. Bài 1: Thị trường tín chỉ carbon rừng tiềm năng và thách thức
. Bài 3: Triển khai thí điểm Nghị định 107/2022/NĐ-CP - Thành tựu và những bài học quý giá
Tạo ra nguồn thu ổn định cho người dân địa phương
Theo Báo cáo từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, giai đoạn 2011- 2023, tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng đã đạt hơn 27.365 tỷ đồng, trong đó, riêng năm 2023, bên cạnh nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP còn có nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP (khoảng 997 tỷ đồng), nguồn tiền này đã giúp hỗ trợ bảo vệ hơn 7,3 triệu ha rừng, chiếm hơn 49% tổng diện tích rừng toàn quốc.
Đây là một khoản thu nhập bổ sung, có tính ổn định, hỗ trợ cải thiện sinh kế cho hàng nghìn hộ dân đồng bào dân tộc nghèo, sống ở khu vực rừng đầu nguồn, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi như: Sơn La, Lai Châu, Lâm Đồng, Quảng Nam, Điện Biên, Thanh Hóa, và Nghệ An…, đồng thời giảm thiểu nạn chặt phá rừng do nhu cầu sinh kế.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cho biết, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đang tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường theo Nghị định số 156/2018/NÐ-CP, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP và thí điểm thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107/2022/NÐ-CP của Chính phủ bảo đảm thu đúng, thu đủ và chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Phấn đấu đạt mục tiêu thu tiền dịch vụ môi trường rừng toàn quốc năm 2024 (theo Nghị định số 156/2018/NÐ-CP) là 3.200 tỷ đồng; bảo đảm duy trì gần 7,3 triệu ha rừng trong lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chiếm 49,24% tổng diện tích rừng của cả nước. Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở sản xuất thủy điện và cơ sở sản xuất nước sạch theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NÐ-CP của Chính phủ. Phối hợp với các bên liên quan thực hiện công tác kiểm tra giám sát, nắm bắt, cập nhật thường xuyên tình hình tổ chức vận hành Quỹ và thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về các chính sách liên quan.
Từ việc được nhận nguồn hỗ trợ từ chi trả dịch vụ môi trường rừng hay nguồn từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, đã tạo ra động lực cho cộng đồng tham gia bảo vệ và phát triển rừng tích cực hơn. Một số nơi đã chứng kiến việc các cộng đồng không chỉ ngừng chặt phá rừng mà còn chủ động phát triển các mô hình rừng sản xuất, rừng hỗ trợ sinh kế. Đặc biệt, ở các vùng rừng đầu nguồn, người dân nhận thức được vai trò quan trọng của rừng đối với nguồn nước sinh hoạt và thủy điện, qua đó tham gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng.
Thừa Thiên Huế là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đang tham gia thực hiện thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA). Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả tiếp nối quá trình chuẩn bị, sẵn sàng thực thi REDD+ (giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng carbon rừng). Qua đó, huy động thêm nguồn thu cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.
Để đảm bảo tính bền vững của chính sách, với sự hỗ trợ của các dự án, tổ chức quốc tế, những năm qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các tỉnh đã ứng dụng nhiều công nghệ như ảnh viễn thám phục vụ công tác giám sát hiện trạng rừng; sử dụng hệ thống giám sát, đánh giá chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên nền tảng WebGIS/QGIS, góp phần phục vụ hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, cũng như minh bạch hóa và công bằng trong hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.
Tương tự, tại Sơn La, nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng còn được nhiều cộng đồng trích một phần để sử dụng đầu tư xây dựng các hạng mục công trình công cộng như đường bê tông nội bản và sửa chữa, nâng cấp xây dựng các công trình phúc lợi chung (nhà sinh hoạt văn hóa thôn, bản,…), phục vụ đời sống của nhân dân.
Tác động đối với môi trường
Kể từ khi triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, diện tích rừng được bảo vệ từ nguồn tiền này đã gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, năm 2012, diện tích rừng được bảo vệ từ tiền dịch vụ môi trường rừng khoảng hơn 3,6 triệu ha. Diện tích này có xu hướng tăng dần qua từng năm và đến năm 2023, đã có khoảng 7,3 triệu ha rừng được quản lý, bảo vệ từ nguồn tiền này. Nhiều địa phương có kết quả triển khai chính sách chi trả hiệu quả cao, đạt được kết quả ấn tượng trong việc duy trì diện tích rừng ổn định và giảm thiểu tình trạng phá rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên rừng mà còn góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, đặc biệt là điều tiết khí hậu và bảo vệ nguồn nước.
Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, rừng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho các hồ chứa thủy điện và nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu người dân. Các khu vực triển khai chính sách, như các khu rừng đầu nguồn ở Lâm Đồng và Quảng Nam, đã giúp giảm thiểu tình trạng khô hạn, bảo vệ tài nguyên nước và hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp khác như thủy sản và nông nghiệp.
Có thể nói, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam đã đem lại những hiệu quả đáng kể về cả kinh tế và môi trường. Chính sách đã giúp bảo vệ rừng, góp phần tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng và tạo ra sự đồng thuận, tham gia tích cực của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng của chính sách hơn nữa, cần tiếp tục nghiên cứu cải thiện, hoàn thiện chính sách để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả lâu dài, đồng thời mở rộng các loại dịch vụ môi trường rừng mới tiềm năng – như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách giúp hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng và Nhà nước, được triển khai nhằm hỗ trợ các cộng đồng sống gần rừng bảo vệ và bảo vệ rừng một cách bền vững.
Đây là một chính sách mang tính đột phá khi chuyển hướng tiếp cận từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn xã hội hóa cho việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Chính sách giúp huy động nguồn lực tài chính từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng và chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo quy định, các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng bao gồm cơ sở sản xuất thủy điện, nước sạch, kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản. Trong đó, chi trả từ cơ sở thủy điện chiếm tỷ trọng phần lớn trong tổng nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm.