Xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung
Theo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, hiện tỉnh có 20 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện và tư nhân đã triển khai mô hình xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung; hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đã ký hợp đồng với Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, do Công ty TNHH Môi trường Phú Hà thực hiện và Công ty CP Sara Phú Thọ để "xử lý rác thải y tế tập trung bằng công nghệ đốt áp suất âm không khói” tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh.
Những năm qua, Sở chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên rà soát bổ sung các thủ tục về bảo vệ môi trường như đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; xin cấp phép xả nước thải vào môi trường. Các bệnh viện, Trung tâm y tế đã có Đề án bảo vệ môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường của đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện tốt công tác quản lý chất thải rắn y tế quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT về quản lý chất thải y tế, không để tình trạng lọt chất thải rắn y tế nguy hại ra ngoài gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến người dân; vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý chất thải rắn. Sở cũng tổ chức phổ biến, hướng dẫn kịp thời các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế cho cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện.
Các bệnh viện công lập đã cử cán bộ tham gia tập huấn sử dụng phần mềm quản lý chất thải y tế cho cán bộ làm công tác quản lý, vận hành xử lý chất thải y tế do Cục Quản lý Môi trường y tế tổ chức. Thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ và báo cáo quán lý chất thải y tế cho cơ quan quản lý theo các quy định hiện hành của pháp luật. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh nhiều, Sở Y tế luôn quan tâm công tác chỉ đạo điều hành về công tác quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường, góp phần vào công cuộc chống dịch của tỉnh.
Còn không ít khó khăn
Đại diện Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy chia sẻ, hiện các đơn vị gặp khó khăn về kinh phí khi thực hiện xử lý chất thải y tế. Đặc biệt, đối với các đơn vị tuyến huyện khi đang thực hiện tự chủ, nên kinh phí rất hạn hẹp. Đơn cử, theo quy định chất thải y tế nguy hại, thời gian lưu trữ trong kho lạnh là 7 ngày, thời gian rất ngắn để xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế đối với cơ sở tuyến huyện trung bình phát sinh 50kg/ngày, tính một tuần tương đương với 300 - 350kg chất thải y tế. Số lượng quá ít sẽ không thuận lợi bàn giao cho đơn vị xử lý khi phí vận chuyển và phí xử lý chất thải rất cao. Đối với chất thải rắn, mặc dù được đầu tư hệ thống xử lý theo cụm, song, trong quá trình vận hành chưa thể xử lý được như cao su, kim loại, bột bó gãy xương, bỉm… Do đó, các đơn vị vừa phải xử lý tại cụm vừa phải thuê đơn vị khác xử lý, nên gặp không ít khó khăn và kéo theo kinh phí đội lên nhiều…
Các cơ sở y tế cho rằng, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên một số nội dung chưa rõ và khó khăn khi thực hiện. Các đơn vị đề xuất, cần bổ sung danh mục về rác thải y tế thông thường, bao gồm, các bao gói, bơm tiêm, dây truyền, các loại ống thông; bỉm phát sinh tại cơ sở y tế không có dịch, máu người bệnh… để các đơn vị xử lý chất thải có căn cứ thực hiện nhằm giảm thiểu số lượng chất thải y tế nguy hại. Bổ sung phụ lục hướng dẫn xử lý vỏ lọ thuốc, chai dịch truyền có pha thuốc trong việc tái chế và xử lý sơ bộ chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao trước khi thu gom về khu lưu giữ tại đặc biệt là chất thải liên quan đến dịch bệnh.
Mục d, khoản 1 Điều 7 của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT không quy định cụ thể về làm sạch, khử khuẩn. Trong đó có nội dung hóa chất làm sạch, khử nhiễm, nồng độ, thời gian tiếp xúc… đối với thùng, hộp đựng chất thải có thể tái sử dụng theo mục đích lưu chứa sau khi đã làm sạch và để khô. Thực tế đó đòi hỏi phải có quy định điều chỉnh thời gian lưu trữ chất thải y tế nguy hại trong kho lạnh theo số lượng, để việc lưu trữ, bàn giao vận chuyển, xử lý của các bên liên quan thực hiện đúng quy định, nhằm giảm chi phí vận chuyển xử lý và việc làm đối với các đơn vị. Đồng thời, bổ sung nội dung các sự cố do chất thải y tế gây ra như các phương pháp dự phòng và xử lý sự cố. Quy định riêng việc phân loại, thu gom xử lý chất thải y tế đối với các phòng khám y tế tư nhân và các trạm y tế xã, phường, thị trấn để bảo đảm thu gom xử lý triệt để, tuy nhiên, cần quan tâm lượng chất thải y tế phát sinh ít chỉ từ 0,2 - 0,5kg/ngày/trạm hay nhiều trạm y tế xã cách xa Trung tâm y tế...
Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị y tế trong tỉnh luôn không ngừng nâng cao trình độ, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới thái độ phục vụ, bệnh viện luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, bởi bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ người bệnh và bảo vệ cho chính mình. TTYT huyện Hạ Hòa cho biết, ban lãnh đạo đã quán triệt đội ngũ y tế luôn đề cao công tác quản lý chất thải y tế. Kể từ khi Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế được ban hành, có hiệu lực từ ngày 26.11.2021 đơn vị đã quán triệt theo thông tư mới nhất và giao cho khoa, phòng chuyên môn phụ trách kiểm soát từ khâu phân loại đầu nguồn đến nơi tập kết rác thải. Đơn vị đã nỗ lực đầu tư, dành kinh phí cho việc bảo dưỡng, duy trì hệ thống xử lý chất thải y tế, đồng thời kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn sâu về bảo vệ môi trường với mục đích mang lại hiệu quả cao nhất.