Tự ý bỏ thuốc điều trị tiểu đường do nóng trong người
Khai thác tiền sử bệnh nhân, bà M (72 tuổi, Bác Liêu) cho biết bị tiểu đường hơn 4 năm nhưng điều trị không thường xuyên. Hơn một tháng trước, bà thấy nóng trong người, nghĩ do thuốc tiểu đường nên tự ngưng thuốc.
Qua đó, bà tìm đến cơ sở bấm huyệt gần nhà để điều trị mỗi ngày. Ba tuần sau, bà thấy người ớn lạnh và lên cơn sốt kèm sưng đau vùng bắp đùi và cánh tay. Mặc dù, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, người mệt nhiều, ăn uống kém.
Bà được con đưa tới bệnh viện gần nhà. Sau 2 tuần, bà được xuất viện nhưng chỉ sau vài ngày, cánh tay và bắp đùi của bà lại sưng đau trở lại, gia đình đưa bà tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.Hồ Chí Minh.
Tại đây, sau 2 tuần điều trị, vết thương ở bắp tay trái và bắp đùi bên phải lành tốt, bà M được ra viện.
Ths.BS Trần Đình Mạnh Long, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.Hồ Chí Minh cho biết: Bà M. nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, li bì, ăn uống kém, cánh tay và bắp đùi bên trái đau nóng nhiều và sưng to khiến bà M. không vận động được.
Đường huyết đo lúc nhập viện hơn 400 mg/dL, cao gấp 4 – 5 lần bình thường. Riêng chỉ số xét nghiệm HbA1c (chỉ số đường huyết trung bình trong 3 tháng) lên tới hơn 10% (chỉ số bình thường <5.7%).
Bác sĩ Long cho biết thêm, bà M. cảm giác mệt mỏi, li bì do nhiễm trùng nặng tạo 2 ổ áp xe lớn ở cánh tay và đùi. Nếu không điều trị kịp thời có nguy cơ rơi vào bệnh cảnh sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Ekip phẫu thuật tiến hành, dùng kháng sinh mạnh phổ rộng, kiểm soát đường huyết tích cực bằng insulin và mổ cấp cứu nhằm cắt lọc, dẫn lưu mủ ra ngoài.
Vết mổ dài hơn 20cm ở mỗi vị trí nhiễm trùng để lộ rộng ổ áp xe, giúp bác sĩ phẫu thuật viên có thể tháo sạch mủ và loại bỏ các mô hoại tử. Sau gần 2 giờ phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, tổng lượng mủ tháo được hơn nửa lít.
Sau khi tình trạng nhiễm trùng ổn định, bác sĩ chỉ định đặt máy hút áp lực âm, giúp thúc đẩy nhanh quá trình lành vết thương của bà M.
Song song với đó, bà M. được tư vấn và thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp để vừa kiểm soát tốt đường huyết, vừa đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng phục hồi sau giai đoạn nhiễm trùng nặng, dinh dưỡng kém kéo dài.
Người bệnh được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu để tránh teo cơ do nằm nhiều ngày. Sau hơn 2 tuần nằm viện, tình trạng bà M. ổn định, đường huyết được kiểm soát, vết thương lành tốt nên bà được ra viện.
Người bệnh tiểu đường dễ mắc nhiễm trùng
Bác sĩ Trần Đình Mạnh Long cho biết, khi đường huyết cao sẽ gây rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể, tức là khả năng chống lại vi khuẩn sẽ kém hơn, người bệnh dễ bị nhiễm trùng dù chỉ một vết thương nhỏ.
Ngoài ra, bệnh đái tháo đường còn gây các biến chứng mạn tính ở mạch máu và thần kinh trong cơ thể, điều đó dễ gây nhiễm trùng và các biến chứng khác như: mù mắt, suy thận nặng phải chạy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Trường hợp bà M. tự bỏ thuốc điều trị khiến lượng đường huyết tăng cao, kèm theo việc bấm huyệt có khả năng làm xây xước trên da, từ đó gây nhiễm trùng nặng, có thể đưa đến nhiễm trùng máu.
Bác sĩ Trần Đình Mạnh Long khuyến cáo, để phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng ở người bệnh tiểu đường, cần theo dõi đường huyết thường xuyên, thực hiện đúng chế độ ăn uống mà bác sĩ khuyến cáo, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và tuân thủ liệu trình điều trị cũng như tái khám đều đặn.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần kiểm tra cơ thể thường xuyên (thường là lúc đi tắm), đặc biệt ở vùng bàn chân và cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày để tránh các vết thương xây xát trên da vì đó có thể là nơi các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Nếu không may bị thương, người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ, giữ vết thương khô, không tự ý bôi thuốc. Đồng thời, vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc chậm lành, người bệnh cần đến bệnh viện sớm để được điều trị phù hợp.