Ngang nhiên phạm luật
“Nhiều nhà đầu tư ham có đất cho oách, nhưng lại không đủ năng lực tài chính để đầu tư. Vì vậy mà cứ để nó lững lờ trong tình trạng “treo”. Nếu ai nhắc nhở thì lại đi xin cái này, xin xỏ cái kia để một thời gian nữa sẽ khắc phục…” - GS Đặng Hùng Võ chia sẻ khi đề cập đến dự án treo. Và rõ ràng nhiều doanh nghiệp rất “nổ” khi xây dựng dự án, xin giấy phép đầu tư. Thậm chí đưa ra lời hứa “hoành tráng”, như đinh đóng cột, có cam kết bảo đảm tiến độ xây dựng và hoàn thành dự án. Nhưng thực tế triển khai, nhiều dự án chậm tiến độ, bỏ “hoang”, “treo” lại phổ biến và dường như còn nằm trong “vòng bí mật”.
Qua giám sát, Quốc hội đã có Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14.6.2019 yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc rà soát và công bố công khai các dự án vi phạm trên trang thông tin điện tử của địa phương. Yêu cầu này đã hơn 3 năm trôi qua nhưng đến nay cũng chưa có con số thống kê chính thức từ 63 tỉnh, thành phố.
Tình trạng dự án treo đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang thẳng thắn thừa nhận, một số dự án triển khai thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh chậm trễ, kéo dài, không đảm bảo tiến độ, không đưa đất vào sử dụng. Qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, trong đó có 60 dự án được giao đất, thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.
Tình trạng dự án chậm tiến độ ở Thanh Hóa không còn là cá biệt khi mà nhiều tỉnh, thành cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đơn cử như TP. Hà Nội, đã có tới hơn 400 dự án treo. Có nhiều dự án kéo dài trong vòng 20 năm, thậm chí lâu hơn. Hay như TP. Hồ Chí Minh, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, khu đô thị Tây Bắc, công viên Sài Gòn Safari...là dự án treo có "thâm niên" lên đến mấy chục năm trời.
Trong thực tiễn, vấn đề mà xã hội và người dân hết sức quan tâm, đó là quy hoạch treo, dự án treo. Hiện chưa có quy định dự án treo, quy hoạch treo trong thời gian bao lâu sẽ bị hủy, đây là một nội dung gây bức xúc trong nhân dân và nhất là người dân nằm trong vùng dự án treo, quy hoạch treo. Vấn đề này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, vừa giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận)
Trên diễn đàn Quốc hội, dự án treo là băn khoăn rất lớn của nhiều đại biểu. Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, tình trạng dự án treo xảy ra nhiều địa phương, trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Có những quy hoạch treo đến 20-30 năm, 40 năm, đem lại những sự bất công rất lớn đối với những người dân nằm trong vùng quy hoạch. Dự án có "từ lúc 2 vợ chồng lấy nhau, sinh con, bây giờ thế hệ thứ ba rồi mà nhà cửa không được xây, không được chuyển nhượng, không được mua bán. Sự bất công này kéo dài như thế thì không thể nào tiếp tục được" - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Tình trạng dự án treo gây ra nhiều hệ lụy. Không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, mà chính các dự án này đã đẩy cuộc sống của người dân vùng dự án rơi vào cảnh “dở khóc, dở mếu”, "đi cũng dở, ở cũng không xong"!
Dự án chậm tiến độ nhiều tháng, nhiều năm không bị thu hồi thì người chịu trách nhiệm chính trong vi phạm này trước hết là chủ đầu tư. Họ biết rất rõ quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, các cam kết thực hiện dự án… nhưng nhà đầu tư vẫn "vô tư" vi phạm, viện nhiều lý do để né tránh. Cá biệt có chủ đầu tư chuyển nhượng lại dự án cho người khác để kiếm lời hoặc cố tình chiếm giữ đất không trả lại chờ đợi đất đai lên giá “ngất ngưởng” mới thực hiện dự án. Mặt khác, phải nói đến trách nhiệm của chính quyền các cấp - cơ quan cấp phép đầu tư, cho thuê đất và các cơ quan có liên quan đã không đôn đốc, kiểm tra sát sao, phân loại, rà soát và cương quyết tiến hành thu hồi theo quy định của luật. Điều này đã được Nghị quyết 82 của Quốc hội chỉ rõ. Tuy nhiên, tình trạng dự án “treo” đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại kéo dài.
