Việt Nam giàu tiềm năng phát triển tín chỉ carbon rừng
Việt Nam có lợi thế rất lớn với trữ lượng rừng phong phú và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, hiện thực hóa cam kết Net-Zero, thông qua việc xây dựng các dự án tín chỉ carbon.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tín chỉ carbon rừng là chứng nhận cho lượng khí thải CO2 được giảm bớt hoặc được hấp thụ từ các hoạt động, dự án giảm phát thải khí nhà kính liên quan đến giảm mất rừng, suy thoái rừng và tăng cường bảo vệ, quản lý rừng bền vững. Hiện nay, tín chỉ carbon rừng của Việt Nam đang được giao dịch thí điểm trên thị trường tự nguyện.
Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết: "Việt Nam hiện có trên 14,86 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ 42,02%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10,1 triệu ha, rừng trồng hơn 4,7 triệu ha. Rừng là nơi hấp thụ và lưu giữ lượng lớn các-bon nên lĩnh vực lâm nghiệp đang phát thải ròng âm (hấp thụ nhiều hơn phát thải nhiều lần), tiềm năng chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, thương mại tín chỉ cac-bon của rừng là rất lớn".
Việt Nam hiện đang triển khai duy nhất một Chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải/tín chỉ các-bon rừng thông qua Thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới. Kết quả, trong giai đoạn 2018-2019 đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tấn CO2 và tiếp nhận về 51,5 triệu USD.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép đàm phán, ký kết Thỏa thuận mua bán giảm phát thải cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với Tổ chức Tăng cường Tài chính Lâm nghiệp (Emergent - cơ quan hành chính của LEAF).
Chất lượng tín chỉ carbon rừng vẫn ở mức thấp
Phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và Net-zero vào năm 2050. Trong nhiều năm qua, việc mở rộng diện tích rừng đã giúp ngành lâm nghiệp đạt được các cam kết giảm phát thải, mở ra tiềm năng to lớn để tham gia vào thị trường carbon trong nước và toàn cầu.
Nhiều tiềm năng song cũng nhiều thách thức mà thị trường tín chỉ carbon rừng sẽ phải đối mặt. Các chuyên gia đều nhận định, thị trường các-bon rừng có tiềm năng mang lại nguồn thu lớn cho lâm nghiệp, giúp đầu tư vào bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Tuy nhiên, thị trường các bon rừng ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Tín chỉ carbon nói chung hay tín chỉ carbon rừng nói riêng không phải tự nhiên mà có. Điều cần lưu ý ở đây là tín chỉ carbon không chỉ có một loại mà đa dạng, tạo ra từ nhiều loại hình dự án khác nhau, ví dụ từ các dự án lâm nghiệp và sử dụng đất, từ các dự án năng lượng, các dự án xử lý rác thải…Chính vì thế, việc duy trì, mở rộng các hệ sinh thái cũng chính tạo nguồn tín chỉ carbon bền vững.
Ông Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cho rằng không chỉ duy trì mà cần nhân rộng diện tích trồng rừng. Mở rộng quy mô và diện tích các hệ sinh thái thông qua các giải pháp phục hồi, trồng mới, ở những khu vực có thể là những bồn chứa carbon trong tương lai. Bên cạnh đó phải giữ rừng, giữ đất, rừng ở đầu nguồn, như thế chúng ta có một cái quỹ Carbon lớn để tham gia vào thị trường ở trong khu vực cũng như là toàn cầu”.
Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng, có tính bổ sung, được thẩm định, công nhận theo khung tiêu chuẩn nhất định.
Hiện nay, phát triển rừng theo hướng đa giá trị là xu hướng được đẩy mạnh. Trong đó, phát triển thị trường carbon rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Điều này được thể hiện rõ trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt từ đầu năm 2024. Các giá trị nguồn lợi từ rừng cần được khai thác, phát huy hiệu quả và bền vững hơn nữa nhằm đáp ứng các yêu cầu mới cũng như hướng tới các mục tiêu net- zero mà Việt Nam đã cam kết.