. Bài 1: Thị trường tín chỉ carbon rừng tiềm năng và thách thức
. Bài 4: Hiệu quả của Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam
Sau gần hai năm thực hiện thí điểm Nghị định số 107/2022/NĐ-CP (ban hành ngày 28.12.2022) về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Tĩnh và Quảng Bình, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong quản lý rừng, giảm phát thải KNK, và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức cần giải quyết để nâng cao hiệu quả triển khai trong tương lai.
Hiệu quả từ triển khai thí điểm Nghị định 107
Nghị định 107 tạo ra một khung pháp lý chặt chẽ để thực hiện cơ chế chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải.
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ đã xây dựng được hệ thống giám sát và đánh giá hiện đại, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.
Theo ông Phạm Hồng Lượng, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông qua việc thực hiện thí điểm NĐ 107, năng lực về quản trị rừng, tiếp cận với những phương pháp quản lý rừng mới của người dân đang ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc này góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, giúp người dân hiểu rõ được lợi ích từ rừng. Ngoài thu nhập lâm sản, còn những nguồn thu nhập khác từ các hoạt động trao đổi, những kết quả giảm phát thải hay gọi cách khác là cái thu nhập từ các hoạt động phi lâm sản. Thông qua đó, các chủ rừng cũng nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận với trình độ công nghệ. Ông Lượng cũng nhấn mạnh: “Trong theo dõi, giám sát diễn biến rừng thì tôi nghĩ là tất cả những yếu tố này sẽ giúp chúng ta thực hiện ngày càng tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững”
Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ. Tại địa phương này, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được giao rừng tự nhiên đã có thêm nguồn kinh phí để quản lý, bảo vệ rừng; việc triển khai thực hiện chi trả tiền chuyển nhượng tín chỉ carbon còn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Ông Trần Đình Hiệp Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện chi trả cho thấy, nguồn thu từ bán tín chỉ carbon đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Với tính ưu việt nổi bật và đặc điểm mới mẻ, tiền bán tín chỉ carbon trong thời gian qua đã góp phần động viên người dân, các hộ gia đình trong việc kết hợp giữ rừng và bảo vệ rừng. Cơ chế chi trả dựa trên kết quả đã mang lại thu nhập cho các hộ dân tham gia bảo vệ rừng, nhưng quan trọng hơn, đó là giúp họ tăng ý thức bảo vệ rừng.
Ông Đinh Chí Quyết, thôn Thanh Lâm, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình chia sẻ: “Từ năm 2008, tôi được Nhà nước giao chăm sóc và bảo vệ hơn 1,7ha rừng thông qua tổ cộng đồng. Hàng tháng, tôi thường xuyên tham gia tuần tra bảo vệ rừng (BVR). Mới đây, tôi được nhận tiền hỗ trợ từ nguồn bán tín chỉ carbon. Tuy không nhiều nhưng đây là sự động viên rất lớn, khích lệ chúng tôi tiếp tục tích cực tham gia BVR”.
Không chỉ Quảng Bình, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ đều hưởng lợi sau gần 2 năm triển khai thí điểm NĐ số 107.
Đơn cử như tại Hà Tĩnh, qua soát xét từ các số liệu thống kê, Hà Tĩnh hiện có 201 nghìn hecta rừng tự nhiên được nhận chi trả từ nguồn ERPA, gồm 16 đơn vị là tổ chức và 42 UBND xã và gần 2.800 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Trước đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã điều phối khoảng 123 tỷ đồng nguồn chi trả phát thải nhà kính cho các chủ rừng, hứa hẹn giúp địa phương phát triển kinh tế xanh, mang lại một nguồn thu lớn.
4 giải pháp căn cơ triển khai bền vững Nghị định 107
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện tư vấn phát triển bền vững và tài chính carbon, giá trị của rừng Hà Tĩnh trong xu hướng phát triển xanh đem lại tỉ lệ che phủ rừng cao trên 52%, diện tích rừng hiện có của Hà Tĩnh không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà còn là nguồn tài chính tiềm năng thông qua thương mại carbon rừng.
Thông qua Nghị định 107, Việt Nam đã hợp tác hiệu quả với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và các quỹ khí hậu, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và nguồn vốn. Đây là bước tiến lớn trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris.
Để đảm bảo tính bền vững và nhân rộng mô hình của Nghị định 107, các địa phương trong thời gian tới cần tập trung vào những giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường đầu tư công nghệ: Ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống giám sát trực tuyến để nâng cao hiệu quả quản lý rừng.
Thứ hai, đẩy mạnh truyền thông và giáo dục: Xây dựng các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của bảo vệ rừng và giảm phát thải KNK.
Thứ ba, phát triển quan hệ đối tác công - tư: Thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường, tạo nguồn lực tài chính bền vững.
Thứ tư, nhân rộng mô hình thành công: Chia sẻ kinh nghiệm từ các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình… để áp dụng tại các địa phương khác.
Sau hai năm triển khai, Nghị định 107/2022/NĐ-CP đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm phát thải KNK và bảo vệ tài nguyên rừng, đồng thời mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, để Nghị định thực sự phát huy tối đa tiềm năng, cần sự nỗ lực đồng bộ từ các bên liên quan, từ chính quyền, cộng đồng, đến các tổ chức quốc tế.