Cơ hội của Việt Nam từ thị trường tín chỉ carbon rừng
Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon. Theo các chuyên gia lâm nghiệp ước tính, riêng lĩnh vực lâm nghiệp, giai đoạn 2021 – 2030, khoảng 40 – 70 triệu tấn CO2 có thể tham gia trao đổi, thương mại cho các đối tác.
Theo Báo cáo của Cục Lâm nghiệp, trong năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 250.000ha rừng, đạt 102% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ che phủ rừng 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt hơn 4 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thu về 51,5 triệu USD… Điều này cho thấy việc tích cực phủ xanh diện tích rừng của Việt Nam bước đầu đã đem lại lợi ích bất ngờ.
Theo Luật Bảo vệ môi trường, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (C02) hoặc một tấn khí C02 tương đương.
Tín chỉ carbon được vận dụng như một chứng chỉ có tính thương mại. Một tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn khí CO2 và ngược lại. Việc sử dụng chứng chỉ giúp giảm tải lượng khí thải CO2 từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng chính là nguyên nhân của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tại Việt Nam, việc xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon được xem là xu thế tất yếu, một công cụ kinh tế quan trọng để thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thị trường carbon không chỉ tạo ra một dòng tài chính mới mà còn trở thành tiền đề, động lực và phương tiện giúp các ngành, lĩnh vực thúc đẩy chuyển đổi xanh, giảm phát thải, và tham gia hiệu quả vào các thị trường quốc tế.
Từ các số liệu có thể thấy, tiềm năng về rừng của Việt Nam là rất lớn, với tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồng.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon vô cùng rộng mở. Việc tham gia trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon sẽ giúp các chủ rừng cải thiện sinh kế bền vững, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chuyên gia nhận định, thị trường mua bán tín chỉ carbon sẽ ngày càng sôi động.
GS. TS Hoàng Văn Sâm, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Đại học Lâm nghiệp cho rằng ngành lâm nghiệp Việt Nam cần đón đầu xu hướng này để tăng cao lợi nhuận: Việc vận hành thị trường carbon một cách minh bạch có ý nghĩa hết sức quan trọng và nếu chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ này khi thì thu nhập của người dân, những người mà trồng rừng, những người bảo vệ rừng, những người làm công tác gắn với bảo tồn đa dạng sinh học sẽ được nâng cao thu nhập. Đây cũng là nội dung hết sức quan trọng và vai trò của ngành lâm nghiệp thì các khu rừng, các nơi bảo tồn đa dạng sinh học cũng là bể chứa carbon lớn mà chúng ta hướng đến là bán các tín chỉ carbon về lâm nghiệp này.
Đổi mới tư duy về trồng rừng
Hiện nay, Việt Nam có hơn 14 triệu ha rừng với tiềm năng tạo ra tín chỉ carbon từ các dự án bảo vệ, phục hồi rừng. Mô hình tín chỉ carbon sẽ khuyến khích, tăng cường trồng và bảo vệ rừng, các doanh nghiệp sẽ hạn chế lượng phát thải trong quá trình sản xuất. Việc xây dựng thị trường carbon sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp. Chính vì thế, đã đến lúc cần thay đổi tư duy về trồng rừng của người dân. Đặc biệt cần xã hội hóa nghề rừng để nâng cao trách nhiệm của người trồng rừng và cũng là hướng mở để phát triển thị trường tín chỉ carbon từ rừng.
Thời điểm này, ngành lâm nghiệp cả nước đã được Quốc hội quy hoạch với tổng diện tích đất là 15,85 triệu ha, trong đó diện tích có rừng là trên 14,8 triệu ha, gồm rừng đặc dụng: 2,2 triệu ha; rừng phòng hộ: 4,6 triệu ha và rừng sản xuất trên 7,9 triệu ha; còn lại khoảng 1 triệu ha đất trống.
Để quản lý, khai thác đúng mục đích, hiệu quả đất lâm nghiệp, đến nay các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 65 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, bao gồm: 01 Luật, 16 Nghị định cùng nhiều Thông tư, Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tham mưu và được Chính phủ ban hành 06 Nghị định, riêng lĩnh vực lâm nghiệp là 04 Nghị định. Đặc biệt, đối với Nghị định số 91/2024/NĐ-CP có một số nội dung chính được sửa đổi bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Phân cấp phân quyền đối đa cho địa phương, chủ rừng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy chế quản lý rừng và phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng. Bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững.
Chỉ khi nào các chính sách về rừng thực sự tháo gỡ được các điểm nghẽn thì khi ấy mới phát huy tối đa được vai trò của rừng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.