Lắm đầu mối dễ bị rối
Theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, có 21 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao những nhiệm vụ cụ thể; các bộ, cơ quan Trung ương khác được giao một số nhiệm vụ chung. Trong đó, nhiều nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.
Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, phương pháp tổ chức quản lý, điều hành của Chương trình như đề xuất trong hồ sơ có thể dẫn tới những khó khăn, vướng mắc cho chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân triển khai ở cơ sở, lặp lại những hạn chế mà Đoàn giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã chỉ ra.
Với 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện hành, Trung ương đã có 57 văn bản hướng dẫn, chưa kể hơn 100 văn bản hướng dẫn của các địa phương, cán bộ cấp xã làm đến “ù tai”. Vì thế, “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải lường trước việc quy định văn bản hướng dẫn là cực kỳ phức tạp và rất khó làm. Nếu chúng ta thiết kế chương trình không gọn nhẹ, hiệu quả, thì về sau sẽ bung ra những văn bản hướng dẫn và giống như các địa phương đang than phiền là không biết phải làm cách nào”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lưu ý.
Ở góc độ địa phương đang thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) tha thiết kiến nghị, dù có quy định như thế nào, bao nhiêu nội dung đi chăng nữa, phải có cơ chế quản lý phù hợp, đừng mỗi chương trình lại có một cơ chế quản lý riêng, gây khó khăn cho địa phương. “Cấp tỉnh đã khó rồi, cấp huyện còn khó hơn, giờ cấp xã là người tổ chức thực hiện, người thì ít, trình độ không phải cao siêu lại bắt họ thành “siêu nhân”. Như 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện quá nhiều văn bản hướng dẫn, tôi mà làm chắc phát điên mất”.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng việc phân công đầu mối hướng dẫn, triển khai thực hiện, bảo đảm gọn và rõ ràng, hợp lý, không chồng chéo và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Cân nhắc thu hẹp các đầu mối quản lý, hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình; giảm số lượng văn bản hướng dẫn phải ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện, nhất là đối với cấp xã. Tăng cường phân cấp, phân quyền; xây dựng cơ chế quản lý thống nhất với cơ chế quản lý của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện.
Không làm khó địa phương
Dự kiến tỷ lệ vốn ngân sách địa phương cân đối để thực hiện Chương trình này là 24,6%. Đại diện nhiều địa phương cho con số này là quá cao, khó thực hiện trong thực tiễn, đặc biệt với những tỉnh chưa cân đối được ngân sách. Trong khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hay giảm nghèo bền vững, tỷ lệ đối ứng tối thiểu 15%; các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 70% trở lên thì chỉ 3 - 5%. “Như thế mà còn khó khăn. Nếu để tỷ lệ 24,6%, chúng ta phấn đấu mãi chắc cũng không thực hiện được”. Vì thế, đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị phải căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của các địa phương để đưa ra tỷ lệ vốn đối ứng phù hợp.
Qua làm việc với một số địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị hết sức cân nhắc tỷ lệ này, vì điều kiện kinh tế - xã hội các địa phương rất khác nhau. “Chương trình đề xuất (vốn) càng lớn thì có nghĩa mức đối ứng các địa phương phải bố trí càng cao. Vì thế, phải tính toán tỷ lệ phù hợp, có tính đến điều kiện vùng miền, địa phương để phân định những nơi có điều kiện hơn thì khuyến khích tỷ lệ đối ứng cao hơn, những nơi khó khăn thì Nhà nước, Trung ương phải hỗ trợ nhiều hơn”.
Bên cạnh đó, vốn cân đối để thực hiện chương trình này nên ưu tiên cho đầu tư nhiều hơn. “Các địa phương không muốn phân bổ kinh phí sự nghiệp cho các chương trình mục tiêu, bởi một là dàn trải, hai là thủ tục rất khó khăn, phức tạp, không làm kịp, trong khi phải tiêu trong năm. Nếu có thể được, chúng ta xây dựng các thiết chế, kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, việc vận hành cũng như các vệ tinh phát huy giá trị, người dân có thể làm được”, đại biểu Lò Thị Luyến phân tích.
Quan trọng là hiệu quả sử dụng
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng, để thực hiện Chương trình hiệu quả, phải hết sức quan tâm tới việc phân cấp, phân quyền, tạo tính chủ động và trách nhiệm của cơ sở, cũng như phù hợp với nhu cầu đối tượng thụ hưởng.
Với những người làm nghệ thuật, họ đang mong được góp tiếng nói để ước mơ về một nơi biểu diễn hiện đại, xứng tầm sớm thành hiện thực. “Xây dựng nhà hát theo chủ quan của đơn vị đầu tư, không có tiếng nói của giới chuyên môn cho phù hợp công năng thì xây xong, chúng tôi cũng không làm được gì. Nhà hát nguy nga nhưng như hội trường thì lãng phí tiền của Nhà nước, lãng phí đầu tư”, một đạo diễn nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cũng băn khoăn, đầu tư xong, làm thế nào để các công trình văn hóa “sống được”, phát huy công năng, giá trị? Thực tế này cũng là điều Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải quan tâm. Bà cho rằng, việc đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao phải kèm theo cơ chế, con người bảo đảm cho thiết chế đó hoạt động hiệu quả. “Nên giảm các chỉ tiêu mang tính hình thức mà quan tâm hơn đến hiệu quả sử dụng. Đặc biệt, phải có chế tài mạnh mẽ hơn để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ”. Khó khăn nhất khi thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện hành là văn bản hướng dẫn của Trung ương chậm, địa phương khó thực hiện. Vì thế, theo bà Nguyễn Thanh Hải, “điều kiện tiên quyết là hướng dẫn nhanh, giao vốn nhanh”.
Tuần tới, đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến. Cơ sở chính trị, pháp lý và sự cần thiết đã rõ, quan trọng là cách thức thiết kế và triển khai để chủ trương này khi được thông qua sẽ thực sự mang lại hiệu quả trong thực tế như mong muốn của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của Nhân dân, đưa văn hóa Việt Nam phát triển xứng tầm.