Hàng giả tràn lan trên khắp các sàn thương mại điện tử
Không khó để người tiêu dùng tìm thấy trên mạng món đồ hàng hiệu từ mỹ phẩm, thời trang, cho đến hàng điện tử, đồ gia dụng cao cấp với mức giá rẻ đến bất ngờ.
Nhiều cuộc kiểm tra, phát hiện bắt giữ nhiều tổng kho hàng lậu, hàng giả, hàng nhái bán qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử trong thời gian vừa qua cho thấy thủ đoạn của các đối tượng bán hàng rất tinh vi, nhiều thủ đoạn mới để qua mặt người tiêu dùng và lực lượng chức năng.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã phối hợp cung cấp thông tin cho Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường, công an các địa phương trên 300 trường hợp có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hoạt động các trang mạng, ứng dụng thương mại điện tử. Đồng thời, kiến nghị các sàn gỡ bỏ trên 14.000 sản phẩm và trên 4.300 gian hàng vi phạm.
Một thống kê khác của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, 50% số khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê cho biết, thời gian qua các hình hình thức gian lận trong mô hình thương mại truyền thống đã xuất hiện trên kênh thương mại điện tử. Chưa kể, mô hình thương mại điện tử không chỉ ở một nơi, mà đa quốc gia, lãnh thổ, lĩnh vực. Vì vậy, việc đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, xâm phạm bản quyền sẽ gặp nhiều khó khăn trên không gian mạng.
Lý giải cho thực trạng này, Giám đốc chiến lược sàn thương mại điện tử Vỏ Sò Vũ Anh cho rằng, Thực tế các sàn thương mại điện tử cố chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó. Vì thế, các sàn thương mại điện tử làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại sản phẩm, hàng hóa.
Điều này đã tạo ra tình trạng trong số các sản phẩm hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái. Thêm vào đó, có tình trạng mặc dù không phải là hàng giả, hàng nhái nhưng tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng không đảm bảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Kiểm soát từ đâu?
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, TS. Võ Trí Thành cho rằng, tình trạng hàng giả, nhái tràn lan trên thị trường còn gây xói mòn nguồn thu thuế.
“Không phải ngẫu nhiên chúng ta đang có những nỗ lực cải cách để thu thuế tốt hơn qua các giao dịch thương mại điện tử. Hàng lậu, nhái thường đi kèm với việc trốn thuế. Chưa kể những vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Có thể khẳng định, Nhà nước đang thu thì ít nhưng lại phải chi rất lớn cho việc chống hàng giả, hàng nhái này”, TS. Võ Trí Thành nhận định.
Ngoài ra, cũng theo TS. Võ Trí Thành, sự tồn tại của hàng giả, hàng nhái còn cản trở quá trình phát triển của nền kinh tế không tiền mặt. Ví dụ, nếu thiếu tin tưởng vào bên bán hàng, người dùng có xu hướng mong muốn nhận hàng rồi trả tiền nhiều hơn thay vì hoàn tất giao dịch trực tuyến ngay trên các nền tảng thương mại điện tử.
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam Nguyễn Đăng Sinh cho biết, tất cả những sản phẩm bị làm giả bao giờ giá cũng rẻ hơn hàng thật, vì chất lượng không kiểm soát được, giá đầu vào rẻ, đăng ký kinh doanh và thuế không có… Riêng về thuế đã thắng hàng thật rồi. Do vậy rất khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp e ngại không muốn phối hợp làm rõ việc sản phẩm bị làm giả. Với nhiều doanh nghiệp nhỏ, họ gặp rất nhiều khó khăn, vốn ít, ít hiểu biết về pháp luật và không biết đăng ký bản quyền. Doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng ủng hộ và định hướng trong việc làm sáng tỏ việc này để đảm bảo quyền lợi cho họ, để việc kinh doanh được thuận lợi.
“Hoạt động quản lý hàng nhái, hàng giả, hàng lậu trên thương mại điện tử rất khó và cần phải có những biện pháp nghiệp vụ mới điều chỉnh theo sự phát triển của thương mại điện tử”, ông Nguyễn Đăng Sinh nói.
Có thể thấy tình trạng hàng giả, hàng nhái được rao bán trên các sàn thương mại điện tử đang diễn ra một cách công khai và phức tạp. Để giải quyết vấn đề chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong không gian mạng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, người tiêu dùng. Đồng thời, cần có những quy định và chế tài mạnh mẽ hơn để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các sàn thương mại điện tử.