Về áp dụng luật (Điều 4)
Đoạn 2 Khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật quy định “Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề và việc áp dụng quy định đó thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ.”
Quy định này vừa không phù hợp với các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vừa gián tiếp giao thẩm quyền áp dụng pháp luật cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Và nếu Quốc hội chấp nhận thẩm quyền này thì từ nay về sau, tất cả các luật, nghị quyết của Quốc hội, nếu có những quy định khác với Luật Thủ đô (như dự thảo Luật quy định) thì UBTVQH đều phải quyết định việc áp dụng.
Cần chú ý, Luật Thủ đô là luật tổng hợp tất cả các luật (trừ Bộ luật hình sự ít liên quan) để thi hành cho một địa phương là Hà Nội. Vì thế, theo quy định của dự thảo Luật thì UBTVQH sẽ phải nhận thêm một khối lượng công việc thường xuyên, rất lớn, rất phức tạp. Vì vậy, đề nghị xem xét, cân nhắc kỹ quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 4 nêu trên.
Tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Luật quy định “Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao hoặc văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì áp dụng văn bản quy định chi tiết, văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô”.
Dự thảo Luật đã đưa ra quy định thực hiện pháp luật “đặc thù” là ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật do cơ quan cấp dưới ban hành khi có quy định khác với quy định của văn bản pháp luật do cơ quan cấp trên ban hành. Hơn nữa, dự thảo Luật cũng chưa nêu rõ trong trường hợp có quy định khác với văn bản do cơ quan cấp trên ban hành là Hiến pháp thì thực hiện theo quy định nào? Như vậy, quy định tại khoản 3 Điều 4 nêu trên không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Việc quy định như dự thảo Luật sẽ tạo ra tiền lệ là văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý thấp thì được ưu tiên áp dụng hơn so với văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Đây là một quy định không hợp lý, không nên có.
Về cơ cấu, tổ chức chính quyền thành phố
Tại Điều 9 dự thảo Luật quy định, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội là 125 người (tăng 20 đại biểu so với quy định tại Điều 39 Luật Tổ chức chính quyền địa phương), so sánh tương tự như vậy, số lượng thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân 11 người (tăng 3), số Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân không quá 3 người (tăng 1), số Ban của Hội đồng nhân dân là 6 Ban (tăng 2 Ban); số Phó ban chuyên trách của mỗi Ban không quá 2 người (hiện tại là 8, sẽ tăng thêm 4 là 12).
Dự thảo các quy định nêu trên cần được rà soát lại để không mâu thuẫn nhau. Ví dụ, dự thảo quy định, “Số lượng thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định”. Riêng việc này không nên quy định khác với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Khoản 2, Điều 39 Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định “cứng” là, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Phó Chủ tich Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân và Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương. Theo dự thảo, sẽ có 6 Trưởng ban và 1 Chánh văn phòng, tức là có 7 Ủy viên (thành viên). Vây, Hội đồng nhân dân thành phố còn gì phải quyết? Nếu quyết nhiều hơn thì lấy vào thành phần nào? Chắc không thể lấy trong số đông đại biểu không giữ chức vụ gì; nếu lấy trong số các Phó trưởng ban hay Tổ trưởng Tổ đại biểu của Hội đồng nhân dân thành phố thì tiêu chí nào để lựa chọn? Do vậy, giữ như quy định “cứng” của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là hợp lý.
Nếu liên hệ với Quốc hội để làm sáng tỏ thêm, thì Luật Tổ chức Quốc hội không quy định Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đương nhiên là thành viên UBTVQH. UBTVQH còn có các Ban chuyên môn nghiệp vụ. Do đó Quốc hội phải quyết định số lượng thành viên UBTVQH và Quốc hội bầu. Tổng Thư ký Quốc hội cũng do Quốc hội bầu và đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Thực ra việc tăng số lượng đại biểu dân cử hoạt động chuyên trách là phải căn cứ chủ yếu vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan dân cử, căn cứ khối lượng công việc thực tế và yêu cầu nâng cao chất lượng công việc. Hội đồng nhân dân không phải làm Hiến pháp, không phải xây dựng luật (là loại công việc rất lớn, rất nặng, chiếm rất nhiều thời gian) nên việc tăng số lượng đại biểu nói chung, đại biểu hoạt động chuyên trách nói riêng của HĐND cũng phải hợp lý.
Về thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (các Điều 8, 11 và 12)
Đây là vấn đề mới và đặc thù của Thủ đô. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thì tổ chức chính quyền ở nước ta có 3 dạng (loại): Chính quyền địa phương ở nông thôn; Chính quyền địa phương ở đô thị; Chính quyền địa phương ở hải đảo. Đặc thù của Thủ đô là có cả chính quyền đô thị và có cả chính quyền ở nông thôn. Chính quyền ở nông thôn có 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Chính quyền đô thị được phân ra, chính quyền thành phố trực thuộc Trung ương; chính quyền ở quận; chính quyền ở thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (viết gọn là thành phố thuộc thành phố); và chính quyền ở phường. Theo Điều 11 và Điều 12 dự thảo Luật Thủ đô thì tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của quận, thị xã và thành phố thuộc thành phố hoàn toàn như nhau. Điều này đặt ra một số vấn đề cần được làm rõ:
Một là, Thành phố thuộc thành phố, thị xã và quận có phải cùng cấp chính quyền là cấp quận không? Nếu phải (cùng là cấp quận) thì ý nghĩa của việc lập thành phố thuộc thành phố như thế nào? Nếu không phải thì chính quyền thành phố thuộc thành phố có là một cấp không? (tức là Thủ đô có 4 cấp chính quyền?).
