Tập trung gỡ “điểm nghẽn” thu hút đầu tư
Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu cho rằng, mặc dù năm 2022 môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, song việc triển khai một số dự án, công trình trọng điểm chưa đạt yêu cầu; công tác GPMB ở một số địa phương còn chậm, chưa xử lý kịp thời vẫn là “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Việc thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án mới cũng cản trở tới thu hút đầu tư trên địa bàn.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Xuyên (thị xã Phú Thọ), yếu tố then chốt đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển chính là làm tốt công tác GPMB, tạo mặt bằng sạch. Đây cũng là chìa khóa mở những “nút thắt” quyết định tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Do đó, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về kết quả công tác GPMB và phải xác định đây là nhiệm vụ chính, trọng tâm trong công tác hàng năm. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cấp, ngành trong thanh, kiểm tra, giám sát công tác GPMB, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm. Đồng thời, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư; huy động đa dạng các nguồn lực và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm trong công tác GPMB.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công, đại biểu Vương Đức Thủy (huyện Tam Nông) đề nghị tỉnh tập trung khai thác, huy động, lồng ghép nguồn lực của các cấp, ngành, các nguồn vốn hỗ trợ; bố trí vốn đúng mục tiêu, ưu tiên tập trung bố trí vốn để trả nợ đầu tư và chỉ khởi công mới các dự án cấp bách, thật sự cần thiết. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Tại các tổ thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị cần quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư, xử lý tạm ứng quá hạn, nợ xây dựng cơ bản và tiếp tục tăng cường quản lý, sử dụng đất đai. Trong đó, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch quy hoạch các dự án; sớm có hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 để có cơ sở triển khai đề án giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.
Đẩy mạnh quản lý ngân sách
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang, năm 2023, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tiếp tục xác định GPMB là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị trực tiếp chỉ đạo, chủ động phối hợp với các sở, ngành; làm việc trực tiếp, cụ thể với các chủ đầu tư, nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc phát sinh và chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn quản lý.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá cao công tác thu NSNN của tỉnh giữa bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, trong đó 13/16 chỉ tiêu thu đạt kế hoạch; cả 13 huyện đều hoàn thành thu NSNN, một số huyện đạt ở mức tương đối cao. Tuy nhiên, cơ cấu thu chưa bền vững. Đồng thời, công tác chống thất thu thuế hộ kinh doanh, lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử còn nhiều khó khăn, hạn chế. Do đó, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, nuôi dưỡng nguồn thu, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ đất…
Để tăng thu NSNN, thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hương (thành phố Việt Trì) cho rằng, bên cạnh tiếp tục thực hiện khâu đột phá về đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các cấp, ngành, địa phương cần làm tốt công tác lập dự toán thu NSNN, bảo đảm bao quát hết nguồn thu. Đồng thời, đẩy mạnh quản lý ngân sách và các biện pháp chống thất thu NSNN; tăng cường thanh, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thu ngân sách; thu dứt điểm các khoản truy thu, phạt thuế theo kết luận, kiến nghị của các đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán nhà nước. Ngoài ra, cần tăng cường, đổi mới nội dung và cách thức tuyên truyền về thu thuế; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; thực hiện tốt việc quản lý hóa đơn điện tử; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, đạo đức, phẩm chất, đề cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến thu, chi ngân sách.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu cho rằng, để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt ở mức cao nhất dự toán thu NSNN năm 2023, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý thuế; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, chống chuyển giá; chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử; kinh doanh cá thể, chuyển nhượng bất động sản; kiên quyết thu hồi các khoản nợ đọng thuế; rà soát, điều chỉnh các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế không còn phù hợp. Đồng thời, thực hiện tốt việc quản lý hóa đơn điện tử; tăng cường cải cách hệ thống thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ thuế…