Lan tỏa văn hóa Việt trên quê hương Phật pháp

Bài 2: Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người (*)

Bốn phương trời ta về đây chung vui/ Không phân chia giọng nói tiếng cười/ Cùng nắm tay ta kết đoàn thân ái/ Trao cho nhau những lời thiết tha... Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, từ ngạc nhiên đến xúc động khi được cùng các em nhỏ Sri Lanka hát các bài hát Việt Nam trong khuôn viên Thiền viện Trúc Lâm. Lần thứ 4 ông đến Sri Lanka cũng là lần “ấn tượng nhất và xúc động nhất”.

“Ai học cũng được, miễn là yêu thích tiếng Việt”

“Con học tiếng Việt để được nói chuyện với sư phụ và để đến Việt Nam”. “Tôi và con gái đang học tiếng Việt. Tôi thích đi Việt Nam, thích tiếng Việt”...

Từ tháng 6.2022, lớp học tiếng Việt dành riêng cho người dân Sri Lanka đã được khai giảng tại chính điện Thiền viện Trúc Lâm - ngôi chùa Việt đầu tiên ở Sri Lanka. Đứng lớp là các nhà sư Việt Nam, học viên từ trẻ em đến người già. Lúc đầu, chưa có sách dạy tiếng Việt đưa từ Việt Nam sang, các nhà sư tự soạn giáo án, từ những câu từ đơn giản sau mở rộng thêm.

Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, xúc động khi nghe các em nhỏ Sri Lanka hát tiếng Việt. Ảnh: N. Hiếu
Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, xúc động khi nghe các em nhỏ Sri Lanka hát tiếng Việt. Ảnh: N. Hiếu

Đại đức Thích Pháp Quang vẫn nhớ như in những buổi học đầu tiên. Đó là mùa an cư kiết hạ năm thứ 2 ở Thiền viện Trúc Lâm. Đó cũng là thời điểm Sri Lanka đang bị khủng hoảng kinh tế, cắt điện liên miên, trong khi lớp dạy tiếng Việt lại diễn ra từ 6 giờ 30 - 8 giờ tối. “Dạy học bằng đèn cầy, đèn pin mà các em vẫn kiên trì học. Mùa hạ lại là mùa mưa ở Kandy, nhưng các em đến học đông đủ, chăm chỉ, không vắng ngày nào, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần”.

Lớp học ban đầu có 15 học viên, chủ yếu là các em nhỏ (nhỏ nhất 9 tuổi) và có một cụ 71 tuổi, gần như tất cả đến giờ vẫn học tiếng Việt. Các lớp mới hiện nay có thêm khoảng 30 người nữa. Những người này cũng theo học các lớp tiếng Anh và Tin học ở thiền viện, đồng thời hàng ngày đến đây hành thiền.

“Các thầy hay gọi là gia đình Trúc Lâm. Trẻ em trong làng đi học ở trường về khoảng 3 giờ chiều, 5 - 6 giờ đã có mặt tại thiền viện hành thiền, đến 6 giờ 30 học tiếng Việt. Ngày nào cũng vậy, đúng giờ. Lớp học không phân biệt đối tượng và độ tuổi. Ai học cũng được, miễn là yêu thích tiếng Việt”, Đại đức Thích Pháp Quang chia sẻ. “Thầy muốn các em học ngôn ngữ trước. Vì ngôn ngữ là con đường để các em đi ra ngắm nhìn thế giới”.

Thầy - trò trao đổi sau mỗi buổi học

Thầy - trò trao đổi sau mỗi buổi học

Khu vực Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc còn khá nghèo, người dân thiếu thốn nhiều thứ. Vì thế, Đại đức Thích Pháp Quang và các nhà sư Việt Nam luôn động viên các em nhỏ cố gắng học, để ra khỏi biên giới Sri Lanka mở mang tầm mắt. Mà muốn đi nước ngoài thì phải học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Xa hơn, “thầy mong muốn mở làng Việt Nam thu nhỏ tại Sri Lanka. Nhưng nói đến làng là phải có con người, mà ở đây không có người Việt Nam thì các em người bản địa nói được tiếng Việt, hiểu được đời sống, sinh hoạt, văn hóa Việt Nam, sẽ như những đại sứ văn hóa của Việt Nam”.

Như sự cố gắng bền bỉ của các nhà sư, đến nay không chỉ trẻ em Ambakote nói được tiếng Việt mà người dân xung quanh đến thiền viện hàng ngày ít nhất đều nói được những câu đơn giản như: Xin chào, Cảm ơn, Không có chi; gọi thầy là sư phụ

Dạy tiếng Việt qua bài hát

Không chỉ dạy tiếng Việt trực tiếp tại thiền viện mà các nhà sư còn tổ chức dạy trực tuyến cho những người Sri Lanka lấy chồng/vợ là người Việt Nam, con em cộng đồng người Việt tại Sri Lanka, hoặc nhân viên người Sri Lanka làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam. Nhiều anh chị chia sẻ sau khi học tiếng Việt đã nói chuyện được với người thân hoặc đồng nghiệp. “Bố/mẹ là người Việt Nam nhưng con chỉ nói tiếng Anh mà không nói được tiếng Việt làm cho thầy cảm thấy buồn và có động lực dạy tiếng Việt cho các em. Qua các lớp tiếng Việt như thế cũng giúp người dân địa phương hiểu hơn về Việt Nam, từ đó yêu Việt Nam hơn”.

