Từng bước thích ứng
Bến Tre là địa phương nằm ở hạ lưu sông Mê Công, tiếp giáp với biển Đông với đường bờ biển dài trên 65km. Tỉnh có cao độ địa hình các vùng đất ven sông, ven biển thấp, cùng với hệ thống sông, rạch, kênh nội đồng dày đặc. Hơn nữa, kinh tế phát triển trên nền tảng sản xuất nông nghiệp là chính nên địa phương được đánh giá rủi ro cao do tác động bởi tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trong những năm qua, các đợt triều cường có xu hướng tăng ở mức cao, làm ảnh hưởng đến hàng chục km đê bao, bờ bao, đường giao thông nông thôn; gây ngập hàng trăm ha đất sản xuất, cây giống, ao nuôi thủy sản. Triều cường cao kết hợp nước biển dâng dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển gia tăng, gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của người dân.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, tình trạng nước mặn có khả năng xâm nhập vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 12.2024; ranh mặn sâu nhất mùa khô năm 2024 - 2025 có khả năng tương đương mùa khô 2022 - 2023; độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng 44 - 58km, độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông khoảng 53 - 72km.
Để phòng chống thiên tai nhằm hướng đến xây dựng cuộc sống an toàn, bền vững cho người dân, tỉnh Bến Tre đã và đang đề ra nhiều giải pháp chủ động phòng tránh, ứng phó. Theo đó, các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật các kế hoạch, phương án bảo đảm chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra, trọng tâm là chủ động ứng phó với hạn mặn và tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển phức tạp như hiện nay.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 được dự báo không ở mức gay gắt. Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn trong thời gian tới còn phụ thuộc vào sự biến động nguồn nước thượng nguồn sông Mê Công, nhu cầu sử dụng nước, tình hình hoạt động của gió mùa Đông Bắc, nên việc xâm nhập mặn vẫn còn biến động trong thời gian tới.
Hiệu quả từ các mô hình
Hiện nay, tại tỉnh Bến Tre có nhiều dự án thích ứng biến đổi khí hậu đã đem lại hiệu quả thiết thực, như: Nghiên cứu ứng dụng chất giữ ẩm và đề xuất kỹ thuật sử dụng cho đất trồng cây ăn trái; đánh giá thực trạng xâm nhập mặn vào đất và nước vùng cửa sông ven biển; đánh giá hiện trạng, dự báo biến động đường bờ biển tỉnh trong điều kiện nước biển dâng và các giải pháp phát triển bãi bồi thân thiện với môi trường; Triển khai nghiên cứu chế phẩm sinh học cải tạo, xử lý đất nhiễm mặn...
Bên cạnh đó, Bến Tre có nền sản xuất nông nghiệp rất đa dạng. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển mô hình "du lịch nông nghiệp", giúp người nông dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp kết hợp giải trí mang lại hiệu quả cao. Đây còn là giải pháp hữu hiệu để thích ứng với nước biển dâng, đồng thời nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, tiến tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Các huyện ven biển tỉnh Bến Tre đã tập trung phát động hình thành một số mô hình chuyên canh, xen canh phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng tiểu vùng, sản xuất theo công nghệ cao. Một số nơi đã thúc đẩy liên kết hình thành cánh đồng mẫu trồng lúa, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, xây dựng chuỗi giá trị thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giúp người nông dân tăng năng suất, ổn định giá cả đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, tỉnh tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến triều cường, mực nước trên các sông, kênh rạch, gió mạnh trên biển, để có phương án phòng tránh. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Đồng khởi mới" trong trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất. Đồng thời, tập trung hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với tình trạng nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Đặc biệt, tỉnh Bến Tre đã ban hành Nghị quyết phát triển tỉnh về hướng Đông với những nội dung trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện để phát triển tiềm năng, thế mạnh và vai trò, vị thế của kinh tế biển trong hiện tại và tương lai, nhất là địa phương với thế mạnh hơn 65km đường bờ biển để xoay trục phát triển về hướng Đông, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình hình xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền để phát triển bền vững địa phương trong trung và dài hạn.