Chiến sĩ mang quân hàm xanh
“Bên dòng Păng Pơi” kể câu chuyện của 60 năm trước, được tái hiện trong bối cảnh hoàn toàn khác nhưng vẫn sống động ý nghĩa về lực lượng chiến sĩ biên phòng. |
“Đường càng ngược lên biên giới dốc núi càng cao. Những tảng đá lớn có lớp rêu dày màu xám xỉn, ẩm ướt phủ kín, xếp chênh vênh trên lớp rễ cây của cánh rừng già. Thọ cùng hai đồng chí trong tổ cơ sở lách giữa các hẻm đá trèo dần lên đỉnh dốc…”. Mở đầu những trang viết “Bên dòng Păng Pơi” cũng là thước phim khơi mào cảm xúc về chiến sĩ mang quân hàm xanh Trần Văn Thọ, người đã ghi dấu trong lòng bà con dân tộc Hà Nhì một cách mộc mạc, sâu nặng ân tình.
Từ Đại hội chiến sĩ thi đua mừng ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang ngày 3.3.1962, Bác Hồ nghe báo cáo thành tích của các chiến sĩ thi đua. Bác đặc biệt lưu tâm bản báo cáo thành tích của liệt sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (tỉnh Lai Châu cũ, nay thuộc tỉnh Điện Biên), nơi tiếp giáp biên giới ba nước Việt - Trung - Lào. Những năm 1950 - 1960, đây là vùng núi non hiểm yếu, an ninh chính trị chưa ổn định. Thổ phỉ cát cứ các khoảnh rừng, tàn quân Tưởng dạt sang ẩn náu, quấy phá. Tầng lớp trên trong các bản làng đang hoành hành hà hiếp, bóc lột bà con, các sắc lính giặc bại trận ở Điện Biên chạy lên trốn tránh… Tại điểm non cao hiểm trở và đầy gian khổ, người lính trẻ Trần Văn Thọ bám trụ đến cùng để vận động bà con định canh định cư, làm nương bỏ tục canh tác chọc dùi nhọn xuống mái núi để đúc lúc trồng ngô, để bà con bỏ tệ nạn hút thuốc phiện, học văn hóa, xây dựng bản làng…
Cuối năm 1963, phóng viên Báo Công an vũ trang (nay là Báo Biên phòng) Trần Hữu Tòng được phân công lên vùng núi ba biên giới đó để tìm hiểu tài liệu, xây dựng lại hình ảnh liệt sĩ Trần Văn Thọ. Sống với tổ xây dựng cơ sở của Đồn Biên phòng trong bà con bản Hà Nhì, tác giả đã cùng các chiến sĩ “ba cùng” trong dân bản để tìm hiểu những việc liệt sĩ Trần Văn Thọ đã làm. “Tôi lên Lai Châu, đi bộ 14 ngày đường, ở đó 3 tháng, đến những nơi đồng chí Thọ đã đến, gặp những người đồng chí Thọ đã gặp. Tôi vào rừng, tận mắt nhìn hang ổ thổ phỉ, tiếp xúc với những người bị bọn phỉ lừa phỉnh, ép buộc đi theo nay đã trở về, ra những lũng núi nơi anh Thọ cùng với dân phát cây làm ruộng, hướng dẫn dân cày bừa làm hai vụ lúa. Tôi đã tận mắt nhìn thấy những đống bàn đèn, tẩu hút thuốc phiện dân đập phá vứt ở chân núi…”. Đó chính là sức nặng của hình ảnh, là sự thấm thía về tấm gương điển hình của lực lượng bộ đội biên phòng.