Lớp học tiếng Việt có thể được tổ chức ngay dưới rặng tre trong khuôn viên Thiện viện Trúc Lâm

Lớp học tiếng Việt có thể được tổ chức ngay dưới rặng tre trong khuôn viên Thiện viện Trúc Lâm

Dõi theo quá trình xây dựng Thiền viện Trúc Lâm và lan tỏa văn hóa Việt tại Sri Lanka của Đại đức Thích Pháp Quang và các đệ tử, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Hồ Thị Thanh Trúc rất xúc động, nhất là khi được nghe các em nhỏ Sri Lanka hát các bài hát tiếng Việt trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam. “Tôi tin rằng tình yêu Việt Nam như vậy sẽ tiếp tục lan tỏa và lớn lên các em thực sự là cầu nối làm cho giao lưu giữa Nhân dân hai nước tiếp tục gắn kết”.

Các em 5 - 6 tuổi chưa biết đọc thì được dạy các bài hát tiếng Việt đơn giản như “Kìa con bướm vàng”, “Con cò bé bé”, “Bốn phương trời”... chỉ vài lần đã thuộc và hát đầy biểu cảm. Mỗi câu hát, bài hát, các thầy đều giải thích nội dung, ý nghĩa. Chẳng hạn khi các em hát bài “Bông hồng cài áo” thì được giải thích về mẹ, về tình mẫu tử. Danh mục các bài hát tiếng Việt được dạy và hát tại Thiền viện Trúc Lâm ngày càng dài. Không chỉ các bài dân ca, có người còn lên YouTube tìm nghe và học hát theo các bài hát tiếng Việt đương đại, thậm chí cả bài khó như “Bà tôi” của Nguyễn Vĩnh Tiến.

Theo Đại đức Thích Pháp Quang, may mắn trẻ em ở đây yêu tiếng Việt như ngôn ngữ mẹ đẻ của các em. Nhiều em về nhà dạy lại tiếng Việt cho bố mẹ, nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng Việt một cách tự nhiên. Vì thế, “mình càng phải cố gắng dạy cho các em tới nơi tới chốn”.

Đại đức Thích Pháp Quang đang kết nối với một trường ở Sri Lanka để đưa tiếng Việt vào dạy như ngoại ngữ thứ hai. Đây là điều rất đáng mừng. Không chỉ các nhà sư ở đây mà các học viên khóa tiếng Việt đầu tiên sẽ là những người đi dạy tiếng Việt sau này. Các em cũng đang làm trợ giảng cho các thầy trong quá trình dạy lớp mới mở. “Vui nhất là sau khi học xong, các em mời ba mẹ đến học tiếng Việt luôn ở lớp mới. Vì thế, lớp mới có nhiều người lớn, phụ huynh học. Tinh thần như vậy là động lực rất lớn cho các thầy tiếp tục công việc”.

-------------------

(*) Câu thơ trong bài “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ

Văn hóa - Thể thao

Sớm lập bảo tàng về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Văn hóa - Thể thao

Sớm lập bảo tàng về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày 26.12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức Hội thảo Khoa học “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn”. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần sớm lập bảo tàng xứng đáng với tầm vóc và cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây sẽ là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Khách tham quan triển lãm
Văn hóa - Thể thao

Giới thiệu di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Ngày 25.12, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh đã khai mạc triển lãm “Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”. Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Chung kết cuộc thi dành cho các ban nhạc trẻ Band Storm Vietnam 2024: Đội Ai Oi Band xuất sắc giành giải Nhất
Văn hóa - Thể thao

Chung kết cuộc thi dành cho các ban nhạc trẻ Band Storm Vietnam 2024: Đội Ai Oi Band xuất sắc giành giải Nhất

Đêm Chung kết Band Storm Vietnam 2024 - cuộc thi dành cho các ban nhạc trẻ trên toàn quốc với chủ đề “The Storm Stage” vừa diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự quan tâm của gần 400 khán giả tham dự trực tiếp và hàng nghìn lượt theo dõi qua các nền tảng trực tuyến.

Vượt non cõng “kho tàng”, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc
Văn hóa - Thể thao

Vượt non cõng “kho tàng”, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, ý nghĩa nhưng cũng không kém phần khó khăn. Qua nhiều năm thực hiện, với những chuyến đi ngược lên nguồn, về với bản, đồng bào dân tộc cùng đội ngũ bảo tồn đã cùng lưu truyền, phát huy các giá trị, và hơn hết để các giá trị truyền thống hoà vào nhịp phát triển kinh tế của cuộc sống đương đại.

Nhiều bạn trẻ hứng thú với đề tài cách mạng, lịch sử
Văn hóa - Thể thao

Nhiều bạn trẻ hứng thú với đề tài cách mạng, lịch sử

Trong Lễ trao giải Cuộc thi viết về “Trang sách thay đổi đời tôi” và Cuộc thi video clip với chủ đề “Lịch sử Việt Nam” năm 2024 diễn ra tại Hà Nội, ngày 23.12, nhiều cây viết trẻ đã giành giải cao với các tác phẩm viết về tinh thần cách mạng như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” hay “Thép đã tôi thế đấy”.