Tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã cập nhật những nội dung được tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); đồng thời chia sẻ những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: các nhóm hành vi bạo lực; chính sách hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống bạo lực; cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã; biện pháp phục vụ cộng đồng… Đây cũng là những nội dung nhận được nhiều ý kiến của các đại diện đến từ các UBND tỉnh, HĐND, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Góp ý vào quy định tại Khoản 2, Điều 3 về các nhóm hành vi bạo lực, Phó trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, việc quy định cụ thể theo hướng liệt kê là không khả thi, vì không thể liệt kê hết, càng liệt kê càng thiếu. Bởi, thực tế cuộc sống luôn phát sinh những hành vi mới. Đồng tình với ý kiến của bà Liên, nhiều đại biểu cũng có rằng, cần làm rõ tính chất, mức độ của từng hành vi để xác định là hành vi bạo lực, để dễ áp dụng, thực thi. Đại diện Ban soạn thảo cho biết, để xác định rõ hơn, thuận tiện hơn trong quá trình thực thi pháp luật, Dự thảo đã bổ sung quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết Khoản 2, Điều 3.
Liên quan đến quy định bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình (Điều 24, Dự thảo), Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Hồ Sỹ Niêm cho rằng, biện pháp này hoàn toàn phù hợp với chức năng của công an cơ sở, khi nhận được tin báo tố giác tội phạm thì công an cơ sở trong phạm vi quyền hạn, chức năng của mình xác định mức độ, tính chất của hành vi bạo lực gia đình để áp dụng các văn bản pháp luật chuyên ngành liên quan. Việc quy định rõ biện pháp nêu trên sẽ tạo điều kiện cho lực lượng này tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình – vốn là một việc thường xảy ra ở địa bàn.
Quá trình sửa đổi Phòng, chống bạo lực gia đình cho thấy, việc sửa đổi, tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát những quy định về quyền con người và cách tiếp cận lấy người bị bạo lực là trung tâm; đồng thời bổ sung các hình thức bạo lực khác đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra bên ngoài bối cảnh gia đình. Từ đó, cung cấp các dịch vụ toàn diện, thiết yếu bao gồm chăm sóc y tế, tư vấn, bảo vệ của lực lượng công an, dịch vụ xã hội và tư pháp; đặc biệt là những đề xuất nhằm góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi thực sự hành vi của cộng đồng. Đặc biệt, những bài học kinh nghiệm quốc tế và những mô hình hiệu quả của các quốc gia như Australia, Canada, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Tây Ban Nha cũng đã được xem xét tiếp cận trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara nhấn mạnh, liên quan đến biện pháp hòa giải, chúng tôi kiến nghị là tất cả những ai tham gia quá trình hòa giải cần phải hiểu rõ phương pháp tiếp cận lấy người bị bạo lực là trung tâm và cần phải được tập huấn thường xuyên để nâng cao kỹ năng và kiến thức tư vấn nhằm đảm bảo việc hòa giải được thực hiện hiệu quả. Đồng thời, chúng tôi cũng vận động Chính phủ đưa ra những chính sách tạo môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân, bao gồm cả các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng cùng tham gia đóng góp phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình. Điều quan trọng là chính phủ cần xây dựng những tiêu chuẩn và điều kiện mà các tổ chức xã hội cần phải đáp ứng để được nhận sự hỗ trợ về luật pháp và tài chính từ Chính phủ để cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.