
Peggy Hilt muốn trở thành một người mẹ tốt, nhưng cứ mỗi sáng tỉnh dậy cô lại có cảm giác chán nản và bất lực. Dù đã rất cố gắng nhưng Peggy không làm sao gần gũi được với Nina, bé gái 2 tuổi người Nga mà Peggy đã nhận nuôi từ khi mới lọt lòng. Cứ mỗi lần cô định ôm hay hôn Nina là con bé lại giãy nảy và khóc ầm lên, nhất quyết không cho cô chạm vào người. Con bé thường xuyên có những cơn giận dữ quá khích và có những hành động khá bạo lực với cô chị gái 4 tuổi cũng là một đứa trẻ được nhận nuôi từ Ukraina. Cứ mỗi khi mẹ Peggy không để ý là Nina lại phá hoại mọi thứ đồ đạc trong nhà. Con bé càng lớn thì tình hình càng tồi tệ hơn, khiến người mẹ nuôi ngày càng buồn phiền, suy sụp. Peggy thường xuyên uống rượu và do xấu hổ với mọi người vì đã không hoàn thành được vai trò người mẹ, cô đã không tâm sự với bất cứ ai, kể cả chồng, về những vấn đề của mình. Buổi sáng ngày 1.7.2005, Peggy vừa sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị cho chuyến picnic của gia đình vừa nốc bia liên tục. Những trò phá phách và thái độ lầm lì của Nina chỉ càng khiến cô nổi nóng thêm. Đỉnh điểm của sự việc là khi Nina tự cởi bỉm của mình ra và bôi đầy phân lên tường. Peggy nhớ lại: “Tất cả những gì tôi đã chịu đựng trong suốt một năm rưỡi qua bỗng ập đến, tôi hoàn toàn mất bình tĩnh và cảm thấy một cơn giận dữ không thể kiềm chế nổi lan tỏa khắp cơ thể”. Và thế là Peggy đã làm một việc không thể tưởng tượng nổi. Cô túm lấy cổ Nina, lắc dữ dội, ném con bé xuống đất, đá lia lịa vào người rồi lôi con bé lên gác và đấm thùm thụp vào bụng, vào lưng. Dù sau đó Peggy tỉnh ra và cảm thấy vô cùng tội lỗi về việc làm của mình, nhưng tất cả đã quá muộn. Sáng hôm sau, Nina lên cơn sốt bừng bừng và bắt đầu nôn ọe. Ngày tiếp theo, cô bé ngừng thở và đã chết trên đường đến phòng cấp cứu. Giờ đây, Peggy Hilt đang thụ án 19 năm vì tội giết người ở cấp độ 2 tại một nhà tù an ninh nhất ở bang Virginia. Cô nhận thức được sự dã man trong việc mình làm và không hy vọng nhận được sự thông cảm của mọi người: “Không có hình phạt nào đủ khắt khe cho những gì tôi đã gây ra”.
Câu chuyện của Peggy thật kinh khủng và hiếm có, nhưng đáng tiếc lại không phải là độc nhất vô nhị. Nhận nuôi một đứa trẻ nước ngoài thường là một việc làm mang lại hạnh phúc không chỉ cho đứa trẻ được nhận nuôi mà còn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Trong vòng 20 năm qua, việc nhận con nuôi nước ngoài đã trở nên ngày càng phổ biến và người Mỹ giờ đây mỗi năm đang nhận nuôi hơn 20.000 đứa trẻ từ Guatemala, Trung Quốc, Nga và nhiều quốc gia khác. Các cuộc nghiên cứu cho thấy phần lớn những đứa trẻ này có cuộc sống ổn định, nhưng không phải là không có những chuyện tiêu cực. Từ những năm 1990 đến nay, người ta đã thống kê được có tới 14 đứa trẻ người Nga bị chính bố mẹ nuôi sát hại. Dù không phải trường hợp rắc rối nào cũng dẫn đến bi kịch như ở trên, nhưng các bác sĩ cho biết ngày càng có nhiều cặp cha mẹ tìm đến nhờ họ tư vấn do quá bối rối trước cách cư xử của những đứa con nuôi. Và mặc dù các công ty tìm con nuôi có uy tín đang cố gắng cảnh báo khách hàng về rủi ro nhưng không phải lúc nào họ cũng thành công. Chuck Johnson, đại diện của Hội đồng Nhận Con nuôi Quốc gia cho biết: “Trước đây, các công ty có phần hơi dễ dãi nhưng nay thì chúng tôi yêu cầu họ phải đưa ra những thông điệp thực tế hơn cho các bậc cha mẹ”. Trong khi nhiều cặp vợ chồng có tìm cách chữa trị cho con nuôi, cũng có không ít người quyết định đầu hàng. Trong năm 2007, đã có hơn 100 đứa trẻ bị trả lại cho những người có trách nhiệm ở 14 bang của nước Mỹ.
Vậy nguyên nhân chính dẫn đến những câu chuyện buồn này là gì?. Rõ ràng, những đứa trẻ đáng thương đó không có lỗi, có trách thì phải trách các công ty môi giới đã không cung cấp đầy đủ thông tin cho các bậc cha mẹ và chính các bậc cha mẹ cũng không trang bị cho mình kiến thức cần thiết. Các vấn đề về xúc cảm hay thể chất của trẻ thường rất khó được phát hiện vào thời điểm nhận nuôi và xu hướng chung của các công ty môi giới là giấu diếm khách hàng. Đó là những gì đã xảy ra với Peggy Hilt, vợ chồng cô đã được công ty bảo đảm rằng bé Nina “rất xinh đẹp, đáng yêu và khỏe mạnh” trong khi rõ ràng là bé có những vấn đề về tâm lý. Nói vậy không phải là để bào chữa cho Peggy, nhưng giá như gia đình cô được biết trước về tình trạng của Nina để có cách giải quyết phù hợp thì có lẽ thảm kịch đã không xảy ra. Bên cạnh đó, bản thân những cặp vợ chồng có mong muốn nhận con nuôi cũng phải có ý thức tìm hiểu kỹ hơn về con trẻ. Nhà tâm lý học Karyn Purvis của trường đại học Texas Christian, một người chuyên nghiên cứu về vấn đề của trẻ được nhận nuôi cho biết: “Phần lớn các công ty tìm kiếm con nuôi đều không có các buổi huấn luyện cho khách hàng về căn bệnh tâm lý hay gặp ở những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Vì thế không có cách nào khác là các bạn phải tự trau dồi cho mình những kiến thức cần thiết. Nhiều cặp vợ chồng tốt bụng rất muốn tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của một đứa trẻ, nhưng để làm được điều đó thì ngoài tình yêu ra bạn còn cần phải có những phương pháp đúng đắn”. Peggy Hilt ước rằng cô đã nghe được những lời này từ nhiều năm trước: “Nếu khi đó tôi biết được những điều này thì cuộc sống chắc chắn đã khác với tôi và bé Nina”. Giờ đây, điều duy nhất cô có thể hy vọng là câu chuyện đau buồn của cô sẽ khiến những người có hoàn cảnh tương tự tìm kiếm sự giúp đỡ trước khi quá muộn.
Phạm Huyền Trang