Xây dựng phương án, kế hoạch sát thực tế
Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn tại các vị trí đường tràn trong mùa mưa lũ, bảo đảm giao thông thông suốt, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, từ năm 2021, UBND huyện đã triển khai đầu tư thay thế dần các đường tràn bằng hệ thống cống hộp khổ lớn. Tính đến hết năm 2022, huyện đã được phê duyệt xây dựng 24 cống hộp thay thế các đường tràn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện trong mùa mưa bão. Hiện, 15/24 công trình đã hoàn thành đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Năm 2023, huyện tiếp tục triển khai 33 dự án, công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, có 7 dự án giao thông, 13 dự án giáo dục và 13 dự án thủy lợi. Các công trình đã và đang được triển khai góp phần giảm thiểu nguy cơ sạt lở, lũ quét và ổn định đời sống người dân; ông La Văn Kha (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) cho biết: bên cạnh góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, các dự án này là “điểm tựa” vững chắc trong công tác phòng chống mưa bão, lũ lụt của địa phương.
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, thực hiện phương châm "phòng là chính, tích cực, chủ động ứng cứu nhanh, có hiệu quả", huyện Bình Liêu cũng tập trung xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, chủ động các biện pháp cấp bách để kịp thời ứng phó với thiên tai ngay từ đầu năm. Trong đó, tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; căn cứ nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị, địa phương xây dựng phương án và kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 bảo đảm sát với thực tế của địa phương và đơn vị.
Sẵn sàng xử lý các tình huống phát sinh
Ngay từ đầu mùa mưa lũ năm nay, các cơ quan đơn vị từ huyện đến cơ sở cũng thường xuyên kiểm tra địa bàn, nắm tình hình cơ sở, báo cáo chính xác thông tin và có kế hoạch di dời khẩn cấp hộ dân vùng nguy hiểm xảy ra sạt lở đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp bảo đảm công tác trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình, báo cáo kịp thời khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo 2 chiều từ huyện đến cơ sở. Ngoài báo cáo bằng văn bản, phải thường xuyên liên lạc trao đổi thông tin qua điện thoại, Zalo.
Cùng với đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp từ huyện đến cơ sở để bảo đảm thường xuyên liên tục; chủ động, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống thiên tai phát sinh. Huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trên địa bàn triển khai các phương án phòng chống mưa, lũ, sạt lở đất. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư thiết yếu và con người để tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Xuân Trường cho biết: dự báo tháng 8 là thời điểm rất dễ xảy ra mưa, bão với cường độ lớn, địa phương đã chỉ đạo các xã, thôn, bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, bão lũ. Chủ động máy móc, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng tập trung xử lý các tình huống. Đồng thời, yêu cầu, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị đang thi công các công trình xây dựng nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động các biện pháp phòng chống, bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, Đồn Biên phòng Hoành Mô bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng, chủ động phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.