![]() Cảnh trong vở chèo Oan khuất một thời Nguồn: qdnd.vn |
1. Chèo Hà Nội tuy sinh sau đẻ muộn so với các chiếng chèo khác, nhưng lại là chèo của đô thị, của thị dân, của trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao của cả nước, nên chèo Hà Nội là chèo của các ngôi sao tứ chiếng. Tức là nghệ sỹ chèo Hà Nội vừa là người tài danh của các chiếng chèo hội tụ lại, vừa là người có khả năng toàn tài mang phẩm chất “tứ chiếng” (đa tài, đa năng, đa vai). Vì vậy, thiếu các ngôi sao tứ chiếng, không thể là chèo Hà Nội.
2. Chèo Hà Nội là chèo chuyên nghiệp cấp cao, gồm các ngôi sao tứ chiếng “sinh tử vi nghệ”, được thể hiện tài năng ở một rạp khang trang tĩnh tại, hiện đại, với những trang phục, trang trí, âm nhạc, cơ sở kỹ thuật độc đáo, và những hình tượng sáng tạo đậm tính bác học, nhân văn, văn minh, thanh lịch, hấp dẫn. Không có tính chuyên nghiệp, hiện đại, bác học, nhân văn, văn minh, thanh lịch cao của nghệ thuật “vẫy gọi khán giả đến rạp mà xem” chứ không phải nghệ thuật “đi lưu động đến với khán giả mà diễn”, thì không phải là chèo Hà Nội.
3. Chèo Hà Nội là chèo của nghệ thuật tổng thể sinh động. Ở nó không chỉ có tự sự, trữ tình, mà còn có cả tính kịch; không chỉ có bi, hài, mà còn có cả chính kịch tâm lý xã hội, không chỉ có các làn điệu chèo, mà còn có cả dân ca, ca trù, xẩm, hát văn; không chỉ có nhạc tòng, mà còn có cả các loại nhạc sáng tác cho chủ đề, không khí, tiết tấu, tâm trạng… của tác phẩm. Không có phẩm chất của nghệ thuật tổng hợp - sinh động để có tính cạnh tranh cao thì không phải là chèo Hà Nội.
Đổi mới những đặc trưng, những nguyên tắc của chèo cổ để có được 3 đặc điểm mang giá trị truyền thống của chèo Hà Nội là nhu cầu tất yếu khách quan của hiện thực đô thị Hà Nội, của nhu cầu thẩm mỹ từ khán giả Hà Nội chứ không phải do ý muốn chủ quan của cá nhân hoặc tập thể nào. Lịch sử của chèo Hà Nội đã chứng minh: khi nào nghệ sỹ chèo Hà Nội bị ràng buộc quá chặt vào những nguyên tắc, đặc trưng chèo cổ trong sáng tạo thì phần lớn vở diễn sinh ra dễ bị khán giả thờ ơ, lạnh nhạt và vắng khách. Khi mà các nghệ sỹ chèo say đắm với đổi mới, cách tân theo 3 đặc điểm mang giá trị truyền thống của mình, thì nhiều tác phẩm ra đời thường được khán giả đón xem nồng nhiệt.
Mặt khác, 3 đặc điểm mang giá trị truyền thống của chèo Hà Nội không phải tự sinh ra để tự tồn tại bất biến, mà chúng luôn được kế thừa những tinh hoa của chèo cổ, của chèo tứ chiếng, của các loại hình nghệ thuật hiện đại khác để có những nội dung và hình thức mới, để được chuyển hóa theo sự chuyển hóa của lịch sử xã hội và đời sống tinh thần của nhân dân Hà Nội. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, 3 đặc điểm mang giá trị truyền thống ấy ở chèo văn minh, chèo cải lương đã không đồng nhất với chèo Lạc Việt, Kim Lan và với chèo cách mạng ở những năm 70 - 80 của thế kỷ XX. Có nghĩa là, 3 đặc điểm mang giá trị truyền thống của chèo Hà Nội vẫn luôn được các nghệ sỹ cách tân, đổi mới cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của khán giả theo tiến trình phát triển của lịch sử Thủ đô.