Càng nhiều nội dung phúc đáp được đời sống càng tốt
Về quyền đối với họ, tên, trước đây đời sống dân sự bình thường, làm giấy khai sinh thì tên đệm là Văn hay Thị là xong. Sau này, họ và tên có 4 - 5 chữ. Bây giờ, theo phản ánh của các cơ quan đăng ký hộ tịch, có những người được đặt tên đến 35 chữ cái... Không có lý do gì để từ chối tên do bố mẹ đặt, nhưng sau này khi làm những giấy tờ liên quan như học bạ, thậm chí giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe (đều khổ nhỏ), nếu tên quá dài, trước hết sẽ gây khó khăn cho chính bản thân cá nhân và cũng khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ làm thế nào để cơ quan quản lý viết đầy đủ họ và tên của cá nhân có tên quá dài trong giấy chứng minh nhân dân? Nếu không viết được đầy đủ họ và tên thì khả năng nhận diện như thế nào?... Rất mừng là nhiều quy định trong việc đặt tên của cá nhân trong Dự án Bộ luật được nhiều ĐBQH đồng tình. Dự án trình QH lần này đã phúc đáp được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Do vậy, khoản 3, Điều 26, Dự án Bộ luật ghi: Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái. Tôi cho rằng, Dự án Bộ luật có càng nhiều nội dung phúc đáp được đời sống dân sự, kinh tế, thương mại... càng tốt.
Ảnh: Lâm Hiển |
Có đại biểu còn băn khoăn về quy định điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 435). Ở các nước, trong Bộ luật Dân sự, việc áp dụng án lệ của Tòa án đã tính đến từ giữa thế kỷ XX. Bởi nguyên tắc ở đây đã là quan hệ dân sự thì thường đến với nhau một cách rất thiện chí, tự nguyện, trung thực. Nhưng người ta không lường trước được có hoàn cảnh thay đổi cơ bản và lẽ ra nếu biết trước được hoàn cảnh thay đổi cơ bản như vậy thì họ đã không ký hợp đồng. Thế giới có quy định đã thành thông lệ, tập quán. Nhưng có những trường hợp hợp đồng đã ký mà hoàn cảnh thay đổi đến mức hai bên đều không lường trước được, thì phải đi đến chỗ thỏa thuận; nếu không thể thỏa thuận được thì phải để Tòa án can thiệp, quyết định. Trong Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này quy định rất chặt chẽ, không phải Tòa án có thể đụng bút để sửa lại hợp đồng do hai bên không thỏa thuận được với nhau và cũng quy định cụ thể thế nào là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì hướng dẫn các bên thương lượng như thế nào để bảo vệ quyền lợi của người quá bị thiệt hại. Nếu hai bên không tự xử được với nhau thì lúc đó Tòa án mới xem xét và hướng dẫn cho các bên. Nếu các bên vẫn không thỏa thuận được tiếp thì Tòa án mới tuyên bố hủy hợp đồng dân sự đó và lúc đó mới quy trách nhiệm cụ thể, có châm chước hay không đối với bên bị thiệt hại. Đây là điểm rất thời sự trong đời sống kinh tế hiện nay. Nếu không có điều này thì dễ bút sa gà chết... - điều này đồng nghĩa sẽ làm mất tính dân sự, tính trung thực, thiện chí của quan hệ dân sự.
Phân tích như vậy để thấy rằng, trong quá trình xây dựng Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), với sự chung sức, chung lòng của các ĐBQH và sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân, từ nay đến tháng 10.2015 (thời điểm dự kiến sẽ trình QH xem xét, thông qua) còn 4 - 5 tháng để chỉnh lý, bảo đảm Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này có sức sống lâu dài tốt, có thể đáp ứng hơi thở của cuộc sống hiện đại.
Đẽo chân theo giày hay mua giày theo chân?
Về quy định hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (Điều 102), hiện còn nhiều ý kiến băn khoăn về chủ đại diện của hộ gia đình trong giao dịch dân sự là ai? Hay chủ hộ là ai? Tuy nhiên, cả thế giới này khi nói đến chủ thể của pháp luật dân sự đều nói đến cá nhân pháp nhân. Trong xây dựng những Dự thảo Bộ luật Dân sự trước đây chúng ta đưa vào những chủ thể không giống ai, thậm chí liệt kê một số đơn vị cơ quan nhà nước phải như thế nào? tổ chức kinh tế như thế nào? Chủ thể hộ gia đình như thế nào? Tổ hợp tác chủ thể như thế nào?... Nhưng trong thực tiễn cuộc sống, có lẽ đại biểu cũng đã va chạm nhiều về nội dung này. Thực chất, Tòa án chưa bao giờ xử hộ gia đình, chỉ xử lý đại diện hộ gia đình. Riêng trong lĩnh vực đất đai, ta có quy định về hộ gia đình, trong hộ khẩu của ta có chủ hộ. Hộ khẩu theo Luật Căn cước công dân và theo định hướng sắp tới đến năm 2020 sẽ không còn, cộng với sắp tới năm 2017, khi Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này có hiệu lực thì đây là vấn đề. Hơn nữa, như đại biểu đề cập, cuộc sống bây giờ rất sống động, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ví dụ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ cần thiếu một người trong hộ gia đình, thì Tòa án có thể tuyên bố giao dịch hay hợp đồng vô hiệu. Nếu là người có thiện chí thì không sao nhưng người không thiện chí thì họ sẽ không bao giờ ký. Đấy là chưa kể đến tình hình biến động dân cư như hiện nay, có thể nay người này là chủ hộ nhưng mai kia lại là người khác, hoặc có người ra nước ngoài sinh sống... Bao nhiêu trường hợp ủy thác không trả lời như vậy là vô cùng phức tạp. Thế nên lần này mong ĐBQH mạnh dạn ủng hộ quan điểm của Chính phủ là không nên thừa nhận hộ gia đình, tổ hợp tác cũng như các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Ví dụ trong Luật Doanh nghiệp có quy định về doanh nghiệp tư nhân là một tổ chức kinh tế nhưng hoàn toàn do cá nhân tự thành lập và tự chịu trách nhiệm hoàn toàn, không ai liên quan đến, nghĩa là không có tư cách pháp nhân. Do vậy, không nên thừa nhận nó là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Nhưng Chính phủ cũng đã tính đến điều này, trong thực tế cuộc sống của đất nước ta, hộ gia đình vẫn là một thành phần quan trọng. Do vậy, trong Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trình QH lần này tuy không thừa nhận nhưng quy định cụ thể khi hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì ai là người đại diện trong quan hệ dân sự đó? Trường hợp nào hộ gia đình phải chịu trách nhiệm? Trường hợp nào người đại diện không đúng thì phải tự chịu trách nhiệm? Tất nhiên về mặt câu chữ vẫn phải rà soát, chỉnh lý thêm để bảo đảm các quan hệ dân sự do hộ gia đình thiết lập được bền chắc, chặt chẽ trong đời sống dân sự. Nhưng nếu quy định hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể thì không giống ai và càng ngày chúng ta càng phải đẽo chân theo giày chứ không như bình thường là mua giày theo chân.
Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng (Điều 168), ở đây có hai điểm: Điều 168 và Điều 107 đúng là có khác nhau. Quy định như trong Luật Đất đai và Luật Nhà ở thì quá cứng. Còn Bộ luật Dân sự với tư cách là luật nền thì chỉ nên quy định chung. Sau này nếu có sửa Luật Đất đai hay Luật Nhà ở theo điểm chung của Dự án Bộ luật Dân sự lần này thì tốt, còn không thì trong Dự án (sửa đổíi) vẫn mở ngoặc là: luật chuyên ngành có thể có quy định khác. Điều 168, Dự án Bộ luật quy định: Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu là nếu quy định không khéo thì quy định này có thể trở thành lật kèo, mà lật kèo thì sẽ không bảo đảm được sự ổn định, suốt ngày tranh chấp và trái với những nguyên tắc trung thực, thiện chí trong quan hệ dân sự. Ví dụ, nhà tôi ở quê hiện chưa đăng ký quyền sở hữu, nhưng giả sử có xảy ra tranh chấp thì Tòa án cũng không thể bác quyền sở hữu của tôi, nhưng nếu nói là phải đăng ký mới là quyền sở hữu thì đấy là việc khác. Điều 107, Dự án Bộ luật quy định theo hướng về lâu dài tất cả các bất động sản đều phải được đăng ký, và ta nên phấn đấu để tất cả tài sản phải nổi lên chứ hiện nay tài sản bị chìm nhiều quá. Tương lai chúng ta sẽ xây dựng Dự thảo Luật Đăng ký bất động sản. Ở đây Ủy ban Pháp luật chưa đồng tình lắm nhưng chúng tôi cho rằng tương lai nên có Luật này thì mọi thứ mới nổi lên hết, các giao dịch mới công khai và quản lý được. Còn thời điểm giữa tôi và anh giao dịch với nhau, tôi đã trả tiền xong, anh chuyển giao tài sản, giấy tờ hoặc thậm chí công chứng, chứng thực xong rồi thì phải công nhận việc đó có hiệu lực. Chứ không phải đến thời điểm tôi xác lập quyền sở hữu mới công nhận.