Thu hồi không dễ… vì đâu?
Thu hồi dự án vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư có nơi, có việc làm cương quyết hiệu quả, có nơi thì giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân của sự chậm trễ này có nhiều nhưng điều đáng nói về nguyên nhân chủ quan thì chưa thấy rõ trách nhiệm, thiệt hại hay hậu quả pháp lý mà cá nhân và tổ chức được giao nhiệm vụ để xảy ra tình trạng dự án “treo” kéo dài. Dường như mọi nguyên nhân đang đổ dồn vào nhà đầu tư đã được cấp phép nhưng không thực hiện và cho rằng hệ thống pháp luật trong xây dựng, quy hoạch, đất đai, đầu tư… có chỗ còn trồng chéo, thiếu hướng dẫn cụ thể.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, nhà quản lý thì dự án chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện nguyên nhân nằm ở năng lực tài chính của chủ đầu tư, vào nhu cầu thị trường của sản phẩm chủ đầu tư mong muốn và hướng đến. Nhà đầu tư chưa tích cực trong việc huy động nguồn lực để triển khai các thủ tục sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư… Ngoài ra, do công tác thẩm định, năng lực tổ chức thực hiện yếu kém, không loại trừ đã có sự "ưu ái" đặc biệt cho cả những chủ tư không đủ năng lực để triển khai dự án. Chính điều này đã dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ, khó thu hồi, và dự án cứ "treo" dài dài.
Theo GS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách: "Chủ đầu tư không đủ năng lực, nhận đất xong không huy động được vốn. Nhưng cũng có nguyên nhân từ phía quản lý nhà nước ví dụ như: những vùng dự án đó nằm trong các vùng điều chỉnh quy hoạch hoặc là những vùng đó chưa được đầu tư hệ thống hạ tầng để tiếp cận nên nhà đầu tư cũng không triển khai dự án được" .
Chính quyền cơ sở rất mạnh mẽ, quyết liệt khi cấp giấy phép nhưng lại lúng túng, bị động, không đủ “năng lực” xử lý vấn đề phát sinh khi thu hồi dự án chậm trễ. Nhiều nơi chịu “bó tay” khi mà “UBND quận, huyện báo cáo chưa đầy đủ về thông tin, tính pháp lý của dự án; nhiều đối tượng không hợp tác khi đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ; không có mặt tại buổi công bố quyết định thanh tra, chậm thực hiện các nội dung báo cáo hoặc báo cáo không theo các nội dung đề cương của đoàn thanh tra yêu cầu; chậm cung cấp tài liệu hồ sơ sử dụng đất và các tài liệu liên quan đến diện tích đất bị thanh tra. Hay đối tượng thanh tra không cử người đại diện theo quy định của pháp luật, cử người đại diện không ủy quyền làm việc với đoàn thanh tra, ký biên bản làm việc, biên bản thanh tra, biên bản kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt, việc thiếu chế tài xử phạt các chủ đầu tư không hợp tác”- theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề vướng mắc nhất là giải quyết tài sản nhà đầu tư trên đất thu hồi. Việc này phải giải quyết theo trình tự chặt chẽ vừa bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư vừa đảm bảo pháp luật thực hiện nghiêm minh. Mặt khác, có thể thấy pháp luật về trình tự, thủ tục cũng không quy định rõ thời hạn phải thu hồi xong dự án hay các trường hợp nào thuộc diện phải cưỡng chế thu hồi nên quá trình thực thi, chính quyền cơ sở còn lúng túng, vướng mắc, đùn đẩy, không rõ trách nhiệm.
Dự án “treo”, dự án bỏ hoang ngang nhiên tồn tại là câu chuyện bức xúc trong cử tri, nhân dân suốt thời gian qua. Điều này cho thấy, việc thực thi luật, nghị quyết của Quốc hội chưa nghiêm, công tác quản lý đất đai của chúng ta chưa thực sự hiệu quả. Vậy, hậu quả về lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn lực kinh tế… từ dự án "treo", cuộc sống "khó chồng khó" của những người dân sống trong vùng dự án treo hàng mấy chục năm trời, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?