![]() Thực hiện một cảnh quay trong phim “Bên dòng Păng Pơi” |
Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp |
Những điều giản dị
Từ bài báo đầu tiên viết về liệt sĩ Trần Văn Thọ có tựa đề “Người lính biên phòng trọn đời trung với Đảng, hiếu với dân”, tác giả Trần Hữu Tòng phát triển thành cuốn “Trung với Đảng, hiếu với dân”, là hành trang theo ba lô của các chiến sĩ vào chiến trường suốt những năm 1965 - 1970. Năm 1972, anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ được dựng lại đầy đủ hơn với tác phẩm “Bên dòng Păng Pơi”, kể về năm tháng sống với bà con dân bản. Mấy chục năm trôi qua, chân dung ấy lại tiếp tục được khắc họa sinh động dưới góc nhìn mới của điện ảnh.
Ngày 12.9 vừa qua, bộ phim “Bên dòng Păng Pơi” được nhà văn Trần Hữu Tòng và gia đình trao tặng cho Bộ Tư lệnh Bộ Quốc phòng. 90 phút phim diễn tả chân thực, sinh động chân dung người anh hùng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là bộ đội biên phòng. Tinh thần “trung với Đảng, hiếu với dân” được truyền tải thông qua câu chuyện về 3 chiến sĩ trong những tháng ngày khó nhọc ở Leng Su Sìn. Trong ba người ấy, chỉ một người trở về xuôi, một người vĩnh viễn nằm lại vùng núi non đúng độ tuổi sung sức của cuộc đời, đó là liệt sĩ Trần Văn Thọ (1935 - 1961).
Trung tá, NSƯT, đạo diễn Phạm Lê Nam cho biết, bộ phim khai thác câu chuyện giản dị nhưng đầy ấn tượng, toát lên tinh thần mộc mạc, ân tình của chiến sĩ biên phòng lúc đó. Như chi tiết chiến sĩ Thọ có đôi nhung hươu, dự định mang về biếu bố mẹ, nhưng đã quyết định bán đi để mua lưỡi cày cho bà con. Hay tình cảm giữa anh với cô gái Chu Chà Me cũng được khai thác, thể hiện sự chân thành, gắn bó quân - dân. Phim kết thúc với hình ảnh chiến sĩ Thọ chống chọi với cơn sốt rét, trút hơi thở cuối cùng trong căn nhà của Chu Chà Me, trong vòng tay của người dân Hà Nhì… “Sống bảo vệ Tổ quốc, yêu thương đồng bào. Những điều ấy bây giờ, nhiều khi thế hệ mình suy nghĩ phức tạp, đao to búa lớn hơn, nhưng thực ra, tinh thần người chiến sĩ lúc ấy giản dị như thế”, đạo diễn Phạm Lê Nam nói.
“Tôi may mắn sinh ra, lớn lên ở Điện Biên - mảnh đất mà anh hùng Trần Văn Thọ đã có những năm tháng sống và cống hiến. Khi nhận lời vào vai Chu Chà Me, tôi cũng đã tìm hiểu về sinh hoạt, lối sống của đồng bào Hà Nhì thời đó, và nhân vật mà tôi thể hiện. Tham gia bộ phim, tôi hiểu được sự hy sinh, tận tâm của anh hùng Trần Văn Thọ đối với đồng bào Hà Nhì một thời gian khó; tình quân - dân sâu nặng, cũng như nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, bản làng phát triển của bà con ở nơi biên giới xa xôi”. Chia sẻ của Lê Nguyễn Phương Anh cũng là suy nghĩ chung của các diễn viên, ê kíp làm phim “Bên dòng Păng Pơi”.
Câu chuyện của 60 năm trước được tái hiện trong bối cảnh hoàn toàn khác nhưng tình cảm của con người dường như vẫn thế. Thế nên suốt mấy mươi năm qua, bên dòng Păng Pơi, người ta vẫn nhắc về cuộc sống của người Hà Nhì những ngày biến cố, nhắc về ân nghĩa của chiến sĩ biên phòng với bà con. Hình ảnh dòng suối lặp đi lặp lại trong phim, chứng kiến toàn bộ cuộc sống của làng bản. Dòng suối ấy vẫn chảy nhưng cuộc sống của người Hà Nhì đã khác nhiều, các chiến sĩ biên phòng cũng ngày càng vững vàng trong lòng nhân dân biên giới.