Những ngày này, Hà Nội rực rỡ sắc màu. Hệ thống thương mại Hà Nội với các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cũng được trang hoàng lộng lẫy với cờ, hoa và đèn lồng..., góp phần tạo nên diện mạo khang trang, lịch sự của Thủ đô. Thời gian qua, hệ thống thương mại Hà Nội đã có nhiều đổi mới, ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô với 76 trung tâm thương mại và siêu thị; trong đó có nhiều siêu thị nước ngoài như Metro, Big C và siêu thị trong nước như Fivimart, Intimex, Sai gon coop- mart, 160 cửa hàng tiện ích với quy mô lớn, tổng hợp và chuyên doanh, phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng của nhân dân. Bên cạnh đó còn có 380 chợ được thành phố phân hạng từ loại 1 đến loại 3, được xây dựng khang trang, tạo điều kiện mua sắm, trao đổi hàng hóa, cung ứng nguyên vật liệu cho sản xuất, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Hệ thống chợ nông thôn cũng được quy hoạch lại để đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân. Theo Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội Nguyễn Văn Đồng, lực lượng thương nhân hoạt động trên địa bàn Hà Nội tăng lên nhanh chóng, hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực đa dạng, đáp ứng nguồn cung hàng hóa ngày càng tăng của người dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa trung bình hơn 17.000 tỷ đồng/tháng. Đặc biệt, trong tháng 10 này, tổng mức lưu chuyển hàng hóa có thể sẽ cao hơn nhiều, mức giá có thể cũng sẽ biến động theo chiều hướng tăng. Do đó, Thành phố đã chỉ đạo làm tốt công tác dự trữ hàng hóa, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu; thực hiện nghiêm các biện pháp bình ổn giá để tránh xảy ra biến động lớn về giá cả trên địa bàn trong những ngày Đại lễ.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 9,5-10%, UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành tích cực triển khai Đề án và kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của Thủ đô, rà soát và cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh giảm, gọn nhẹ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển. Trong hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa, các doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới công nghệ, giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thông qua việc tạo lập kênh phân phối ở khu vực nông thôn, đi đầu là Tổng Công ty Thương mại Hà Nội. Các hình thức kinh doanh hiện đại cũng được triển khai mạnh ở các huyện, xã ngoại thành để người dân quen dần với phong cách mua bán hiện đại, giảm dần khoảng cách chênh lệch về thương mại giữa thành thị và nông thôn. Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Trần Mạnh Cảnh cho biết, Tổng công ty đã tăng cường đưa hàng về nông thôn để người dân tiếp cận với thị trường hàng hóa nhiều hơn. Hiện nay hàng do các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sản xuất đã có mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý nên người tiêu dùng khá ưa chuộng. Điều này đã góp phần phát triển hệ thống thương mại tiêu thụ hàng hóa của thủ đô, qua đó góp phần phát triển kinh tế thủ đô.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa của Hà Nội trung bình hiện nay đã lên tới hơn 17.000 tỷ đồng/tháng, đó là chưa kể tới những dịp lễ, tết. Đóng góp lớn cho hệ thống thương mại của Hà Nội phải kể tới sự năng động, nhanh nhạy của các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, giúp người tiêu dùng tiếp cận với các hình thức mua bán hiện đại, văn minh. Điều này cũng cho thấy thu nhập của người dân Thủ đô ngày càng cao. Cho đến thời điểm này, ngành thương mại Hà Nội đã tạm ứng cho các doanh nghiệp 210 tỷ đồng để triển khai bán hàng bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu tại 360 điểm trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những biện pháp bình ổn giá trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thời gian tới, Thành phố sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, lựa chọn phương án, sản phẩm, quyết định đầu tư sao cho hiệu quả, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân Thủ đô, đồng thời, góp sức thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế Thủ đô từ 9,5%- 10%...