Hai là, cũng theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND tỉnh có 9 nhiệm vụ; UBND tỉnh có 8 nhiệm vụ. HĐND thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài việc thực hiện 9 nhiệm vụ như HĐND tỉnh còn phải thực hiện 4 nhiệm vụ riêng có của thành phố. UBND thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài việc thực hiện 8 nhiệm vụ như UBND tỉnh còn phải thực hiện thêm 3 nhiệm vụ riêng có của thành phố. Vậy HĐND và UBND thành phố thuộc thành phố có quyền hạn, nhiệm vụ gì khác với HĐND và UBND cấp huyện không? - Chắc chắn là có, vì chỉ riêng về công tác quản lý, giữa quản lý thành phố và quản lý nông thôn đã khác nhau nhiều mặt...
Những vấn đề trên đề nghị cần được làm rõ và thể hiện trong Dự thảo Luật.
Về chính sách xã hội (Điều 27)
Trước hết, tên của Điều này cần được chuẩn xác lại. Trong hệ thống chính sách xã hội có nhiều chính sách cụ thể, trong đó có chính sách an sinh xã hội, chính sách phúc lợi xã hội... như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, an ninh con người” (tập I, trang 47). Vì vậy, đề nghị tên của Điều 27 chỉ nên là: Điều 27. Chính sách xã hội.
Về nội dung của Điều này: Với tên của Điều như trên thì không cần tên của khoản 3, các điểm a, b, c của khoản 3 được đổi thành các điểm c, d, đ của khoản 2; khoản 4 chuyển thành khoản 3.
Khoản 3 mới (là khoản 4 cũ): Khi đã giao cho Hà Nội quy định “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách xã hội...” thì đề nghị ở điểm a/khoản 2 cũ (điểm c mới) Luật này không quy định mức hỗ trợ 100%, 60%, 20% để thống nhất với quy định giao cho Hội đồng nhân dân thành phố quy định.
Về tài chính, ngân sách và cán bộ, công chức
Về tài chính, ngân sách: đây là một trong những vấn đề lớn đối với Thủ đô. Ngoài các quy định tại Điều 34, Điều 35 của Dự thảo Luật, xin có ý kiến như sau:
Như đã trình bày, đặc thù quan trọng nhất của Thủ đô là, các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương đứng chân trên địa bàn Hà Nội làm việc để xử lý công việc chung của cả nước. Lao động của các cơ quan này cùng với gia đình họ với cả chục vạn người sinh sống trên đất Thủ đô, tiêu dùng của cải, sử dụng các sản phẩm vật chất, tinh thần, cơ sở hạ tầng xã hội tại Thủ đô... với mức độ rất lớn. Vì vậy các cơ quan nhà nước, bộ, ngành ở Trung ương cũng phải có trách nhiệm một phần đối với những gì đã tiêu dùng, đã sử dụng trên đất Hà Nội. Có thể xử lý bằng cách, hàng năm (trong một số năm) trích một tỷ lệ ngân sách nhà nước cho Thủ đô để đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô. Tỷ lệ trích và thời gian (số năm được trích) được tính toán quy định cụ thể vào dự thảo Luật. Điều này cũng nhằm cụ thể hóa tinh thần “Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô”.
Về cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô: Quy định tại các Điều 15 và 16 dự thảo Luật chưa rõ đặc thù như thế nào. Nên chăng, Chính quyền Thủ đô được hoàn toàn chủ động quyết định số lượng biên chế theo vị trí việc làm được quy định tại Luật Cán bộ, công chức; tuyển dụng theo đúng 4 nguyên tắc được quy định tại Điều 38 Luật Cán bộ, công chức. Nhà nước giao tổng quỹ tiền lương, nếu tiết kiệm được biên chế, thì vẫn được giữ nguyên tổng quỹ tiền lương. Người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thể hiện ở kết quả “sản phẩm” của năm trước thì năm sau mức lương được nâng lên (từ 1,2 lần trở lên theo mức lương cải cách 1.7.2024). Điểm c khoản 1, Điều 16 dự thảo Luật áp dụng cho người nước ngoài có công với thành phố nên áp dụng cho cả người trong nước (không chỉ người nước ngoài).
Về danh hiệu vinh dự (Điều 7)
Dự thảo Luật mới chỉ quy định danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô được tặng cho người nước ngoài mà chưa quy định các danh hiệu khác, như danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô tặng cho công dân Thủ đô, cho người trong nước. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung các danh hiệu đối với công dân trong nước có thành tích đóng góp thiết thực.