Đó là điểm nhấn nổi bật qua hơn một năm thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Long An Khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đối với nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND tỉnh.
Gắn quá trình thẩm tra với hoạt động giải trình
Trong chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa linh động gợi ý, mời các cơ quan liên quan tham gia trả lời, tạo không khí cởi mở để đại biểu HĐND tỉnh phát huy vai trò của mình, hướng tới mục tiêu cuối cùng của phiên chất vấn là “nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân hưởng thụ thật”. Thư ký kỳ họp tổng hợp và hoàn chỉnh Nghị quyết về hoạt động chất vấn của kỳ họp để HĐND tỉnh thông qua vào cuối kỳ họp. Nghị quyết mang tính chất khung, là các nội dung trọng tâm theo Kết luận của Chủ tọa phiên chất vấn. HĐND tỉnh giao Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh Nghị quyết chất vấn để ban hành; các Ban, Tổ đại biểu HĐND tích cực, trách nhiệm theo dõi, giám sát đảm bảo Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét sau chất vấn.
Thường trực HĐND tỉnh Long An chủ động chỉ đạo xây dựng Chương trình ban hành Nghị quyết toàn khóa, hàng năm, trình HĐND tỉnh xem xét thông qua để chủ động trong công tác chuẩn bị, phối hợp “từ sớm, từ xa” với các cơ quan liên quan. Chỉ đưa vào chương trình kỳ họp HĐND tỉnh xem xét, quyết định những vấn đề đã có trong Thông báo nội dung kỳ họp và được chuẩn bị bảo đảm chất lượng, quy trình (trừ những vấn đề đột xuất, cấp bách hoặc chấp hành theo chủ trương, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền).
Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban của HĐND tỉnh chủ động nghiên cứu các chính sách, pháp luật, mô hình hay và nắm bắt thực tế đời sống địa phương để sẵn sàng tham gia chuẩn bị nội dung kỳ họp; có kế hoạch, lộ trình chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thẩm tra các dự thảo nghị quyết bảo đảm 4 bước khép kín: (1) Thẩm tra để xây dựng chương trình ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh hàng năm; (2) Thẩm tra để đưa vào chương trình kỳ họp; (3) Thẩm tra để giúp Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh tham gia họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến; (4) Thẩm tra để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp. Đồng thời, phải gắn quá trình thẩm tra với hoạt động giải trình của Thường trực HĐND để làm rõ, tạo sự đồng thuận trước khi đưa ra HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Chú trọng tổ chức họp Cụm Tổ đại biểu HĐND tỉnh luân phiên tại các địa phương cấp huyện để thảo luận nội dung kỳ họp sau tiếp xúc cử tri và trước kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh; thành phần mở rộng đến lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ và các phòng, ban cấp huyện. Trường hợp có nội dung liên quan đến đối tượng khác sẽ mời thêm đối tượng đó để tham vấn, thảo luận sâu, kỹ. Việc thảo luận theo Cụm Tổ đại biểu trước kỳ họp giúp thời gian thảo luận của đại biểu được nhiều hơn (không chỉ bó hẹp trong một kỳ họp), thành phần tham dự không bị hạn chế như thảo luận Tổ tại kỳ họp; bảo đảm đại biểu HĐND tỉnh thảo luận đủ các nội dung (dù có gửi trễ); việc thảo luận được tập trung hơn, có nhiều ý kiến đóng góp phong phú, sôi nổi, sát thực tiễn hơn.
Bảo đảm chất lượng các quyết sách
Trước kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Long An tổng hợp ý kiến cử tri, ý kiến thảo luận Tổ liên quan đến dự thảo nghị quyết gửi UBND tỉnh và cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết để có nhiều thời gian nghiên cứu, tiếp thu giải trình đầy đủ, thỏa đáng. Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh chỉ tổng hợp các vấn đề còn có ý kiến khác nhau (qua thảo luận Cụm, qua giải trình của cơ quan soạn thảo) và những nội dung mới bổ sung, cập nhật chưa được thảo luận tại Cụm để gợi ý, đưa ra thảo luận tập trung tại hội trường sau khi UBND tỉnh và cơ quan liên quan có báo cáo tiếp thu, giải trình. Chủ tọa kỳ họp chủ động gợi ý để đại biểu HĐND tỉnh có chuyên môn liên quan tham gia thảo luận trước, tạo không khí để các đại biểu khác cùng tham gia.
Những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau và khó có sự bổ sung, hoàn chỉnh, tạo sự thống nhất, Chủ tọa xin ý kiến thảo luận lần đầu để hoàn chỉnh, lần sau xem xét thông qua (điều chỉnh chương trình thông qua nghị quyết). Đối với các nội dung thảo luận tại kỳ họp chưa được UBND tỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ, HĐND tỉnh giao Thường trực, các Ban HĐND tỉnh tiếp tục phối hợp UBND tỉnh, các cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ để trình tại kỳ họp sau. Với cách làm chặt chẽ trên, khắc phục tình trạng ban hành nghị quyết không bảo đảm chất lượng.
Việc thông qua nghị quyết thực hiện theo nhóm. Riêng đối với dự thảo nghị quyết nào khi thông qua có ý kiến khác thì tách ra để biểu quyết riêng từng nghị quyết. Như vậy vừa bảo đảm dân chủ, vừa tiết kiệm thời gian thông qua, dành thời gian cho thảo luận để nâng cao chất lượng kỳ họp.