Động lực phát triển của vùng và cả nước
Nhiệm kỳ 2016 - 2021 và từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, thành phố Hải Phòng đã thực hiện hiệu quả nhiều nội dung quan trọng trong hợp tác, ký kết phát triển kinh tế - xã hội vùng như: Hợp tác Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Vùng Đồng bằng sông Hồng; Vùng Thủ đô Hà Nội; hợp tác với Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương. HĐND thành phố Hải Phòng đã quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án có ý nghĩa quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị kết nối giao thông liên vùng.
Chỉ trong vòng 6 năm, thành phố đã hoàn thành và đang tập trung triển khai xây dựng, cải tạo, nâng cấp hàng chục tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, cùng hơn 50 cây cầu các loại. Trong đó, nhiều tuyến đường, cây cầu kết nối giao thông liên vùng. Thành phố đang quyết tâm phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò cửa ngõ ra biển lớn của quốc gia, trung tâm kinh tế biển, công nghiệp hiện đại của cả nước; phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, một điểm không thể thiếu trong các hành lang kinh tế quan trọng liên kết nội vùng, liên vùng mà còn là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước.
Thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng
Tuy nhiên, Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh: giai đoạn vừa qua, không chỉ Hải Phòng, không chỉ Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng mà các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Vùng kinh tế - xã hội không phải là cấp hành chính, không là đối tượng được hệ thống pháp luật điều chỉnh nên việc ban hành cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển gặp nhiều khó khăn.
Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ. Hợp tác chủ yếu là song phương, thiếu các hợp tác đa phương.
Nguồn lực đầu tư cho các dự án liên kết vùng còn thấp; đóng góp từ ngân sách địa phương cho các dự án liên kết vùng gặp khó khăn do chưa phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do đó, việc triển khai các dự án có tính dẫn dắt, liên kết cấp vùng nhằm khai thác các lợi thế trong dài hạn và đối phó với các thách thức toàn vùng còn hạn chế.
Cơ chế giúp các địa phương chủ động liên kết, đầu tư
Để thành phố Hải Phòng nói riêng và các tỉnh, thành trong vùng nói chung tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh gắn với sự phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng đạt được kết quả cao, Thường trực HĐND thành phố Hải Phòng kiến nghị nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện thể chế, tổ chức, bộ máy, nguồn lực đủ mạnh để tăng cường liên kết phát triển vùng, tạo thành động lực tăng trưởng cho cả vùng. Sớm hoàn thiện quy hoạch vùng để định hướng cho các địa phương và trở thành công cụ quản lý vùng, địa phương. Có cơ chế, chính sách phù hợp với các địa phương giữ vai trò “đầu tàu”; có cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách phù hợp giúp các địa phương chủ động tham gia các hoạt động liên kết, đầu tư tại địa phương khác.
Kiến nghị Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Theo đó, sớm đầu tư tuyến đường sắt duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ra Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (bao gồm nhánh rẽ ra cảng Đình Vũ) để việc vận tải hành khách, hàng hóa được thuận lợi, hiệu quả hơn, giảm chi phí vận chuyển và giảm tải cho hệ thống đường bộ vốn đã rất quá tải. Nghiên cứu, triển khai mô hình cơ quan quản lý cảng biển phù hợp và thống nhất, phân định rõ vai trò, trách nhiệm giữa cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng biển; theo hướng cần tạo tính chủ động, sáng tạo, phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, trao đổi thông tin và xúc tiến, quảng bá giới thiệu các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu, cùng xúc tiến kêu gọi đầu tư, nhằm tránh cạnh tranh về giá thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng trong vùng, cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút lao động giữa các địa phương; đẩy mạnh hợp tác thu hút đầu tư giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng, đặc biệt là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, Khu Kinh tế Thái Bình để cùng liên kết, mở rộng không gian phát triển.