Trước hết về tầm nhìn, 50 năm trước người thanh niên làm việc tại Tạp chí Học Tập - cơ quan ngôn luận của Đảng, đã sớm nhận ra căn bệnh nặng, tham ô, lãnh phí, tiêu cực, bản chất của nó, nguồn gốc phát sinh và các “bài thuốc” chữa trị để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hai là, vẫn còn nguyên sức hấp dẫn của các bài viết về nội dung và phương pháp thể hiện.
Ba là, nội dung đúng như thực tiễn, thẳng thắn, rõ ràng (có tên tuổi, có địa chỉ của cơ quan, địa phương và thời điểm xảy ra khuyết điểm).
Bốn là, phương pháp phê bình tinh tế, các đối tượng trong các bài viết đó nếu còn chút lương tâm thì phải giật mình và nhất thiết phải điều chỉnh hành vi.
Năm là, tệ “tham nhũng vặt” và bệnh “sợ trách nhiệm” xuất hiện khá sớm và tồn tại dai dẳng đến bây giờ, nghĩa là các vấn đề còn nguyên tính thời sự.
Về “tham nhũng vặt”, như một thứ “ghẻ ruồi” rất khó chịu đã và đang xảy ra ở nhiều cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhất là ở xã, phường, thị trấn suốt một thời gian dài, lâu dần bị coi như một “thông lệ” bất thành văn, ai ra phường, xuống xã làm một việc gì cũng phải lo một khoản “lệ phí”. Ai cũng ấm ức về sự vô lý, nhưng ít ai dám nói vì sợ nhỡ việc. “Tham nhũng vặt” làm cho nhiều người không còn tin tưởng được gì ở những cán bộ “hành dân” ấy! Nếu tham nhũng lớn đã và đang phá hoại từ thượng tầng kiến trúc, thì “tham nhũng vặt” đang đào bới, công phá từ hạ tầng nền móng. Nếu ví bộ máy nhà nước như tòa nhà, mà tòa nhà bị đào phá, sụt lún từ nền móng, hỏi còn đứng vững được không? Bởi vậy, đã là tham nhũng thì phải chống triệt để.
Và, sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vô cùng chính xác, đúng đắn và kịp thời: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”), kiên quyết loại ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng” (trang 197).
Về bệnh “sợ trách nhiệm”, bài viết đã chỉ rõ, “Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, giậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao”. Biểu hiện của bệnh sợ trách nhiệm, đúng như tác phẩm đã chỉ ra: làm việc cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn; rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không có chính kiến rõ ràng, không quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, mà việc lớn, việc nhỏ gì cũng đưa ra tập thể bàn “ý kiến tập thể” cho “đỡ phiền”... Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân.
Và, đến bây giờ bệnh “sợ trách nhiệm” vẫn đang hiện hữu. Tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10.5.2023, trong số những nhiệm vụ Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng quan tâm làm tốt trong thời gian tới, thì nhiệm vụ đầu tiên là:
“Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này”. (1)
50 năm trước, tác giả đã bắt mạch rất đúng các con bệnh “kinh niên” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, điều đó cho thấy ý nghĩa và tầm vóc thời đại của tác phẩm quan trọng này. Cách chữa trị căn bệnh này không hề đơn giản. Hiện nay đâu đó vẫn tồn tại tâm lý, “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, đó là một nguy cơ trong thực thi công vụ, cần phải được khắc phục ngay. Vì vậy, cần thiết phải kết hợp cả biện pháp “tức thời” theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3.11.2021 về từ chức, miễn nhiệm và cả biện pháp “dài hơi” giáo dục thường xuyên để ngấm nghía dần dần rồi ngộ ra.
Tháng 2.1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “cắt toa thuốc” để cứu chữa con bệnh “kinh niên” này. Đó là tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng có cuốn sách, đó là tác phẩm “Chống chủ nghĩa cá nhân”.
Ngay từ năm 1973, tác giả của tác phẩm “Bệnh sợ trách nhiệm” cũng đã khẳng định, “Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tinh thần kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề”, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó, ngại phiền. Vì vậy, khắc phục bệnh sợ trách nhiệm trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người đều có tinh thần xả thân vì sự nghiệp cách mạng, đều thật sự “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như Hồ Chủ tịch đã dạy”.
Tác giả, tác phẩm “bắt mạch” rất đúng căn bệnh và đề ra giải pháp hoàn toàn đúng đắn, chính xác cho thời gian ấy, nhưng cũng hoàn toàn khả thi cho ngay bây giờ. Vì thế, có thể nói, đó thực sự là một giải pháp chiến lược.
_________
(1) Theo Báo Đại biểu Nhân dân ra ngày 11.5.2023: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”