến lược sản xuất hay không hay sẽ giảm sức “chiến đấu”. Bởi cùng lúc chúng ta phải cạnh tranh với việc tiêu thụ thuốc lá không hợp pháp và một mặt là chúng ta lại phải chịu thêm một mức thuế một cách đột ngột.
Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong năm nay và năm 2023 đều tăng. Như vậy, với sức chống chịu của doanh nghiệp cùng một lúc với các ảnh hưởng như thế không biết có chống chịu nổi hay không, chưa kể là giá nguyên phụ liệu do các yếu tố khác. Trong khi số liệu cho thấy, những doanh nghiệp này một năm như năm 2023 đã đóng góp 18.000 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt. Với 18 doanh nghiệp này thì tới tới 11.000 người lao động. Nếu chúng ta tăng thuế đột ngột trong thời gian ngắn, không có khoảng cách như thế này liệu việc thu thuế của chúng ta về ngân sách nhà nước có còn ổn định như hiện nay nữa hay không? Hay lại dẫn đến chuyện thất thu do những doanh nghiệp này đang đóng góp một số lượng lớn như thế này thì lại không được đủ sức chống chịu?
Không chỉ tác động tới doanh nghiệp mà còn tới 90.000 người nông dân ở các vùng trồng nguyên liệu như: Gia Lai, Cao Bằng, Đắc Lắc, Kon Tum… những nông dân ở vùng trồng này gần như tôi đã đi đến rồi. Tôi đã lên Gia Lai, tất cả những nông dân này vùng trồng nguyên liệu đời sống rất ổn định. Nếu chúng ta áp thuế này mà không đánh giá kỹ tác động thì khi doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc đóng cửa sản xuất, những người nông dân vùng trồng nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy, tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như là an sinh của xã hội có được đảm bảo hay không? Đó là điều tôi vẫn còn băn khoăn.
Do vậy, tôi đề nghị, chúng ta tính toán giá tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt này đối với thuốc lá thì nên có một lộ trình như đã làm trước đây. Trước đây chúng ta tăng nhưng không gây sốc, doanh nghiệp chống chịu được và doanh nghiệp cùng đồng hành cùng với Chính phủ, Nhà nước để thực hiện tốt nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng. Tôi đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc và đặc biệt là có lộ trình tăng, khoảng cách giữa các lần tăng. Có như vậy, mới có thời gian để cho các doanh nghiệp chống chịu được cũng như để nuôi dưỡng nguồn thu.