Động lực lớn cho doanh nghiệp
Thời gian qua hoạt động khuyến công đã mang hiệu quả rõ nét cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong việc tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2022 - 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang (Trung tâm) đã hỗ trợ được 13 cơ sở với tổng kinh phí 4,77 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng thiết bị trong sản xuất, và hỗ trợ 1 cơ sở công nghiệp là Chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1 Cụm Công nghiệp ở huyện Sơn Dương.
Năm 2024, Trung tâm đã tập trung triển khai thực hiện các đề án khuyến công quốc gia khi được Bộ Công Thương giao kế hoạch kinh phí. Tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 và các đơn vị liên quan để thực hiện các đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn. Trong đó ưu tiên các đề án ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, đề án trình diễn kỹ thuật, áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững....
Đối với khuyến công địa phương, Trung tâm đã và đang triển khai các nội dung hoạt động năm 2024 theo Chương trình khuyến công tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2024, Trung tâm đã phối hợp với Hộ Kinh doanh Nguyễn Văn Chiến thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất sản phẩm Ốc nhồi ống lam” với tổng kinh phí 277.230.000 đồng(kinh phí đề nghị khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ 100.000.000 đồng; nguồn vốn của đơn vị thụ hưởng 177.230.000 đồng).
Đề án đã sử dụng máy móc thiết bị tiên tiến mới 100% gồm 1 máy đóng gói gia vị; 1 Máy in phun LINX; 1 Băng tải Inox trong sản xuất sản phẩm Ốc nhồi ống lam. Khi đề án đi vào hoạt động cho công suất đạt được 1 tấn/ngày, tương đương khoảng 200 tấn sản phẩm/năm, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho gần 40 lao động với mức thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Theo đánh giá, đề án đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với lợi thế nguồn lao động địa phương, tiết kiệm thời gian, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động.
Tập trung vào các đề án chuyển đổi số
Bên cạnh những hỗ trợ thiết thực về các thiết bị công nghệ tiên tiến cho doanh nghiệp trong sản xuất, một trong những hoạt động được Trung tâm chú trọng đó là chuyển đổi số.
Thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số là phù hợp với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong quá trình chuyển đổi số, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo các gian hàng trực tuyến; lựa chọn công nghệ phù hợp, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tại doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả các giải pháp công nghệ thích ứng với nhu cầu chuyển đổi số hiện nay.
Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Na Hang Nguyễn Thị Hoàng Yến đánh giá, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện thời gian qua đã có sự thay đổi, một số Hợp tác xã đã đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, mở rộng thị trường trên nền tảng số. Thời gian tới, địa phương sẽ sớm triển khai những kiến thức phù hợp với tình hình thực tế địa phương, mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các đơn vị về lĩnh vực thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp về công tác chuyển đổi số. Qua đó, giúp các đơn vị tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ số, kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế; cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực.
Cũng theo Quản lý cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung Nguyễn Thị Ngọc, chuyển đổi số đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng tính minh bạch và hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế, so với bán hàng truyền thống trước đây thì chuyển đổi số đã mang lại hiệu quả cao cho đơn vị. Thông qua các phần mềm, các gian hàng trên nền tảng số, cửa hàng đã quản lý các đơn hàng, lượng khách hàng và thu chi hiệu quả giúp đơn vị vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực. Doanh thu của đơn vị cũng cải thiện đáng kể qua việc livestream bán hàng trên các kênh Facebook, Tiktok…
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn về nguồn nhân lực, chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ; các dự án chuyển đổi số bước đầu tốn nhiều kinh phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các đơn vị còn hạn chế.
Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, Trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành với các cơ sở công nghiệp nông thôn trong quá trình chuyển đổi số; tập trung tư vấn, cung cấp lộ trình chuyển đổi số đơn giản; giới thiệu các giải pháp mang tính ứng dụng cao, dễ triển khai giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả…
Nhằm góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, Sở Công Thương Tuyên Quang đề nghị, các cơ quan quan tâm, nghiên cứu bổ sung nội dung khuyến công hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, phát triển, áp dụng các giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh.