Đến 2030 đào tạo được 7.000 chuyên gia AI
AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững. AI, đặc biệt là AI tạo sinh (GenAI), đang tạo ra những đột phá chưa từng có, mở ra những khả năng vô hạn cho nhân loại.
Ở nước ta, Chính phủ đã nhận thức rõ tầm quan trọng của AI và đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ đã trình Thủ tướng “Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050”. Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có ít nhất 5.000 nhân sự trình độ kỹ sư trở lên có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Ứng dụng AI để phục vụ ươm tạo doanh nghiệp AI, hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng AI và đào tạo chuyên sâu về AI. Mục tiêu là đến 2030 đào tạo được 7.000 chuyên gia AI theo tiêu chuẩn quốc tế và ươm tạo khoảng 500 công ty khởi nghiệp AI. Đây là những bước đi hết sức chủ động nhằm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Việt Nam có thể dẫn đầu về AI trong khu vực
Ông Andrew Ure, Giám đốc Cấp cao Quan hệ Chính phủ và Chính sách công của Google Đông Nam Á, cho rằng, với dân số trẻ, yêu thích công nghệ và bối cảnh kỹ thuật số năng động, Việt Nam có vị thế tốt và nhiều tiềm năng để khai thác cơ hội từ AI và trở thành nước dẫn đầu về AI trong khu vực và thế giới.
Theo nghiên cứu của Google, tiềm năng từ AI tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên tới 1.890 nghìn tỷ đồng (79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030, nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi.
Tại hội thảo, các diễn giả cho rằng, để khai thác toàn bộ tiềm năng của AI, Việt Nam cần củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ đổi mới sáng tạo dựa trên AI, xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng ứng dụng AI, và gia tăng khả năng tiếp cận AI trong toàn nền kinh tế.
Đồng thời, để thu hẹp khoảng cách về kiến thức số và AI, giúp lực lượng lao động Việt Nam tận dụng hiệu quả AI và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tập trung vào việc giữ chân và phát triển tài năng trong nước bằng cách mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục số và đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo doanh nghiệp. Đặc biệt, cần ưu tiên phát triển lực lượng lao động số. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng số thông qua đào tạo chuyên sâu và ứng dụng công nghệ sẽ mở ra tiềm năng kinh tế lớn cho đất nước.
Cũng theo các chuyên gia việc áp dụng AI một cách an toàn và có trách nhiệm trong toàn bộ nền kinh tế và xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất, thu hút đầu tư và tạo ra việc làm trong các ngành công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn.
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, không có chiến lược AI nào phù hợp cho tất cả các quốc gia, địa phương và doanh nghiệp, nhưng công thức cơ bản để thành công là cần chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI, cũng như phát triển dữ liệu. Cụ thể, cần lan tỏa lợi ích của AI và thúc đẩy ứng dụng AI trong doanh nghiệp, người dân, khu vực công. Đồng thời, cần xác định những khâu, những quy trình có thể ứng dụng AI để tăng năng lực cạnh tranh, giảm giá thành; tổ chức bộ phận chuyên môn về công nghệ số và AI.