Hoạt động đào tạo đã thiên về chất lượng
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Dự kiến, năm 2025, quy mô thị trường sẽ tăng lên 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, trở thành "trợ thủ" dẫn dắt nền kinh tế số theo đúng định hướng. Đi kèm với đó, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng tăng lên. Tuy nhiên, đây lại đang là một trong những hạn chế cho sự phát triển của thương mại điện tử.
Kết quả khảo sát chỉ ra, khoảng 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử được đào tạo chính quy, còn lại là những nhân sự được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác như thương mại, kinh doanh, công nghệ thông tin…
Kế hoạch tổng thể Phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ đề ra mục tiêu tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đào tạo thương mại điện tử. VECOM cho biết, tới năm 2023, đã có 89 cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là trường đại học) đào tạo học phần, 16 trường đào tạo chuyên ngành và 40 trường đào tạo ngành thương mại điện tử với mã ngành 7340122. Hoạt động đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học đã bước từ giai đoạn phát triển thiên về quy mô sang giai đoạn thiên về chất lượng.
Dù vậy, VECOM cho rằng, mục tiêu của Chính phủ đặt ra đến năm 2025 mang tính định lượng nhưng còn mơ hồ về chương trình đào tạo. Chẳng hạn, đào tạo học phần hay chuyên ngành thương mại điện tử tại các ngành nói chung hay đào tạo ngành thương mại điện tử ở các trình độ tương ứng. Mặt khác, vẫn chưa có chính sách khuyến khích giảng dạy lĩnh vực thương mại điện tử nào được ban hành hay đang dự thảo.
Cũng theo VECOM, trên thực tế, các trường đại học đều cố gắng mời các doanh nghiệp thương mại điện tử uy tín góp ý chương trình đào tạo, hỗ trợ thực tập, kiến tập của sinh viên… Tuy nhiên, do từng trường triển khai riêng lẻ, còn doanh nghiệp phải ưu tiên nguồn lực cho kinh doanh nên kết quả triển khai còn khá thấp. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho thương mại điện tử.
Hợp tác để xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử rất “khát” nhân lực. Theo khảo sát của VECOM, trong năm 2023, 64% doanh nghiệp khi tuyển dụng sẽ ưu tiên đối với nhân sự có kỹ năng hoặc được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Nếu xét theo quy mô doanh nghiệp thì nhóm doanh nghiệp lớn có mức độ quan tâm và ưu tiên hơn đối với việc tuyển dụng nhân sự có nhóm kỹ năng này. Theo đó, nếu như 62% doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm tới việc tuyển dụng ưu tiên đối với nhân sự có kỹ năng/được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử, thì tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp lớn chiếm tới 85%.
Xác định nguồn nhân lực là một trong những trụ cột quan trọng cho thương mại điện tử phát triển, thời gian qua, nhiều địa phương đã chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dẫn chứng, tháng 4.2024, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn năm 2024, trong đó, thành phố tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý Nhà nước về thương mại điện tử; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thương nhân trên địa bàn.
Hay tại Hà Nội, trong năm nay, thành phố đặt mục tiêu 2.000 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử…
Trong giai đoạn tới, các chuyên gia khuyến nghị, song song với việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần xây dựng tầm nhìn phát triển thương mại điện tử bền vững. Muốn vậy, bên cạnh việc thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến, tận dụng các cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến và giảm tác động tiêu cực tới môi trường, cần chú trọng tới phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao.
Bộ Công Thương dự kiến đặt mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030 sẽ có khoảng 70% cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên ngành liên quan thương mại điện tử. Muốn vậy, theo các chuyên gia, rất cần sự đồng hành của hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục cùng cơ quan quản lý nhà nước.
Tổng Thư ký VECOM Trần Văn Trọng đề xuất, về phía cơ quan quản lý, cần có kế hoạch và mục tiêu dài hạn trong việc phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử và kinh tế số; ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử. Cùng với đó, cần tăng cường truyền thông xã hội về vai trò của thương mại điện tử và kinh tế số để xã hội, người học hiểu sâu về ngành và triển vọng của ngành trong tương lai; hỗ trợ các trường nâng cao năng lực trong giảng dạy về thương mại điện tử.
Về phía doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cần hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tiễn của xã hội; liên kết và tham gia vào quá trình đào tạo cùng các cơ sở đào tạo, hỗ trợ các hoạt động thực hành và thực tập trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần cung cấp các nền tảng, giải pháp về thương mại điện tử cho người học có cơ hội tiếp cận, sử dụng và thực hành thực tế trong quá trình học; cung cấp thông tin về cơ hội việc làm trong ngành thương mại điện tử cho sinh viên; tổ chức các cuộc thi quy mô lớn để khuyến khích người học tham gia, nghiên cứu và có nhiều ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong ngành.
Về phía các cơ sở đào tạo, cần có nhiều chương trình gắn liền hoạt động đào tạo của giảng viên và sinh viên ngành thương mại điện tử và kinh tế số với thực tiễn kinh doanh; phát triển mạng lưới các doanh nghiệp cùng đồng hành trong quá trình đào tạo, hỗ trợ sinh viên môi trường thực hành và thực tập nhằm mở ra cơ hội việc làm sau khi kết thúc chương trình đào tạo.