Vướng mắc từ quy định
Báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã nhận định những khó khăn khi xây dựng và thực hiện Đề án sắp xếp thôn. Cụ thể, do là lần đầu tiên triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn với số lượng lớn (1.003 thôn phải sắp xếp trong tổng số 1719 thôn) nên phát sinh bất cập nhất định. Thời gian các địa phương xây dựng Đề án, lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND cấp xã, cấp huyện khá gấp (chưa đầy 4 tháng) nên có trường hợp chưa đạt được đồng thuận cao về tên thôn.
Việc thay đổi tiêu chí quy mô hộ gia đình theo các thông tư của Bộ Nội vụ giữa thời điểm xây dựng Đề án trình HĐND với thời điểm tổ chức thực hiện nghị quyết HĐND cũng khiến nhiều địa phương gặp khó. Cụ thể, khi xây dựng Đề án, tiêu chí quy mô số hộ gia đình được căn cứ theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29.12.2017 của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 42/NQ-HĐND thì quy mô hộ gia đình được thực hiện theo Thông tư số 14/2018/TT-BNV dẫn đến trường hợp một số thôn sau sắp xếp, sáp nhập có quy mô số hộ gia đình khá lớn, có nơi đạt trên 200% tiêu chuẩn; có nơi đề xuất chia tách lại để giảm quy mô số hộ gia đình/thôn.
Sự phức tạp về điều kiện tự nhiên, địa hình cũng như tính đa dạng về dân cư, phong tục tập quán cũng là những khó khăn trong xây dựng, thực hiện phương án sắp xếp để vừa giảm số lượng, vừa bảo đảm quy mô dân số hợp lý. Do vậy, sau sắp xếp, toàn tỉnh vẫn còn 340 thôn chưa bảo đảm tiêu chuẩn số hộ gia đình, trong đó có 77 thôn đạt dưới 50% tiêu chuẩn thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập theo quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BNV; một số khu vực dân cư có khoảng cách xa trung tâm thôn, đặc biệt ở khu vực miền núi (có nơi lên đến 10km); vẫn còn một số thôn nằm tách biệt với các thôn khác trên cùng xã hoặc các thôn có nhiều cụm dân cư nằm cách xa nhau, điều kiện đi lại giữa các cụm dân cư khó khăn, phức tạp.
Về chế độ chính sách, mặc dù so với trước chế độ đối với các chức danh ở thôn nâng lên đáng kể. Thế nhưng ở các tổ dân phố (dưới phường, thị trấn), việc giảm số lượng, tăng quy mô số hộ gia đình đã làm tăng khối lượng công việc của các chức danh ở tổ dân phố, nhất là các tổ dân phố có số hộ gia đình lớn. Trong khi đó, mức khoán phụ cấp (theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP) đối với 3 chức danh của các tổ dân phố này chỉ có 3,0 (mỗi chức danh hệ số 1,0 mức lương cơ sở/người/tháng) đã tạo áp lực lớn, làm phát sinh tâm lý so bì về chế độ đối với thôn được khoán quỹ phụ cấp 5,0. Do vậy, phần nào chưa tạo động lực cho đội ngũ này yên tâm công tác, đẩy mạnh các hoạt động phong trào tại cơ sở.
Đến khâu tổ chức thực hiện
Theo quy định hiện hành, thôn không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú. Tuy nhiên, giám sát thực tế cho thấy, khối lượng công việc các chức danh NHĐKCT thôn phải thực hiện khá nhiều trong đó có nguyên nhân cấp xã chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm. Đây cũng là lý do NHĐKCT thôn đề nghị tăng chế độ cho các chức danh và bổ sung các chức danh được hưởng bồi dưỡng, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Cho dù hiện tại, theo các nghị quyết của HĐND tỉnh thì số chức danh, mức bồi dưỡng từng chức danh đã tăng cao so với trước khi sắp xếp và cao hơn các tỉnh, thành phố khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, tại nhiều nơi, những người tham gia công việc ở thôn thiếu sự phối hợp trong hoạt động; vai trò, trách nhiệm của từng chức danh chưa được phát huy, công việc tập trung vào 3 chức danh chính. Thống kê theo các nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Nam, mỗi thôn có 13 chức danh và mỗi tổ dân phố có từ 16 - 20 chức danh. Kinh phí chi trả chế độ chính sách đối với các chức danh khoảng 140 triệu đồng/thôn/năm. Tuy nhiên, có nơi hiệu quả hoạt động mang lại chưa tương xứng.
Về công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Qua giám sát cho thấy, nhiều nơi sau sắp xếp vẫn duy trì 2 - 3 nhà văn hóa, khu thể thao thôn như trước khi sắp xếp, sáp nhập nên làm tăng kinh phí duy tu, bảo dưỡng và phân tán nguồn lực đầu tư, nâng cấp. Nhiều nơi các nhà văn hóa thôn dôi dư chưa kịp thời có phương án sử dụng thường xuyên hoặc thanh lý, bán đấu giá dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí. Bên cạnh đó, do quy mô dân số tăng lên nên có nơi nhà văn hóa chưa bảo đảm về diện tích, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp thôn chưa đồng bộ nên có nơi sau khi người dân thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ do thay đổi tên thôn lại tiếp tục chuyển đổi giấy tờ do sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Điều này làm tăng khối lượng công việc của cơ quan nhà nước; đồng thời, ảnh hưởng tâm lý người dân. Đây cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm khi triển khai cho giai đoạn sau.